Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

‘Người nhựa’ giải cứu Senegal

Modou Fall - với bộ trang phục từ đầu đến chân bằng nhựa - đã trở thành nhân vật quen thuộc ở Dakar. Mục tiêu của ông là loại bỏ rác nhựa khỏi thủ đô của Senegal.

nguoi nhua o Senegal anh 1

Khi các vận động viên chạy marathon gồng mình lấy đà ở vạch xuất phát, một người đàn ông nổi bật, ăn mặc lạ thường, bằng nhựa từ đầu đến chân.

Một chiếc áo choàng nhiều màu làm hoàn toàn bằng túi nylon quét qua mặt đất. Trên đầu ông đội một chiếc mũ làm từ kính râm bằng nhựa.

Nhưng người đàn ông này, Modou Fall, không tham gia cuộc thi marathon vào tháng 11 hàng năm ở Dakar, thủ đô của Senegal. Ông đang có cuộc đua khác: Cuộc đua cứu đất nước Tây Phi khỏi thảm họa rác thải nhựa, làm tắc nghẽn hệ thống kênh rạch, khiến các bãi biển chuyển màu, và làm mất mỹ quan trên phố, theo New York Times.

Với cuộc đua marathon thu hút đám đông lớn và các phương tiện truyền thông, ông không thể bỏ qua cơ hội để quảng bá sứ mệnh dọn sạch nhựa khỏi thành phố của mình.

nguoi nhua o Senegal anh 2

Ông Fall mời người bán hàng tại một khu chợ ở ngoại ô Dakar dùng túi giấy thay cho túi nylon. Ảnh: Reuters.

Người chở che và bảo vệ môi trường

Vẫy cờ Senegal và mang theo một chiếc loa phát ra các bài hát liệt kê thiệt hại do nylon gây ra cùng với khẩu hiệu "Tôi yêu nước tôi, tôi nói không với túi nylon", Fall đi lại trong chiếc áo choàng của mình, quanh những vận động viên đang bắt đầu cuộc đua.

Người chạy đua liên tục dừng lại bắt chuyện và xin chụp ảnh cùng ông. Không từ chối, ông nắm bắt mọi cơ hội để thuyết trình một bài giảng nhẹ nhàng về các vấn đề môi trường.

Sau khi nhóm người chạy cuối cùng đã rời khỏi khu vực xuất phát, Fall và nhóm tình nguyện viên của ông bắt đầu nhặt chai nhựa và túi nylon mà người ta bỏ lại.

Đối với người nước ngoài tham gia chạy đua và khách du lịch, đây có thể là lần đầu tiên họ bắt gặp một người đàn ông như vậy. Thế nhưng, đối với cư dân địa phương, ông Fall đã trở thành sự hiện diện quen thuộc, mà mọi người hay gọi là “Người nhựa”.

Người ta có thể thấy ông thường xuyên nhảy múa trên phố với trang phục tự thiết kế làm hoàn toàn bằng nhựa, chủ yếu là túi nylon được nhặt từ khắp thành phố. Treo trước ngực ông là một tấm biển ghi “Không túi nylon”.

Với Fall, đây là một cuộc chiến mà ông rất coi trọng.

nguoi nhua o Senegal anh 3

Rác làm tắc cống ở Bargny, một thị trấn ven biển ở Senegal. Ảnh: AP.

Trang phục của Fall được mô phỏng theo “Kankurang” - một nhân vật thuộc văn hóa truyền thống của Senegal, có hình tượng uy nghiêm, mặc một tấm vải liệm bằng cỏ dệt, thường ẩn hiện trong những khu rừng thiêng. Kankurang được coi là người chống lại những linh hồn xấu xa, và cũng là người truyền dạy các giá trị chung.

“Tôi bắt chước Kankurang. Tôi là một người truyền dạy, người che chở và bảo vệ môi trường”, ông Fall nói trong một cuộc phỏng vấn gần đây.

Rác thải nhựa đặt ra một vấn đề môi trường nghiêm trọng trên toàn cầu. Các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng Senegal nằm trong số các quốc gia thải rác nhựa ra đại dương nhiều nhất.

Điều này một phần là do nước này gặp khó khăn trong việc quản lý chất thải, giống như nhiều quốc gia nghèo hơn. Đất nước đồng thời có một lượng lớn dân số sống ven biển.

Nhằm cố giảm tỷ lệ ô nhiễm, chính phủ Senegal đã ra lệnh cấm một số sản phẩm nhựa vào năm 2020, nhưng vấp phải khó khăn trong việc thực thi. Senegal, với dân số khoảng 17 triệu người, được dự báo thải ra hơn 700.000 tấn chất thải nhựa không được quản lý vào năm 2025 nếu không có chính sách hợp lý. Con số này ở Mỹ là khoảng 337.000 tấn.

nguoi nhua o Senegal anh 4

Ông Fall và các tình nguyện viên nhặt rác trên bãi biển Dakar vào Ngày Làm sạch Thế giới, năm 2018. Ảnh: Reuters.

Dùng toàn bộ tiền tiết kiệm để bảo vệ môi trường

Ông Fall (48 tuổi) lần đầu tiên nhận thấy tác hại to lớn của nhựa vào năm 1998 khi đi nghĩa vụ quân sự. Trong khi đóng quân ở vùng nông thôn phía đông Senegal có nhiều cộng đồng chăn gia súc, ông chứng kiến ​​nhiều gia súc ốm vì nuốt phải nylon.

Chủ chăn nuôi thường giết thịt vật nuôi giá trị của họ trước khi chúng chết. Bằng cách này, ít nhất, việc ăn thịt chúng sẽ không trái với luật của đạo Hồi.

Sau khi thực hiện nghĩa vụ quân sự, ông Fall bán áo phông và phao cứu sinh ở chợ Sandaga sầm uất của Dakar, nơi có hàng chục tiểu thương bày bán đủ loại hàng hóa, thường được đựng trong túi nylon. Loại túi này rẻ nên không mấy ai tiếc mỗi khi sử dụng hay vứt chúng ra đường.

Trong nhiều tháng, ông Fall cảnh báo với các bạn chợ của mình về mối đe dọa của túi nylon đối với môi trường, khuyên họ hãy sử dụng chúng hợp lý, nhưng hầu như không ai tiếp thu.

Chán nản, một ngày nọ, ông quyết định thử làm gương cho mọi người bằng cách tự mình dọn dẹp toàn bộ khu chợ.

“Tôi mất 13 ngày, nhưng tôi đã làm được”, ông nói.

Túi nylon vẫn quay trở lại, nhưng ít nhất ông đã thành công trong việc khiến một số chủ cửa hàng phải suy nghĩ lại.

Ý chí loại bỏ rác thải nhựa ngày càng sôi sục đối với Fall. “Nếu cứ tiếp tục như vậy, cuộc sống của các thế hệ tương lai sẽ gặp nguy hiểm”, ông nói.

nguoi nhua o Senegal anh 5

Người tham gia đua marathon xin chụp hình với ông Fall. Ảnh: New York Times.

Năm 2006, ông Fall đã sử dụng hết số tiền tiết kiệm hơn 500 USD để thành lập tổ chức tình nguyện của mình, mang tên Senegal Propre (nghĩa là Senegal sạch).

Ông trồng hàng chục cây xanh trên khắp thành phố và tổ chức các cuộc họp cộng đồng để thuyết phục mọi người hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần. Ông cũng phát động chiến dịch dọn dẹp và tái chế lốp xe trong những khu phố đông người của Dakar.

Với rác thải nhựa mà họ thu thập được, Senegal Propre đã tái chế chúng thành gạch, đá lát đường và băng ghế công cộng. Lốp xe cũ trở thành những chiếc ghế bán được với giá khoảng 430 USD. Số tiền thu được hầu hết dùng cho các hoạt động bảo vệ môi trường như trồng cây ở trường học.

Nhiều người bán hàng nhìn thấy nỗ lực của Fall và bắt đầu tham gia.

Cheikh Seck (31 tuổi), bán kính râm và đồng hồ ở Pikine, ngoại ô Dakar, cho biết: “Tôi từng vứt túi hoặc cốc nhựa ra đường sau khi sử dụng vì không nhận thức được những nguy hiểm mà nó có thể gây ra. Rác thải nhựa là mối quan tâm toàn cầu và tôi rất vui khi được đóng góp vào cuộc chiến cùng Modou”.

Thông điệp của ông Fall dường như đang được chú ý. Tại cuộc thi marathon hồi tháng 11/2021 - cuộc đua thứ 3 mà Fall tham gia dọn dẹp, một số vận động viên đã nhớ đến khẩu hiệu yêu thích của ông và hét lên mỗi khi chạy qua: “Nói không với rác thải nhựa!”.

Voi kiếm ăn giữa núi rác nhựa ở Sri Lanka Những con voi ở Sri Lanka phải kiếm ăn giữa núi rác nhựa trong khi môi trường sống tự nhiên của chúng bị đe dọa.

Đại dịch tạo ra 25.900 tấn rác thải cho các đại dương

Một nghiên cứu mới công bố cho thấy 25.900 tấn rác thải nhựa từ đại dịch Covid-19 - tương đương hơn 2.000 chiếc xe buýt hai tầng - đã bị đổ ra các đại dương.

Cơn ác mộng mới ở Sri Lanka sau vụ cháy tàu thảm khốc

Sự cố cháy tàu ở Sri Lanka hồi tháng 5 đã tác động tiêu cực đến môi trường và ngành thủy sản. Hệ lụy từ thảm họa hạt vi nhựa có thể bao trùm cả Ấn Độ Dương nhiều thập kỷ tới.

Hồng Ngọc

Bạn có thể quan tâm