Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bộ Tư pháp Mỹ phản đối vụ sáp nhập hai nhà xuất bản lớn

Bộ Tư pháp Mỹ đã đệ đơn kiện chống độc quyền để ngăn chặn Penguin Random House mua Simon & Schuster trong một thỏa thuận trị giá 2,2 tỷ USD.

Tạp chí Publishers Weekly đưa tin đơn kiện đã được gửi lên Tòa án Columbia, Mỹ. Cơ quan này lập luận nếu thương vụ được thông qua sẽ “gây tổn hại đáng kể cho tác giả”.

Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc nếu việc sáp nhập thành công sẽ “cho phép Penguin Random House, vốn là nhà xuất bản lớn nhất thế giới, ảnh hưởng đến việc sách nào được xuất bản ở Mỹ và tác giả được trả bao nhiêu cho tác phẩm của họ".

Công ty hợp nhất sẽ kiểm soát 2/3 thị trường Mỹ

Đơn của Bộ Tư pháp Mỹ tập trung phản đối tác động của việc sáp nhập đối với các tác giả: “Nếu hoàn tất, việc sáp nhập này có thể dẫn đến tổn thất đáng kể cho các tác giả của những cuốn sách có tiềm năng bán chạy và sau đó là người tiêu dùng”.

Đơn khiếu nại nêu rõ: “Sau khi hợp nhất, hai nhà xuất bản lớn sẽ kiểm soát chung 2/3 thị trường sách Mỹ, khiến hàng trăm tác giả có ít lựa chọn thay thế hơn và ít động lực hơn”.

Trong một tuyên bố, Tổng chưởng lý (Bộ trưởng Bộ Tư pháp Mỹ) Merrick Garland nói: “Sách đã định hình đời sống công chúng Mỹ trong suốt lịch sử quốc gia, các tác giả là mạch máu của việc xuất bản sách ở Mỹ. Nhưng chỉ có năm nhà xuất bản kiểm soát ngành xuất bản của Mỹ”.

Ông cho rằng nếu nhà xuất bản sách lớn nhất thế giới được phép mua lại một trong những đối thủ lớn nhất của mình, họ sẽ có quyền kiểm soát chưa từng có đối với ngành công nghiệp quan trọng này.

Markus Dohle, Giám đốc điều hành toàn cầu của Penguin Random House, từng cam kết cho phép Penguin Random House và Simon & Schuster tiếp tục đấu giá, cạnh tranh với nhau sau khi sáp nhập.

Bộ Tư pháp Mỹ bác bỏ luận điểm đó: “Tóm lại, sau khi đảm bảo gần một nửa quyền xuất bản những cuốn sách bán chạy nhất, Penguin Random House yêu cầu tòa án tin rằng họ sẽ không sử dụng sức mạnh thị trường của mình để tối đa hóa lợi nhuận vì lợi ích của cổ đông mà thay vào đó, họ sẽ tự cạnh tranh với chính mình để giảm lợi nhuận”.

Theo đơn kiện, đề xuất của Penguin Random House là “không thể thực hiện được”.

Penguin Random House từng tuyên bố “việc sáp nhập với Simon & Schuster sẽ tạo ra đối trọng với Amazon”. Đơn của Bộ Tư pháp Mỹ lập luận các tài liệu nội bộ của nhà xuất bản này cho thấy thông tin khác: Khi muốn Bertelsmann (công ty mẹ của Penguin Random House) chấp thuận việc mua lại Simon & Schuster, các giám đốc điều hành của Penguin Random House tuyên bố rằng việc mua lại này sẽ thúc đẩy họ trở thành đối tác đặc biệt của Amazon.

Bo Tu phap My anh 1

Trụ sở Simon & Schuster tại New York. Ảnh: The New York Times.

Nhà xuất bản sẽ “bảo vệ mạnh mẽ việc mua lại”

Cả Penguin Random House và Simon & Schuster đều nhanh chóng phản hồi đơn kiện. Hai nhà xuất bản này đều nói thương vụ được người tiêu dùng, tác giả, người bán sách ủng hộ.

Trong thông tin gửi nhân viên Penguin Random House, Giám đốc điều hành Dohle viết rằng nhà xuất bản cam kết bảo vệ mạnh mẽ việc mua lại này.

Văn bản cũng nêu việc mua lại sẽ “mang lợi ích cho tất cả, bao gồm tác giả, đại lý, nhà bán lẻ, cuối cùng là độc giả” và “sẽ không làm gì để làm suy yếu bối cảnh xuất bản đang cạnh tranh mạnh mẽ”.

Daniel Petrocelli, luật sư của Penguin Random House, nói vụ kiện của Bộ Tư pháp Mỹ là sai về sự thật, luật pháp và chính sách công.

Petrocelli cho rằng ngành xuất bản đang phát triển mạnh mẽ, sôi động và việc mua lại sẽ không gây tổn hại tới sự cạnh tranh này. Penguin Random House dự đoán vụ này có thể được đưa ra xét xử vào năm 2022.

Khi thông tin Penguin Random House mua lại Simon & Schuster được công bố vào cuối năm 2020, chuyên gia chống độc quyền Chris Sagers, giáo sư Đại học Luật Cleveland-Marshall, đã nói cơ hội để thương vụ này thành công là 50/50. Theo Sagers, khi nào một thỏa thuận sáp nhập vẫn để lại ít nhất bốn công ty lớn trên thị trường, các cơ quan không có khả năng khởi kiện.

Việc Penguin Randon House mua lại Simon & Schuster sẽ khiến thị trường xuất bản Mỹ còn bốn đơn vị lớn. Sager cảnh báo bao nhiêu đơn vị lớn không quan trọng bằng mức độ tập trung của thị trường vào một công ty. Sự kết hợp của Penguin Random House và Simon & Schuster sẽ tạo ra công ty lớn hơn đáng kể so với đối thủ gần nhất của họ.

Giám đốc điều hành NewsCorp Robert Thomson bình luận về thương vụ hơn 2 tỷ USD: “Rõ ràng là không có logic thị trường nào đối với giá thầu ở quy mô đó, chỉ có logic phản thị trường”.

“Bertelsmann không chỉ mua một nhà xuất bản sách, mà còn mua sự thống trị thị trường”, Thomson nói.

Khi thương vụ mua lại được đề xuất lần đầu tiên vào năm 2020, nhiều người trong ngành kinh doanh sách đã phản đối. Họ lo ngại rằng công ty kết hợp sẽ quá lớn để ngay cả phần còn lại của các nhà xuất bản Big Five (sau đó sẽ trở thành Big Four), chứ chưa nói đến các nhà xuất bản khác trong ngành công nghiệp, có thể cạnh tranh khi đấu thầu sách.

Một số người trong và ngoài ngành xuất bản coi vụ kiện là dấu hiệu cho thấy chính quyền hành động mạnh mẽ hơn trong các vấn đề chống độc quyền.

Penguin Random House, một công ty con của Bertelsmann, xuất bản 2.000 cuốn sách thương mại mới ở Mỹ hàng năm và báo cáo doanh thu 2,5 tỷ USD từ việc xuất bản ở Mỹ vào năm 2020. Simon & Schuster, một công ty con của ViacomCBS, xuất bản 1.000 cuốn sách thương mại mới ở Mỹ hàng năm, doanh thu 901 triệu USD từ xuất bản năm 2020.

Tập đoàn Hachette sẽ mua nhà xuất bản Workman giá 240 triệu USD

Tập đoàn Hachette Book Group - một trong 5 nhà xuất bản lớn - đang thực hiện các bước để mua lại nhà xuất bản Workman.

Xu hướng sáp nhập của những nhà xuất bản lớn trên thế giới

Các nhà xuất bản hàng đầu thế giới đã tiến hành những cuộc mua bán trong hơn một năm qua. Điều đó làm dấy lên lo ngại về tình trạng độc quyền trong thị trường sách.

Minh Phương

Bạn có thể quan tâm