Theo Nikkei Asian Review, lần gần nhất Tokyo đăng cai Thế vận hội (Olympic) vào năm 1964, ông Shirahashi - khi ấy còn là một sinh viên - gần như không bao giờ ở nhà.
Ông nhớ lại cảm giác phấn khích khi đi dạo quanh Tokyo. Thành phố thu hút hàng nghìn du khách nước ngoài và trở thành tâm điểm chú ý của thế giới.
Nhưng lần này, không một khán giả nào được phép tham dự Thế vận hội Tokyo. Người đàn ông 74 tuổi thấy như thể Olymic "được tổ chức ở một nơi khác".
Tuy nhiên, ông Shirahashi vẫn thấy thích thú khi xem Thế vận hội tại nhà. "Giờ đây, tốt nhất là xem TV và uống bia ở nhà", ông chia sẻ. Theo Video Research, tỷ lệ xem của lễ khai mạc Thế vận hội lên đến 56,4%.
Ông Shirahashi là một trong nhiều người cao tuổi ở Nhật Bản đã được tiêm chủng đầy đủ. Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide khẳng định đến cuối tháng 7, 80% người cao tuổi sẽ hoàn thành tiêm vaccine.
Thế vận hội khai mạc chậm một năm và vào thời điểm Tokyo ban bố tình trạng khẩn cấp do dịch Covid-19. Các khán giả địa phương cũng bị cấm tham gia. Ảnh: Reuters. |
Thế vận hội không khán giả
Nhưng ngày càng ít người trẻ Nhật Bản được tiêm vaccine. Điều đó cản trở tăng trưởng kinh tế và quá trình trở lại "cuộc sống bình thường, an toàn" như ông Suga mô tả. Thế vận hội không khán giả và các hoạt động kinh doanh bị trì hoãn cũng không thể thúc đẩy chi tiêu.
Ông Toshihiro Nagahama - Giám đốc điều hành tại Viện nghiên cứu Dai-ichi Life (có trụ sở tại Tokyo) - dự đoán chi tiêu sẽ bắt đầu phục hồi kể từ tháng 9. Tuy nhiên, điều đó phụ thuộc vào việc tiêm chủng và nới lỏng các hạn chế đối với hoạt động kinh doanh.
Thế vận hội không khán giả đã không thể thúc đẩy nền kinh tế lớn thứ 2 châu Á. Tỷ lệ tiêm chủng của Nhật Bản được cải thiện đáng kể. Nhưng các hoạt động kinh tế vẫn còn xa ngưỡng bình thường.
Doanh số bán lẻ tháng 6 của Nhật Bản tăng 0,1% so với một năm trước đó. Cùng kỳ, Trung Quốc và Mỹ báo cáo mức tăng lần lượt là 12,1% và 18%. Ngay từ trước dịch Covid-19, chi tiêu của người tiêu dùng Nhật Bản đã lao dốc. Nguyên nhân là vào tháng 10/2019, chính phủ nâng thuế tiêu dùng từ 8% lên 10%.
Thế vận hội không khán giả không thể thúc đẩy chi tiêu tại Nhật Bản. Ảnh: Reuters. |
Trước dịch, chi tiêu của người tiêu dùng Nhật Bản thường tăng vào tháng 7 và tháng 8 nhờ các chuyến du lịch trong nước. Nhưng với việc ban bố tình trạng khẩn cấp, nhiều du khách không thể đi đâu.
Các nhà hàng cũng bị yêu cầu đóng cửa vào 8h tối và không phục vụ đồ uống có cồn. Trong tháng 7, chính quyền thành phố đã phạt 4 doanh nghiệp vì mở cửa sau 8h tối.
Nhưng do đối mặt với áp lực kinh doanh quá lớn và không nhận được sự hỗ trợ đầy đủ của chính quyền, nhiều nhà hàng ở Nhật Bản đã không làm theo các yêu cầu. Nghiên cứu của Nikkei Asian Review (được thực hiện trên 500 nhà hàng tại Tokyo) chỉ ra 50% nhà hàng không đóng cửa lúc 20h.
Triển khai tiêm chủng chậm chạp
Theo nhà phân tích cấp cao Naoko Kuga tại Viện nghiên cứu NLI, những cải thiện trong việc làm và triển vọng lạc quan là yếu tố cần thiết đối với tăng trưởng tiêu dùng. Đại dịch đã giáng đòn vào nhóm người lao động trẻ và không có hợp đồng.
Mức tiêu thụ có xu hướng giảm khi số ca nhiễm Covid-19 tăng lên và ngược lại. So với năm ngoái, tác động của đại dịch đối với tiêu dùng đã giảm đi. Một trong các nguyên nhân là sự phát triển của thị trường phục vụ những nhu cầu tại gia, chẳng hạn dịch vụ giao hàng.
Theo Hiệp hội Công nghiệp Công nghệ Thông tin và Điện tử Nhật Bản, vận chuyển TV màn hình phẳng trong nước từ tháng 1 đến tháng 6 đã tăng 20% so với một năm trước đó.
Chương trình tiêm chủng của Nhật Bản đang tăng tốc. Thủ tướng Suga hứa sẽ đạt 1 triệu lượt tiêm chủng mỗi ngày. Nhưng đất nước vẫn còn một chặng đường dài phía trước. Hiện chỉ khoảng 38% dân số được tiêm ít nhất 1 mũi.
Thế vận hội không khán giả của thủ tướng Nhật Bản trái ngược với quyết định của Thủ tướng Anh Boris Johnson. Ảnh: Reuters. |
Thế vận hội không khán giả của thủ tướng Nhật Bản trái ngược với quyết định của Thủ tướng Anh Boris Johnson. Giải vô địch bóng đá châu Âu 2020 đã diễn ra tại London vào ngày 11/7. 75% trên tổng số 90.000 chỗ ngồi được lấp đầy. Khán giả có thể tham dự nếu có kết quả xét nghiệm âm tính với virus.
Không ít người Nhật Bản đã tiêm chủng cũng thất vọng vì vẫn phải chịu những hạn chế như đi du lịch và gặp gỡ bạn bè.
Nhật Bản ghi nhận hàng nghìn ca nhiễm mới mỗi ngày. Người dân Nhật Bản đã rất cẩn thận trong các hoạt động hàng ngày. Tuy nhiên, điểm khác biệt lớn nằm ở phạm vi tiêm chủng.
Anh đã tiêm 2 liều vaccine cho hầu hết người dân. Trong khi đó, vào tháng 7, nguồn cung vaccine không đủ buộc chính phủ Nhật Bản phải giảm tốc chương trình tiêm chủng.