Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người nghiện xin đểu

Thấy tài xế dừng đèn đỏ, Đạt tiến tới đập cửa rồi xin: “Có tiền không, cho mấy ngàn ăn cơm coi”. Còn thanh niên khác, khi không xin được tiền đã thò tay vào cabin uy hiếp tài xế.

Tình trạng người nghiện ma túy dùng kim tiêm dính máu xin đểu, quỵt tiền... đang là nỗi ám ảnh của cánh tài xế và người dân sống dọc quốc lộ 1 đoạn qua quận 12, TP HCM.

Nhóm người nghiện kéo về quốc lộ 1 đoạn qua địa bàn phường Thạnh Xuân giáp ranh với phường Thạnh Lộc (quận 12) hoạt động hơn hai tháng nay. Địa bàn hoạt động trải dài trong khoảng 3 km, nhưng tập trung nhiều nhất ở một số quán cà phê cóc quanh giao lộ Tô Ngọc Vân - quốc lộ 1.

Ngoài việc xin đểu, nhóm người nghiện này còn giở trò trộm cắp, quỵt tiền của những người bán hàng quanh khu vực.

Ngày đầu ở trung tâm tập trung người nghiện

Hôm 5/12, hàng trăm người nghiện ma túy đã được đưa về các trung tâm cai nghiện của TP.HCM. Nhiều con nghiện là nữ, thậm chí có trường hợp là 2 vợ chồng.

Trắng trợn

Theo tìm hiểu, trong số người nghiện sống vật vờ dọc hai bên quốc lộ đoạn qua phường Thạnh Xuân thì có khoảng 10 người (gồm cả trai và gái) độ tuổi 25-35 thường xuyên đập cửa, lao lên xe của các tài xế để xin đểu.

Địa bàn hoạt động chính của nhóm này trải dài trong khoảng 3 km dọc hai bên quốc lộ từ cầu vượt Ngã Tư Ga (phường Thạnh Lộc) đến cầu Bến Cát 2 (phường Thạnh Xuân).

Khoảng 11h30 ngày 4/12, một người nghiện tự xưng tên Đạt (khoảng 35 tuổi, quê Nam Định) mang balô nhảy vào giữa hai làn xe tải để... xin đểu.

Một người nghiện đu xe tải để xin tiền - Ảnh: H.Lộc
Một người nghiện đu xe tải để xin tiền.

Khi dòng xe khựng lại vì đèn đỏ ở giao lộ Tô Ngọc Vân - quốc lộ 1, Đạt tiến tới đập cửa một chiếc xe tải rồi xin đểu bằng câu cửa miệng quen thuộc: “Có tiền không, cho mấy ngàn ăn cơm coi”.

Tài xế xe tải không đồng ý và tiếp tục cho xe chạy nhưng Đạt vẫn đập cửa, “đeo” theo khoảng 50m, cuối cùng tài xế phải rút tờ 5.000 đồng đưa cho Đạt. Xong “phi vụ” này, Đạt ngồi ung dung đọc báo, khoảng năm phút sau tiếp tục “đeo” theo đập cửa xe tải khác.

Trong khoảng thời gian từ 11g30-12g ngày 4/12, chúng tôi ghi hình được gần 10 lần Đạt “đeo” các xe tải xin đểu như vậy và rất ít tài xế dám từ chối. Trước đó trưa 3/12, Đạt cũng đập cửa xe, xin tiền khoảng 15 tài xế.

Cũng ngày 3/12, ngoài Đạt còn thêm ba người nghiện (một người nữ, thường mặc áo hoa) “phong tỏa” khu vực giao lộ Tô Ngọc Vân - quốc lộ 1 ở cả hai hướng ra vào TP HCM để xin đểu.

Cảnh chích ma túy công khai ở trung tâm Sài Gòn

Người đàn ông ngồi ngay vòng xoay Quách Thị Trang, đối diện chợ Bến Thành (quận 1, TP.HCM) chích ma túy sau đó sang bến xe buýt xin tiền khách đi đường.

So với Đạt, nhóm người nghiện này hoạt động kín kẽ, tinh vi hơn. Họ giả dạng đi nhặt ve chai để che mắt cơ quan chức năng. Trong đó có một thanh niên khoảng 30 tuổi, đội nón lưỡi trai, thường dắt kim tiêm ở vành tai để uy hiếp cánh tài xế khi đòi đưa tiền.

Giữa trưa, thanh niên này có mặt tại khu vực giao lộ Tô Ngọc Vân - quốc lộ 1 (hướng từ Thủ Đức đi quận 12) trong trang phục áo thun, quần sọc, đội nón lưỡi trai. Vừa thấy một xe tải không đóng cửa kính, ngay lập tức thanh niên này lao tới đập cửa, “đeo” theo xin đểu.

“Đeo” được khoảng 20m vẫn chưa xin được tiền, anh ta táo tợn thò tay vào cabin giở trò uy hiếp, buộc tài xế phải cho tiền.

Xin đểu xong, thanh niên này lại đi nghênh ngang giữa dòng xe nhích chậm, rồi bất ngờ leo lên một xe tải đập cửa xin tiền tiếp. Trong khoảng 30 phút, đối tượng đã đập cửa, xin tiền trên 10 tài xế.

Tài xế T.V.T. (quê Bình Định), bị nhóm người nghiện leo lên xe dùng kim tiêm đe dọa xin tiền, bức xúc cho biết: Lần đầu do không biết nên anh cứ mở cửa kính chạy xe cho mát.

Trèo lên cả cabin.
Trèo lên cả cabin.

Lúc dừng đèn đỏ tại giao lộ Tô Ngọc Vân - quốc lộ 1, anh giật mình khi một thanh niên thò đầu vào cabin hét lớn “vã quá, cho ít tiền đâm coi”, trên vành tai thanh niên này còn kẹp một kim tiêm dính máu.

"Tôi sợ quá, móc tiền đưa để đi cho xong chuyện. Bây giờ mỗi lần qua giao lộ này là tôi đều ớn lạnh và đóng hết cửa vì sợ người nghiện giở trò”, anh T nói.

Trộm cắp, ăn quỵt tiền

Trưa 1/12, nhóm hai người nghiện ăn mặc nhếch nhác vào một quán nước ở giao lộ Tô Ngọc Vân - quốc lộ 1.

Ngay khi đặt chân vào quán, hai người gọi một chai nước ngọt và nằm thượt trên ghế hút thuốc. Khoảng 15 phút sau, do có một người nghiện khác đến gọi, hai người này bật dậy và ném tờ 5.000 đồng cho chủ quán rồi bỏ đi. Chủ quán lắc đầu ngao ngán nhưng không dám hé răng vì sợ trả thù.

“Nghiện hút đó. Bị quỵt tiền hoài. Hôm nay nó trả 5.000 đồng chứ mọi hôm nó không trả cũng phải chấp nhận” - chỉ tay vào nhóm người nghiện đang tụ tập gần đó, bà chủ quán nói.

Theo bà, có hôm nhóm người nghiện này quỵt tiền ăn và còn giở trò đe dọa trấn lột trắng trợn, may mà bà kịp hô hoán nên họ bỏ đi.

Tương tự, một người bán nước (đề nghị không nêu tên) kể ông buôn bán ở đây bốn năm nhưng chưa bao giờ thấy người nghiện tràn về khu vực này đông như vậy.

Ông khẳng định thường xuyên thấy nhóm người nghiện leo lên ôtô xin đểu, một số người còn mang cả kim tiêm dính máu đe dọa tài xế.

“Một vài lần nhóm này mua nước của tui uống nhưng không trả tiền, về sau tui biết là người nghiện rất manh động nên không dám đòi tiền” - ông nói.

Dân Sài Gòn kêu trời vì chợ ma túy

Mang tiếng nhà mặt tiền đường mà bán không ai mua, ngày càng xuống giá. Đó là nỗi khổ của người dân sống quanh Bến xe An Sương (TP.HCM)

Sáng 5/12, ông Vũ Anh Đức - chủ tịch UBND phường Thạnh Xuân - cho biết hiện số người nghiện trên địa bàn phường Thạnh Xuân là 14 người.

Còn việc người dân phản ảnh tình trạng người nghiện xin đểu, trộm cắp, gây mất trật tự, an ninh là do những người nghiện từ địa bàn khác kéo về địa bàn phường Thạnh Xuân hoạt động dọc quốc lộ 1, nơi giáp ranh giữa khu phố 1, khu phố 5 và khu phố 6. Hiện UBND phường đã nắm rất kỹ và thường xuyên cho lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý liên tục.

“Tôi cũng đích thân đến hiện trường kiểm tra và ghi nhận người nghiện đu xe tải xin tiền” - ông Đức nói.

Theo ông Đức, bắt đầu từ chiều ngày 4 đến rạng sáng 5/12, UBND phường đồng loạt ra quân, rà soát tại nhiều địa điểm, đưa về trụ sở phường 32 người sống lang thang, có dấu hiệu nghi vấn sử dụng ma túy để kiểm tra.

Bước đầu qua test nhanh, xác định 13 người nghiện ma túy, 19 người đang được test lại xem liệu họ có sử dụng ma túy tổng hợp (ma túy đá) hay không để lập hồ sơ chuyển đến trung tâm cai nghiện.

“Từ nay đến cuối năm 2014, chúng tôi sẽ liên tục ra quân xử lý triệt để tình trạng người nghiện sống lang thang, lập hồ sơ đưa vào các trung tâm cai nghiện” - ông Đức khẳng định.

Ra quân thu gom người nghiện

Ngày 5/12, 322 phường, xã trên địa bàn TP.HCM triển khai kế hoạch đưa người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định vào hai cơ sở tiếp nhận đối tượng xã hội là Bình Triệu (quận Bình Thạnh) và Nhị Xuân (huyện Hóc Môn).

Theo báo cáo nhanh của TP tính đến 16g ngày 5/12, TP thu gom 1.203 người có biểu hiện nghi vấn nghiện ma túy.

Qua xét nghiệm phát hiện 715 người sử dụng ma túy (dương tính), trong đó có 643 người không có nơi cư trú ổn định, cơ quan chức năng lập 437 hồ sơ đưa người nghiện ma túy vào cơ sở xã hội, trong đó có 253 người nghiện vào Cơ sở xã hội Bình Triệu và Cơ sở xã hội Nhị Xuân.

Tình trạng nghiện chặn xe xin tiền công khai
Tình trạng nghiện chặn xe xin tiền công khai

Riêng 72 người nghiện được xác minh có nơi cư trú ổn định thì chuyển về địa phương để xử lý theo quy định.

Một số quận, huyện trọng điểm về ma túy thu gom được số lượng lớn người nghiện như quận 8, 12, Bình Tân, huyện Bình Chánh. Quận 3 và huyện Cần Giờ chưa phát hiện đối tượng nghiện ma túy.

Ông Trần Ngọc Du, chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Sở Lao động - thương binh và xã hội TP.HCM), cho biết theo báo cáo của các quận, huyện trong ngày đầu ra quân, các địa phương gặp lúng túng khi có một số “đối tượng nằm ngoài Luật xử lý vi phạm hành chính”.

Cụ thể là các trường hợp người sử dụng ma túy dưới 18 tuổi, phụ nữ có con nhỏ dưới 36 tháng tuổi, người câm điếc không thể lấy lời khai.

“Với người sử dụng ma túy dưới 18 tuổi, các địa phương sẽ đưa vào Trung tâm Giáo dục và dạy nghề thanh thiếu niên 2 (huyện Củ Chi), phụ nữ có con nhỏ dưới 36 tháng tuổi sẽ được đưa vào trung tâm nuôi dưỡng trẻ em của TP. Người nghiện câm điếc thì vẫn chưa có hướng xử lý” - ông Du nói.

Những người lang thang được thu gom có kết quả xét nghiệm ma túy âm tính cũng được đưa vào cơ sở hỗ trợ xã hội của TP.

http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20141206/nguoi-nghien-xin-deu/681210.html

Theo V.Thủy - Đ.Phú - Đ.Thanh - Hoàng Lộc / Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm