Kết quả sơ bộ cho thấy gói sửa đổi hiến pháp đang dành được sự ủng hộ từ đông đảo người dân, theo CNN. Tính đến tối ngày 1/7, Uỷ ban Bầu cử đã kiểm xong 50% phiếu bầu, trong đó có 76,24% người ủng hộ việc sửa đổi hiến pháp.
Do ông Putin đề xuất, gói sửa đổi hiến pháp lần này tập trung vào 41 điều và bổ sung thêm 5 điều mới, tương đương với 60% điều khoản trong Hiến pháp 1993.
Nga hoàn thành cuộc trưng cầu dân ý về việc sửa đổi hiến pháp. Ảnh: Getty Images. |
Các sửa đổi có liên quan đến điều khoản về nhiệm kỳ tổng thống, nghĩa vụ của chính phủ trong lĩnh vực xã hội, quyền hạn của Quốc hội Nga và Toà án Hiến pháp Nga. Đáng chú ý, hiến pháp sửa đổi cho phép tổng thống phục vụ 4 nhiệm kỳ liên tiếp, thay vì 2 nhiệm kỳ như hiện tại.
Cụ thể, hiến pháp hiện tại quy định nhiệm kỳ tổng thống của ông Putin hết hạn vào năm 2024. Song hiến pháp mới sẽ cho phép ông Putin tranh cử thêm 2 nhiệm kỳ nữa, đồng nghĩa với việc ông có thể làm tổng thống đến năm 2036 nếu tái đắc cử.
Nhiều quan chức cấp cao tại Nga nhấn mạnh tầm quan trọng của việc trao cơ hội duy trì quyền lực cho Tổng thống Putin. Thị trưởng Moscow Sergei Sobyanin tin rằng nước Nga cần cải cách nếu muốn “đảm bảo sự ổn định, loại bỏ sự không chắc chắn”.
Sự thay đổi có thể nhận về nhiều lời chế giễu, cáo buộc Nga thay đổi hiến pháp để phù hợp với nhà cầm quyền.