Tìm chỗ trú ẩn trong một tòa nhà kiên cố hoặc dưới lòng đất, đó là lời khuyên trong trường hợp khẩn cấp cho người dân Nhật Bản khi có cuộc tấn công tên lửa từ Triều Tiên.
Tuy nhiên, có hai vấn đề lớn: phần lớn các ngôi nhà ở Nhật Bản được làm bằng gỗ và không có tầng hầm. Ở vùng nông thôn, hầu như không có tòa nhà nào được làm bằng bê tông.
Khi tên lửa Triều Tiên chỉ cần vài phút để tới được Nhật Bản, họ sẽ không có thời gian để tìm chỗ trú ẩn.
Theo AFP, tuần này, khi Triều Tiên phóng tên lửa thứ hai bay qua Nhật Bản trong vòng chưa đầy một tháng và đe dọa "nhấn chìm" quốc gia này xuống biển bằng vũ khí hạt nhân, nhiều người Nhật cảm thấy bất lực trước mối đe dọa từ Bình Nhưỡng.
Bất lực nhìn tên lửa bay qua
Đầu bếp sushi Isamu Oya, 67 tuổi, đang điều hành một nhà hàng ở làng chài nhỏ Erimo, ngay dưới đường bay của tên lửa hôm 15/9.
"Chính phủ nói với chúng tôi hãy tới trú ẩn trong tòa nhà kiên cố hoặc dưới lòng đất nhưng làm gì có chỗ nào như vậy. Chúng tôi chẳng có lựa chọn nào khác ngoài đứng nhìn", ông nói.
"Tôi có sợ không ư? Có chứ, nhưng làm sao tránh được", Oya cho biết.
Người đi bộ đi qua một màn hình lớn ở Tokyo đang phát bản tin có hình nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un sau vụ phóng tên lửa ngày 15/9. Ảnh: AFP-JiJi.
|
Nhật Bản là một trong những quốc gia có hoạt động địa chấn nhiều nhất thế giới và thường hứng chịu các sự kiện thời tiết cực đoan. Vì vậy, người dân được diễn tập kỹ lưỡng cho tình huống sơ tán khẩn cấp và hệ thống cảnh báo của chính quyền cũng khá nhanh nhạy.
Khi phát hiện tên lửa, hệ thống J-Alert ngay lập tức được kích hoạt. Cảnh báo được phát đi từ loa phóng thanh, chương trình truyền hình bị gián đoạn, tin nhắn được gửi tới mọi điện thoại di động ở một số khu vực.
Chính quyền địa phương và các trường học thường xuyên tổ chức các cuộc diễn tập để chuẩn bị cho người dân trong trường hợp xảy ra động đất lớn. Năm nay, nhiều cuộc diễn tập bao gồm nội dung thực hành tìm chỗ trú ẩn khi tên lửa bay qua.
Trong khi đó, ở nước láng giềng Hàn Quốc, người dân sống với mối đe dọa tấn công từ miền Bắc trong nhiều thập kỷ qua và thường giữ thái độ điềm tĩnh trước các khiêu khích.
Khi Seoul tổ chức các cuộc tập trận dân sự thường kỳ, các quan chức thường phải vật lộn để đưa người dân vào những nơi trú ẩn dưới lòng đất nằm rải rác khắp đất nước.
Cuộc sống vẫn diễn ra bình thường ở Seoul hôm 15/9 trong khi thị trường chứng khoán bắt đầu giảm điểm chỉ vài giờ sau khi có tín hiệu tên lửa bay qua.
"Với tôi, việc kinh doanh vẫn hoạt động bình thường", cựu doanh nhân Noh Suk-won, 60 tuổi, nói. "Miền Bắc chỉ đang phô diễn sức mạnh quân sự để buộc Mỹ phải đàm phán. Họ sẽ không bắn tên lửa qua đầu chúng tôi đâu", ông khẳng định.
Tìm cách tự cứu mình
Các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy người Nhật không điềm nhiên được như vậy trước mối đe dọa. Trong cuộc khảo sát do Đài truyền hình NHK công bố tuần trước, 52% số người được hỏi cho biết "họ rất lo lắng" và 1/3 số người trả lời nói họ "lo lắng ở mức độ nào đó". Chỉ 2% trả lời rằng họ "không lo lắng chút nào".
Machiko Watanabe, 66 tuổi, cựu nhân viên văn phòng, cho biết bà "sợ hãi mỗi ngày". "Tôi nghĩ không có cách nào để tự bảo vệ mình cả. Chính phủ và các chuyên gia nói hãy trú ẩn kỹ càng nhưng chúng tôi sẽ không có cách nào sống sót được", bà bày tỏ.
Trước mối đe dọa ngày càng tăng và còi báo động thường xuyên réo vang vì tên lửa, Nhật Bản đang tìm cách tăng cường phòng thủ. Bộ Quốc phòng đã yêu cầu ngân sách thường niên lớn nhất từ trước đến nay để phát triển hệ thống đánh chặn tên lửa và bổ sung hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis trên bộ vào hệ thống trên biển đã có.
Một thành viên của Lực lượng Phòng vệ Mặt đất (JGSDF) của Nhật Bản đứng gác trước các tên lửa đánh chặn Patriot Advanced Capability-3 (PAC3) ở Tokyo, Nhật Bản, ngày 29/3/2009. Ảnh: Getty. |
Mặc dù vậy, một số người dân vẫn tìm cách tự lo cho mình. Nhà sản xuất hầm trú ẩn Oribe Seiki Seisakusho ở thành phố Kobe đang tăng trưởng tốt nhờ nhu cầu tăng mạnh do những căng thẳng gần đây trên bán đảo Triều Tiên.
Nhu cầu chủ yếu đến từ "những gia đình đang xây nhà mới và các chủ doanh nghiệp nhỏ muốn xây dựng chỗ trú ẩn gần nhà máy hoặc văn phòng cho nhân viên".
"Mỗi khi còi báo động réo lên, mọi người không biết phải trốn đi đâu", Nobuko Oribe, giám đốc hãng Oribe, cho biết.
Tuy nhiên, đây không phải là lựa chọn dành cho số đông. Một hầm trú ẩn chứa được 13 người có chi phí 25 triệu yen (226.000 USD) và phải mất khoảng 4 tháng để hoàn thành.
Trên đường phố Tokyo, một số người lại có suy nghĩ bất cần. Ken Tanaka, một nhà thiết kế web 21 tuổi, nói anh "không quan tâm" về vụ phóng và tin rằng thủ đô cùng 14 triệu người dân sẽ an toàn trong trường hợp xảy ra cuộc tấn công của Triều Tiên.
"Tôi không nghĩ Triều Tiên dám tấn công Tokyo và khu vực thủ đô. Là một cư dân Tokyo, tôi không lo lắng nhiều về điều đó. Nó có vẻ siêu thực đối với tôi", anh cho biết.