Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người Pháp lên tiếng về thương vụ của những gã khổng lồ xuất bản

Tập đoàn truyền thông Vivendi đang đưa ra lời đề nghị mua 55% cổ phần của Lagardère, công ty sở hữu Hachette. Người làm sách Pháp gọi đây là thương vụ có hại cho nền xuất bản.

Victor Hugo từng viết: “Đầu óc không đọc sách sẽ khô héo như cơ thể không ăn uống”.

Ở Pháp, đất nước đã sinh ra tác giả Những người khốn khổ, xã hội luôn có một quan niệm rằng văn học không được coi là một ngành kinh doanh tầm thường như bất kỳ ngành nghề nào khác mà là một loại hình nghệ thuật cần được bảo vệ. Vì vậy, thương vụ mua lại nhà xuất bản lớn nhất Pháp Hachette của tỷ phú tập đoàn Vincent Bolloré đang chờ xử lý đã đặt thế giới văn học địa phương vào tình thế khó khăn.

sap nhap xuat ban anh 1

Librairie Jousseaume là một hiệu sách có từ năm 1826 ở Paris. Ảnh: afrenchcollection.

Một thương vụ "không tưởng" và "có hại" cho nền xuất bản

Tập đoàn truyền thông Vivendi của Bolloré đang đưa ra lời đề nghị mua lại 55% cổ phần của Lagardère, công ty sở hữu Hachette. Nếu hoàn tất, thương vụ này sẽ đưa Vivendi trở thành nhà xuất bản lớn thứ ba sau Penguin Random House của Bertelsmann và HarperCollins thuộc sở hữu của News Corp, đồng thời là một bước quan trọng trong quá trình tái thiết tập đoàn của Bolloré sau khi bán phần nhiều mảng kinh doanh lớn nhất của mình là Universal Music Group vào năm ngoái.

Các cơ quan quản lý chống độc quyền Ủy ban châu Âu sẽ có quyết định cuối cùng vì họ đang xem xét thỏa thuận. Nhưng rõ ràng là việc xuất bản sách ở Pháp đặt ra vấn đề cạnh tranh tiềm năng lớn nhất vì Vivendi đã sở hữu Editis, nhà xuất bản lớn thứ hai và Hachette là nhà xuất bản lớn nhất. Giờ đây nếu thương vụ thành công, đồng nghĩa với việc Vivendi sẽ sở hữu hai nhà xuất bản hàng đầu nước Pháp.

Các đối thủ cạnh tranh cũng đã gióng lên hồi chuông cảnh báo. Antoine Gallimard, chủ sở hữu nhà xuất bản lớn thứ ba của Pháp, cho rằng thương vụ này là “không tưởng” và “có hại” cho nền xuất bản. Một hiệp hội những người bán sách đã ví "tập đoàn tương lai Vivendi - Lagardère" như một “máy ủi tài chính và tiếp thị” sẽ ngăn chặn các tác giả vô danh hoặc độc đáo đưa sách ra thị trường, làm giảm “sự đa dạng sách vở” của Pháp.

Theo nhà kinh tế học Françoise Benhamou, nếu Vivendi "nuốt chửng" Hachette, tập đoàn mới sẽ nắm giữ khoảng 70% thị trường sách giáo khoa và hơn 50% thị trường sách bìa mềm và sách du lịch của Pháp.

Hachette và Editis kết hợp đã kiếm được khoảng 1,5 tỷ euro doanh thu ở Pháp vào năm ngoái, điều này sẽ khiến thực thể mới lớn hơn khoảng hai lần rưỡi về doanh thu so với hai người chơi tiếp theo là Madrigall (chủ sở hữu của Gallimard và Flammarion) và Média Participations (chủ sở hữu của Seuil và La Martinière).

Các cơ quan quản lý có thể sẽ yêu cầu một gói “biện pháp khắc phục” để bảo vệ các nhà bán sách và tác giả viết tiếng Pháp khỏi bị tổn hại nếu họ chấp thuận thỏa thuận. Điều này có thể bao gồm việc bán tài sản trong các danh mục sách cụ thể hoặc trong các lĩnh vực như phân phối và hậu cần. Vivendi đã công khai thừa nhận sự cần thiết của các biện pháp khắc phục. Bằng chứng là, hiện tại Vivendi đang chào bán nhà xuất bản Editis, để thuận tiện trong việc tiếp quản Lagardère.

Sách là một thứ hàng hóa đặc biệt

Nhà công nghiệp Vincent Bolloré, 70 tuổi, gần đây đã chính thức trao lại quyền điều hành đế chế kinh doanh của mình cho các con trai, nhưng ông vẫn theo dõi chặt chẽ Vivendi, một thế lực thống trị các phương tiện truyền thông Pháp. Tập đoàn này sở hữu các kênh truyền hình, đài phát thanh, tạp chí và báo chí, một công ty quảng cáo và một bộ phận sản xuất phim và truyền hình.

Năm 2022, Bộ Tư pháp Mỹ đã kiện để ngăn chặn một vụ sáp nhập lớn khác, Penguin Random House đề xuất mua lại Simon & Schuster trị giá 2,2 tỷ USD, với lý do nó sẽ dẫn đến các khoản tạm ứng thấp hơn cho các tác giả, ít sách hơn và ít sự đa dạng hơn cho người tiêu dùng.

Những người yêu sách ở Pháp đã được hưởng lợi từ khung pháp lý chặt chẽ hơn nhiều so với ở Mỹ, khung pháp lý này đã giúp bảo vệ các nhà xuất bản và hiệu sách khỏi sự tàn phá của Amazon và thay đổi thói quen của người tiêu dùng.

Vào những năm 1980, chính phủ Pháp đã quyết định rằng sách không phải là một sản phẩm giống bất kỳ sản phẩm nào khác và ban hành chính sách “một giá” cấm chiết khấu cho sách mới phát hành ở các cửa hàng bán lẻ, sau đó nó đã mở rộng hệ thống sang sách điện tử.

Điều đó khiến Amazon không dùng chính sách giá và chiết khấu để chiếm thị phần sách ở Pháp được, nên hãng này chỉ chiếm 10% thị phần trên tổng thị trường sách so với 40% ở Mỹ. Nhờ những chính sách bảo hộ gắt gao từ chính phủ, Pháp hiện tại vẫn có rất nhiều hiệu sách độc lập.

Trong một môi trường như vậy, nếu Vivendi của Bolloré mua Hachette, chính quyền sẽ phải đối mặt với rất nhiều phản ứng, nếu không có hành động bảo vệ người đọc sách, các hiệu sách và các nhà xuất bản.

Giám đốc điều hành PRH từ chức sau vụ sáp nhập không thành

Markus Dohle từ chức sau khi thỏa thuận trị giá 2,2 tỷ đôla để mua Simon & Schuster sụp đổ.

Bộ Tư pháp Mỹ phản đối vụ sáp nhập hai nhà xuất bản lớn

Bộ Tư pháp Mỹ đã đệ đơn kiện chống độc quyền để ngăn chặn Penguin Random House mua Simon & Schuster trong một thỏa thuận trị giá 2,2 tỷ USD.

Thế Duy

Bạn có thể quan tâm