Bloomberg đưa tin theo tổ chức Resolution Foundation (Anh), những gia đình nghèo ở Anh có thể "chịu tác động khủng khiếp" vì giá hàng hóa trên trời, nhất là sau gần 20 năm thu nhập giậm chân tại chỗ.
Trong báo cáo được công bố hôm 4/7, nhóm nghiên cứu cho biết rất nhiều gia đình tại Anh đang sống chật vật vì giá cả tăng cao, thu nhập thấp và khoản tiền tiết kiệm ít ỏi. Họ cũng không nhận được nhiều hỗ trợ từ chính quyền địa phương.
Nhiều gia đình tại Anh đang sống chật vật vì giá cả tăng cao, trong khi thu nhập gần như không tăng trong 20 năm qua. Ảnh: Reuters. |
Bỏ bữa vì lạm phát
Lạm phát tháng 5 của Anh đã đạt mức cao nhất trong vòng 40 năm. Giá thực phẩm và lương thực tiếp tục tăng cao, gây ra cuộc khủng hoảng phí sinh hoạt tại nước này. Đóng góp lớn vào lạm phát là giá nhà ở, chi phí giao thông, tiền điện, khí đốt và các nhiên liệu khác.
Theo ông Paul Craig - Giám đốc danh mục đầu tư tại Quilter Investors, số liệu lạm phát tháng 5 là lời cảnh báo về những thách thức mà ngân hàng trung ương, chính phủ, doanh nghiệp và người tiêu dùng Anh phải đối mặt.
Thật đáng thất vọng, cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt sẽ không được giải quyết sớm. Ngân hàng Trung ương Anh đang đứng trước những lựa chọn khó khăn
Ông Paul Craig, Giám đốc danh mục đầu tư tại Quilter Investors
“Thật đáng thất vọng, cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt sẽ không được giải quyết sớm. Ngân hàng Trung ương Anh đang đứng trước những lựa chọn khó khăn", ông bình luận.
Theo một khảo sát gần đây, nhiều người Anh phải bỏ bữa vì áp lực lạm phát và khủng hoảng an ninh lương thực.
Trong khi đó, theo ước tính của nhóm nghiên cứu Resolution Foundation, sau khi điều chỉnh theo lạm phát, thu nhập khả dụng của một hộ gia đình điển hình tại Anh chỉ tăng 0,7%/năm trong vòng 15 năm trước khi dịch Covid-19 bùng phát. Mức sống của 20% dân số nghèo nhất cũng không mấy cải thiện sau gần 20 năm.
Nếu duy trì tốc độ tăng lương như trước khủng hoảng tài chính năm 2008-2009, mức lương phổ thông sẽ cao hơn 9.000 bảng (tương đương 11.000 USD) so với hiện tại. Theo nhóm nghiên cứu, năng suất lao động thấp đã kéo tụt mức lương và làm gia tăng tình trạng bất bình đẳng trong nhiều thập kỷ.
"Điều này cần được thay đổi trong thập kỷ tới, nhất là việc thu nhập của các hộ gia đình nghèo ở Anh không hề đi lên trong 20 năm qua", ông Adam Corlett - nhà kinh tế tại Resolution Foundation - nhấn mạnh.
"Để đạt được điều đó, chúng ta cần giải quyết các thách thức trong việc nâng cao mức lương và năng suất, giảm chi phí nhà ở và phát huy những gì đã làm tốt, chẳng hạn thúc đẩy việc làm cho các hộ gia đình có thu nhập thấp", ông nói thêm.
Thu nhập giậm chân tại chỗ
Theo báo cáo của Resolution Foundation, kể từ năm 2004-2005, tăng trưởng thu nhập của những lao động không hưởng lương hưu đã lao dốc. Mức lương của một người lao động điển hình hiện nay thậm chí không cao hơn giai đoạn trước cuộc khủng hoảng tài chính.
Cứ 4 hộ gia đình thì có một nhà không đủ tiền tiết kiệm để trang trải chi phí cho cả tháng. Trong khi đó, hỗ trợ thất nghiệp cơ bản đã giảm xuống 13% mức lương trung bình, đánh dấu mức thấp kỷ lục.
Những hộ gia đình phải thuê nhà hoặc có trẻ nhỏ là các đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Trong khi đó, kể từ năm 2013-2014, Anh đã trải qua 5 trên tổng số 10 năm ghi nhận mức chênh lệch giàu nghèo cao nhất.
Tuy nhiên, báo cáo của Resolution Foundation cũng chỉ ra một số điểm sáng. Từ giai đoạn 2007-2008 đến 2019-2020, đối với 1/2 dân số nghèo hơn, tỷ lệ người trong độ tuổi lao động có việc làm đã tăng 6 điểm phần trăm, cao hơn mức tăng 2 điểm phần trăm của nửa còn lại.
Với những gia đình nghèo nhất tại Anh, mức tăng thu nhập không theo kịp lạm phát, khiến họ rơi vào tình thế khốn đốn. Ảnh: Reuters. |
Trong khi đó, trong vòng 25 năm qua, tỷ lệ hộ gia đình trong độ tuổi lao động không có thu nhập đã giảm 6% xuống còn 15%. Còn theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Tài khóa Anh (IFS), vào năm trước đại dịch, 49% trẻ em sống trong các gia đình có bố hoặc mẹ đơn thân được xếp vào nhóm "nghèo đói tương đối". Đây là những hộ gia đình có thu nhập dưới 60% mức trung bình. Tỷ lệ này gần như gấp đôi so với những trẻ em sống trong gia đình có cả 2 người.
"Giai đoạn trước đại dịch, số việc làm gia tăng đã thúc đẩy thu nhập của các hộ gia đình có bố hoặc mẹ đơn thân. Tuy nhiên, việc cắt giảm phúc lợi xã hội và khấu trừ thuế khiến thu nhập của họ giảm đi", ông Jonathan Cribb - Phó giám đốc IFS, tác giả của nghiên cứu - giải thích.
"Cuối cùng, từ năm 2010 đến năm 2019, quá trình giảm nghèo tại các gia đình có cha hoặc mẹ đơn thân tại Anh không tiến triển. Thu nhập của họ ngày càng xa mức trung bình", ông nói thêm.