Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Một phác thảo về Hà Nội 100 năm trước

Từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, diện mạo thành phố Hà Nội thay đổi đáng kể bởi chế độ thực dân. Dẫu vậy, nhiều người đã đấu tranh để giữ vẻ đẹp của Thủ đô.

Bưu ảnh in hình Nhà đấu xảo, hội chợ năm 1902.

Bưu ảnh in hình Nhà đấu xảo, hội chợ năm 1902.

Chia sẻ với Tri Thức - Znews tại sự kiện ra mắt cuốn sách Hà Nội thời cận đại - từ nhượng địa đến thành phố (1873-1945) hôm 29/9, nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết cảnh quan Thủ đô hiện đại còn rất nhiều dấu ấn từ thời Pháp do các chính sách quy hoạch toàn diện. Trước sự lai căng mà chế độ thực dân áp vào vùng đất này, một số học giả, người yêu văn hóa đầu thế kỷ 20 đã có những nỗ lực để bảo vệ văn hóa, di sản Hà Nội.

Những lần quy hoạch của thực dân bị phản đối

Theo sách Hà Nội thời cận đại - từ nhượng địa đến thành phố (1873-1945), những năm 1873-1897, thành Hà Nội bị quân đội thực dân Pháp tấn công, chiếm đóng và phá hủy. Sau đó, chính quyền thực dân đã thực hiện nhiều việc nhằm biến đổi Hà Nội từ khu Nhượng địa thành một “thành phố Pháp”.

Trong hơn 30 năm tìm kiếm các tư liệu của người Pháp về Hà Nội tại các nơi lưu trữ, TS Đào Thị Diến - tác giả cuốn sách Hà Nội thời cận đại - từ nhượng địa đến thành phố (1873-1945) - đã nhận thấy trong giai đoạn này có những lần giới tri thức cả Việt và Pháp đứng lên bảo vệ quy hoạch của Thủ đô.

Chẳng hạn, Bà Đào Thị Diến tìm thấy một hồ sơ kháng nghị chống lại công trình “Dự án cải tạo và xây cao con đường ngăn cách giữa hai hồ thành một con đê”. Theo đó, vào ngày 17/12/1929, Thống sự Bắc Kỳ đã nhận được bức thư của Nores - Chủ tịch Hội Địa lý Hà Nội. Trong thư, ông Nores viết: “cứu những di sản của cái đẹp và dấu ấn của màu sắc thuộc địa, nhằm bảo vệ số ít những góc yên tĩnh của thành phố”, “bảo vệ toàn vẹn những phong cảnh duyên dáng nhất, tuyệt vời nhất của vùng ngoại ô Hà Nội”.

Ông Nores cũng đề xuất thay vì xây dựng một con đê để ngăn mùa nước lớn, Hội đồng Thành phố nên tập trung củng cố hệ thống đê Yên Phụ. Đây là một trong nhiều nỗ lực để bảo vệ cảnh quan Hà Nội, cuối cùng đến 26/5/1930, dự án này đã bị hủy bỏ.

Cuốn sách Hà Nội thời cận đại - từ nhượng địa đến thành phố (1873-1945) của TS ĐàoThị Diến. Ảnh: Nhã Nam.
quy hoach ha noi anh 1
quy hoach ha noi anh 1

Cuốn sách Hà Nội thời cận đại - từ nhượng địa đến thành phố (1873-1945) của TS ĐàoThị Diến. Ảnh: Nhã Nam.

Ngoài khu vực hồ Tây, năm 1937, Hội đồng thành phố của thực dân cũng có kế hoạch mở rộng nghĩa trang người Âu tại phố Sergent Larrivee (nay nghĩa trang thuộc khu tập thể Nguyễn Công Trứ). Dự án sẽ chiếm dụng phần đất xung quanh đền Hai Bà Trưng.

Ngay lập tức, những người theo đạo Thiên Chúa và thủ từ đền Hai Bà Trưng đã làm đơn chống lại quyết định lố bịch này. Cuộc phản đối này mạnh mẽ tới mức báo chí Pháp đã liên tục lên tiếng và trích lại lá thư của ông Phạm Huy Lục, Chủ tịch Viện Dân biểu Bắc Kỳ gửi Thống sứ Bắc Kỳ. Trước sức ép của dư luận, Hội đồng thành phố đã hủy bỏ quyết định trước đó.

Có thể thấy, trong lịch sử, Hà Nội đã đứng trước rất nhiều thách thức của việc bị khai thác, mổ xẻ bởi chính quyền thực dân Pháp. Dù vậy, không thể phủ nhận rằng cũng có những người Pháp đã đứng về phía Việt Nam.

“Có một bộ phận người Pháp yêu Hà Nội, đó là điều quý giá mà tôi tìm thấy được sau nhiều năm làm việc với các tài liệu về Thủ đô thời cận đại”, TS Đào Thị Diến phát biểu tại buổi ra mắt sách.

Nhà sử học Dương Trung Quốc nhấn mạnh: “Chúng ta thừa nhận rằng người Pháp đã có những sai lầm và điều đó đã bị lên án gay gắt bởi chính người dân nước họ. Nhưng bên cạnh đó, một số công trình vẫn được gìn giữ nhờ sự đấu tranh bởi các học giả, người dân Hà Nội".

Hành trình trả lại tên phố

Trong cuốn Hà Nội thời cận đại - từ nhượng địa đến thành phố (1873-1945), ngoài các bài viết còn có thêm phần phụ lục gồm “Bảng tra tên đường, phố, quảng trường, vườn hoa ở Hà Nội trước và sau năm 1954” và “Lược dẫn tên các nhân vật người Pháp được đặt làm tên phố, quảng trường, vườn hoa và một số công trình ở Hà Nội trước năm 1954”.

Quá trình tìm kiếm lịch sử tên gọi của các con phố này không phải điều dễ dàng. TS Đào Thị Diến đã phải dựa vào rất nhiều bộ hồ sơ. Nhờ đó, bà đã phát hiện rằng năm 1891, Công ty Fontaine đã trúng thầu trong việc cung ứng biển tên phố và số nhà ở Hà Nội.

Từ năm 1902, chính quyền thực dân ở thành phố bắt đầu tiến hành xếp hạng các con đường cũ, mới và quy định các tiêu chí để xét duyệt. Căn cứ vào đó, tên phố sẽ được đặt lại. Năm 1904, các con đường trong thành phố đã được xếp thành 5 hạng.

Sau đó, vào năm 1905, bộ hồ sơ lập và đặt tên phố lần đầu được hình thành bởi thực dân Pháp. Những cái tên này được sử dụng trong 18 năm. Cho đến giai đoạn 1926-2943, một bộ hồ sơ mới lại cho thấy có thêm rất nhiều con phố của Hà Nội bị thực dân hóa.

quy hoach ha noi anh 2

Nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ tại sự kiện. Ảnh: Đức Huy.

Sau năm 1945, quy hoạch thành phố Hà Nội bắt đầu từ việc đặt tên lại cho các con đường. Thay vì những tên gọi lai căng như Abbattoire, Chapuis... Hội đồng thành phố của nhân dân ta đã chỉnh sửa thành những cái tên mới. Chẳng hạn tên gọi Hàng Thiếc bị người Pháp đổi thành Ferblantiers đã được trả lại, Hàng Vải (Etoffes), Hàng Vôi (Chaux) cũng tương tự. Địa danh 36 phố phường dần sống lại.

GS Vũ Dương Ninh kể lại: "Sau năm 1945, dù đã đổi tên đường sang tiếng Việt nhưng mọi người vẫn quen miệng gọi bằng tiếng Pháp. Phải mất tới vài năm, người dân Thủ đô mới chuyển về cách nói cũ". Qua đó có thể thấy chỉ cần một thay đổi của thực dân Pháp cũng có thể tác động sâu rộng đến đời sống văn hóa người Việt.

Từ góc độ khai thác tài liệu lưu trữ, cuốn sách Hà Nội thời cận đại - từ nhượng địa đến thành phố (1873-1945) của TS Đào Thị Diến đã đem tới một góc nhìn khác về quá trình biến đổi Thủ đô thời cận đại. Qua đó, độc giả sẽ có những hiểu biết mới về nguồn gốc của các công trình đang được bảo tồn ngày nay. Đồng thời, những nhà quy hoạch cũng sẽ tìm thấy những bài học từ các dự án quy hoạch đầu thế kỷ 20.

Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức - Znews

Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức - Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@znews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.

Trân trọng.

Bài liên quan

Vì sao người ta say đắm mùa thu Hà Nội?

Vì sao người ta say đắm mùa thu Hà Nội?

Người ta yêu mùa thu bởi cái nét thanh tao, dịu dàng đặc trưng. Trời vào thu, cho ta cảm giác chậm rãi, yên bình đầy lắng đọng. Mùa thu ngắn ngủi, bởi vậy bao kẻ luyến nhớ nó nhiều hơn.

Đức Huy

Bạn có thể quan tâm