Trong nhiều thập kỷ, al-Amari là thành trì của Fatah - một trong hai phong trào của người Palestine - ở Bờ Tây. Nhưng những ngày gần đây, hoạt cảnh đã thay đổi ở thành trì này: Những lá cờ xanh xuất hiện trên các ngả đường và các bức vẽ trên tường ghép thành một từ: Hamas.
“Họ đã tiếp thêm sức mạnh cho sự nghiệp đấu tranh của người Palestine”, Mohammed Khadier, 16 tuổi và là một người ở Bờ Tây, nói. Một người khác tiếp lời rằng: "Chúng tôi coi Hamas là thủ lĩnh của chúng tôi bây giờ".
Những người ủng hộ nhóm Hồi giáo Hamas tụ tập để ăn mừng lệnh ngừng bắn với Israel tại Hebron, Bờ Tây, vào ngày 21/5. Ảnh: Washington Post. |
Trong vòng 11 ngày hồi tháng 5, Israel đã tung đòn trừng phạt vào các mục tiêu của Hamas ở Dải Gaza. Cuộc tấn công làm sập các đường hầm, phát nổ kho vũ khí và hạ gục các máy bay chiến đấu của Hamas. Lực lượng Hamas bắn hơn 4.000 quả tên lửa vào Israel, khủng bố người dân ở Tel Aviv và các thành phố lân cận.
Cuộc giao tranh khiến hơn 200 người thiệt mạng, hầu hết ở Dải Gaza.
Cuộc tấn công vào Israel của Hamas đã nhận được ủng hộ mới từ người Palestine ở Bờ Tây, nơi mà cả Israel lẫn Fatah đều cố dập tắt ảnh hưởng của Fatah.
Bất chấp lệnh cấm, người Palestine vẫy cờ Hamas và hô vang khẩu hiệu của nhóm trong các cuộc biểu tình trên khắp lãnh thổ bị chiếm đóng. Khung cảnh này chưa có tiền lệ trong những năm gần đây, Washington Post nhận định.
Hamas càng nổi tiếng hơn khi danh tiếng của chính quyền Palestine đang xuống dốc thậm tệ. Ông Mahmoud Abbas, Tổng thống Palestine, bị chỉ trích, thậm chí từ cả thành viên Fatah, vì phản ứng chậm trễ trước các cuộc tấn công của Israel.
Mâu thuẫn giữa chính quyền Palestine do Fatah lãnh đạo ở Bờ Tây và Hamas ở Dải Gaza từ lâu đã trở thành rào cản trong giải quyết xung đột Israel - Palestine.
Các nhà lãnh đạo Israel, những người đã nỗ lực tránh các lựa chọn khó khăn trong vấn đề ngoại giao với Palestine và chủ trương không nhường bước, thích điều này.
Các cuộc không kích của Israel đã phá hủy ít nhất 2.000 nhà ở và làm hư hại hơn 15.000 căn khác ở Gaza trong cuộc tấn công kéo dài 11 ngày. Ảnh: Reuters. |
Osama Qawasma, phát ngôn viên của Fatah và là cố vấn của Tổng thống Abbas, thừa nhận rằng người Palestine muốn có phản ứng cứng rắn hơn đối với Israel.
“Người dân rất giận dữ đối với Israel. Họ muốn có thêm sự phản kháng”, ông Osama nói.
Ông Abbas bị ràng buộc bởi các thỏa thuận quốc tế với cam kết kiềm chế bạo lực và quản lý Bờ Tây, kể cả trong bối cảnh Israel chiếm đóng hơn nửa thế kỷ. Tuy nhiên, Hamas thì không.
Ngày càng có nhiều người chỉ trích ông Abbas =rằng ông phải chịu trách nhiệm về sự bất ổn ở Bờ Tây. Ông đã khơi dậy sự thất vọng của khoảng 2,5 triệu người Palestine sống ở đó.
Liệu vị thế của Hamas có được lâu không vẫn là câu hỏi khó trả lời. Có rất ít dấu hiệu cho thấy người Palestine ở Bờ Tây sẽ sẵn sàng chấp nhận hệ tư tưởng của nhóm này, vốn theo đường lối tôn giáo cứng nhắc. Hamas đã phải nỗ lực làm dịu một số luận điệu của mình, bao gồm việc ngầm thừa nhận sự tồn tại của Israel và chấp nhận ý tưởng về một nhà nước Palestine dọc theo các giới tuyến trước năm 1967.