Theo South China Morning Post, số lượng chocolate và rượu được Trung Quốc xuất khẩu qua Triều Tiên tăng đáng kể trong 2 quý đầu năm 2017.
Cụ thể, Trung Quốc xuất khẩu 93,8 tấn chocolate qua Triều Tiên trong quý đầu tiên của năm 2016. Cùng kỳ năm 2017, con số này tăng gần 2 lần, tới 167,9 tấn.
Đồng thời, lượng bia rượu xuất khẩu cũng tăng mạnh. Chỉ trong nửa đầu năm nay, Bình Nhưỡng nhập 12 triệu lít bia, tăng khoảng 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng rượu nhập khẩu cũng tăng gần 4 lần, trị giá 7,54 triệu USD.
Chocolate được bày bán tại Bình Nhưỡng. Ảnh: AP. |
Theo một số chuyên gia, đây có thể là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Triều Tiên vẫn "sống tốt" bất chấp các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc.
Dù nhiều tuần qua thế giới hướng sự chú ý vào những đe dọa tấn công bằng tên lửa từ Triều Tiên, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un vẫn luôn ưu tiên phát triển song song cả quân sự và kinh tế. Dưới thời ông Kim Jong Un, kinh tế Triều Tiên đặt người tiêu dùng vào trung tâm, giúp thúc đẩy tăng trưởng và đem về nhiều lợi ích cho quốc gia.
Trung Quốc được coi là đối tác kinh tế chính của Triều Tiên trong nhiều năm qua, bất chấp mối quan hệ căng thẳng trong thời gian gần đây, xoay quanh chương trình tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Ngày 15/9, Bình Nhưỡng tiếp tục phóng tên lửa bay qua đảo Hokkaido của Nhật Bản, hướng về Thái Bình Dương.
Chánh văn phòng Nội các Nhật Yoshihide Suga nói tên lửa rơi xuống biển ở vị trí cách thị trấn Erimo thuộc vùng Hokkaido 2.000 km về phía đông. Vụ phóng diễn ra ngay lúc 7 giờ sáng (giờ địa phương), chính phủ Nhật Bản đã cảnh báo người dân trú ẩn kịp thời.
Vụ việc diễn ra chỉ một ngày sau khi Bình Nhưỡng đe doạ "đánh chìm" Nhật Bản và biến Mỹ thành "tro tàn và bóng tối" để phản ứng lệnh cấm vận mới nhất của Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc.