Liên Hợp Quốc đã nhất trí thông qua một loạt biện pháp trừng phạt kinh tế mới chống lại Triều Tiên, bao gồm hạn chế nhập khẩu dầu thô và cấm xuất khẩu hàng dệt may.
Các biện pháp được đưa ra nhằm đáp trả cuộc thử nghiệm hạt nhân lần thứ 6 và là lần thử nghiệm mạnh nhất của Triều Tiên trong tháng này. Đây được coi là các lệnh trừng phạt nặng nề nhất từ trước tới nay dù đã giảm bớt mức độ so với yêu cầu ban đầu của Mỹ.
Tuy nhiên, hiệu quả của đợt trừng phạt mới vẫn bị nghi ngờ do Triều Tiên từng vượt qua các cấm vận trước đây của Liên Hợp Quốc (LHQ).
Dựa trên các nghiên cứu và ý kiến của các chuyên gia, The Week đã đánh giá hiệu quả của công cụ chính sách đối ngoại phổ biến này.
Lựa chọn đứng giữa
Các nhà phê bình cho rằng hình thức trừng phạt thường kém hiệu quả và ít khi thành công trong việc thay đổi hành vi của quốc gia mục tiêu. Những người ủng hộ lại lập luận rằng các biện pháp trừng phạt ngày càng trở nên hiệu quả và vẫn là "công cụ chính sách đối ngoại cần thiết", theo Hội đồng Quan hệ Quốc tế (CFR).
Lệnh trừng phạt đang đóng vai trò ngày càng tăng trong địa chính trị hiện đại và được sử dụng vì nhiều lý do khác nhau, từ thúc đẩy nhân quyền đến ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân.
Chúng có thể nhắm vào các quốc gia, cá nhân hoặc doanh nghiệp dưới nhiều hình thức bao gồm cấm đi lại, đóng băng tài sản và cấm vận thương mại.
Nikki Haley, đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc, giơ tay biểu quyết áp dụng các biện pháp trừng phạt mới đối với Triều Tiên trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tại trụ sở ở New York, Mỹ, ngày 11/9. Ảnh: Getty. |
Hội đồng Bảo an LHQ đã áp đặt lệnh trừng phạt hơn 20 lần kể từ sau Chiến tranh Lạnh, thường là trong trường hợp ngoại giao thất bại và các lựa chọn quân sự không khả thi.
CFR cho biết ngoài các lệnh trừng phạt do LHQ ban hành, Liên minh châu Âu (EU) đã áp đặt lệnh trừng phạt hơn 30 lần. Trong khi đó, Mỹ là nước sử dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế và tài chính nhiều nhất thế giới.
Việc các quốc gia không muốn tham gia giải quyết xung đột ở nước ngoài là yếu tố chính khiến các biện pháp trừng phạt ngày càng được sử dụng phổ biến.
Nhà ngoại giao kỳ cựu Jeremy Greenstock, cựu đại sứ Anh tại LHQ, nói ngoài lệnh trừng phạt, “không còn gì khác nằm giữa lời nói và hành động quân sự để sử dụng khi muốn gây sức ép lên một chính phủ”.
“Hành động quân sự ngày càng không được hoan nghênh và không hiệu quả xét về nhiều mặt trong một thế giới hướng tới tính chính đáng, còn ngôn từ thì không có tác dụng gì đối với các chế độ bảo thủ”, ông nói với BBC.
“Vậy thì một thứ gì đó ở giữa là cần thiết”, Greenstock nhận định.
Tác dụng ngoài ý muốn
Theo một nghiên cứu khá toàn diện về lệnh trừng phạt, các nhà nghiên cứu đã khảo sát 100 trường hợp và xác định tỷ lệ thành công chỉ ở mức 34%.
Tuy nhiên, tỷ lệ này chịu ảnh hưởng lớn từ sự thay đổi chính sách. Theo Newsweek, các trường hợp thả tù nhân chính trị, thay đổi chế độ hoặc nổi dậy quân sự có thể tăng tỷ lệ thành công của lệnh trừng phạt.
Một trong những thất bại đáng chú ý nhất là lệnh cấm vận thương mại và đi lại của Mỹ với Cuba. Lệnh cấm vận kéo dài 5 thập kỷ đã không giúp Washington đạt được mục tiêu chính sách nào.
Theo Colin Rowat, giáo sư kinh tế tại Đại học Birmingham, các biện pháp trừng phạt càng kéo dài thì càng ít khả năng thành công. “Điều này phản ánh sự mệt mỏi của các quốc gia áp đặt lệnh trừng phạt trong khi các quốc gia mục tiêu ngày càng có kinh nghiệm vượt qua các chế tài”, ông nói với The Conversation.
Thực tế, Triều Tiên đã tránh được các biện pháp trừng phạt của LHQ trong hơn một thập niên qua. Theo New York Times, “những con đường thương mại lớn vẫn mở” đã giúp Bình Nhưỡng kiếm được nguồn ngoại tệ để duy trì nền kinh tế và tài trợ chương trình vũ khí hạt nhân.
Quân đội Triều Tiên (KPA) tham dự lễ kỷ niệm ở thủ đô Bình Nhưỡng mừng vụ thử bom hạt nhân lớn nhất của Triều Tiên, ngày 6/9. Ảnh: AFP/Getty. |
BBC nhận định các lệnh trừng phạt cũng thường ít ảnh hưởng tới giới cầm quyền hoặc quân đội. Chúng thường “có khuynh hướng đánh vào những người dân bình thường hơn là nhà cầm quyền, mục tiêu thực sự cần gây áp lực”.
Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ghi nhận rằng các biện pháp trừng phạt sẽ kém hiệu quả hơn khi áp dụng với những kẻ thù quốc tế và có thể dẫn tới kết quả không mong muốn.
“Các biện pháp trừng phạt Nga vào năm 2014 trong cuộc khủng hoảng Ukraine không chỉ góp phần tăng sự tín nhiệm đối với Vladimir Putin mà quan trọng hơn, chúng còn đóng góp vào sự phát triển của chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa yêu nước Nga”, WEF nhận định.
Nhân tố thứ yếu
Lệnh trừng phạt từng tỏ ra hiệu quả trong một số trường hợp, nhưng chỉ là phần nào. Các chuyên gia cho rằng biện pháp trừng phạt từng giúp đưa Iran ngồi vào bàn đàm phán vào năm 2015 và đồng ý cắt giảm chương trình hạt nhân.
Tuy nhiên, mối đe dọa quân sự có thể đã đứng sau quyết định này. “Việc Israel đe dọa có hành động quân sự và việc Barack Obama từ chối phát động cuộc tấn công vào các lò phản ứng hạt nhân của Iran chắc chắn đã đóng vai trò quan trọng”, New Yorker bình luận.
Nhiều người cũng lập luận rằng các chế tài trừng phạt kinh tế, tẩy chay, giảm thương mại tư nhân trên diện rộng áp đặt lên Nam Phi trong những năm 1980 đã góp phần vào sự sụp đổ của chế độ phân biệt chủng tộc.
Tuy nhiên, một lần nữa, các yếu tố khác đã đóng vai trò quan trọng dẫn đến kết quả này. Lee Jones, giảng viên cao cấp của Đại học Queen Mary ở London, tác giả sách về lệnh trừng phạt kinh tế, cho biết nền kinh tế Nam Phi thực sự vẫn phát triển dưới các lệnh trừng phạt quốc tế.
“Ảnh hưởng của nó chỉ là một sự bổ sung khiêm tốn đối với áp lực lớn do liên minh da màu tạo nên đối với chế độ”, Washington Post trích lời Lee Jones. “Đó chính là những gì đã chấm dứt chế độ phân biệt chủng tộc ở Nam Phi, không phải là các lệnh trừng phạt”, Jones nhận định.
Như vậy, có thể kết luận rằng đòn đánh về kinh tế không phải luôn luôn đem lại lợi ích về chính trị. Trong hầu hết trường hợp, các biện pháp trừng phạt đã thất bại trong việc đạt được các mục tiêu về chính sách đối ngoại hoặc không đóng vai trò quyết định ngay cả khi chúng có vẻ hiệu quả.