Azat Asadullin, bác sĩ trưởng tại một phòng khám ở phía nam miền Trung nước Nga, đang sốt sắng chuẩn bị cho làn sóng bệnh nhân Covid-19 ập đến phòng khám của ông. Ông chuẩn bị sẵn giường dự phòng, thuốc và dung dịch khử trùng.
Ông cũng như nhiều đồng nghiệp và quan chức trên cả nước còn lo lắng về tình trạng nghiện rượu bia giữa mùa dịch.
Doanh số bán vodka tăng 65%
Đại dịch virus corona đã lan ra toàn cầu, làm dấy lên lo ngại về tình trạng lạm dụng rượu bia ngày càng tăng khi mọi người bị nhốt trong nhà, có khả năng tìm đến chất kích thích.
Tại Nga, sau hai tuần phong tỏa cục bộ, nỗi lo ngại đang trở thành hiện thực khi thực thế cho thấy doanh thu bán rượu đã tăng đột biến, châm ngòi cho bạo lực gia đình gia tăng.
“Các bệnh nhân rất cứng đầu, cáu kỉnh và hung hăng”, bác sĩ Asadullin nói về những bệnh nhân mà ông đang điều trị trong mùa dịch. “Trước năm mới họ nghe lời và vui vẻ hơn”.
Khu vực bán rượu của một siêu thị ở Moscow. Ảnh: New York Times. |
Giảm hứng thú với rượu bia là một trong những mục tiêu chính về y tế cộng đồng của Tổng thống Vladimir Putin. Theo số liệu thống kê chính thức gần đây nhất, người Nga đã giảm 1/3 lượng tiêu thụ rượu bia mỗi năm so với năm 2003, theo New York Times.
Nhưng các cuộc chè chén vẫn là thói quen của một bộ phận người dân, đặc biệt là trong những ngày lễ. Cuối tháng 3, khi ông Putin tuyên bố một tuần không làm việc nguyên lương để hạn chế sự lây lan của virus corona, thói quen này lại trỗi dậy.
Doanh số bán vodka ở Nga đã tăng 65% trong tuần cuối cùng của tháng 3 so với tháng trước đó, theo tổ chức nghiên cứu thị trường GfK. Tỷ lệ những vụ bạo hành gia đình cũng tăng vọt, đặc biệt ở những người say rượu.
Tỷ lệ tội phạm tăng đột biến
Tại Yakutia, khu vực thuộc Siberia có diện tích gấp 4 lần Texas, chính quyền cho biết tỷ lệ tội phạm tăng đột biến, trong đó có vụ những kẻ say rượu đã đâm chết một gia đình 4 người.
“Một số người coi đấy là tuần nghỉ lễ dài”, ông Aysen Nikolayev, Thống đốc vùng Yakutia, trả lời phỏng vấn qua điện thoại. “Thật không may, điều này bắt đầu dẫn đến hậu quả xấu”.
Để ngăn chặn tình trạng này, ông Nikolayev đã cấm bán rượu bia một tuần ở thành phố thủ phủ của vùng, Yakutsk, nơi cách Vòng Bắc cực 450 km với dân số khoảng 300.000 người, cũng như ở một số thành phố khác.
Ở khoảng 10/85 vùng của Nga, với phần lớn là khu vực nông thôn phải vật lộn với những kẻ nghiện rượu, cũng đã hạn chế việc bán rượu bia.
Nga đã áp lệnh phong tỏa cục bộ toàn quốc. Ảnh: New York Times. |
“Tôi xin lỗi nếu có ai đó không thích điều này”, ông Rady Khabirov, Thống đốc Cộng hòa Bashkortostan ở miền Trung nước Nga, viết trên mạng xã hội hồi đầu tháng để thông báo sẽ cấm bán rượu từ 18h đến 10h sáng. “Lịch sử sẽ phán xét”.
Các nhà hoạt động chống nghiện rượu bia cho rằng đất nước cần hạn chế bán rượu bia trong suốt thời gian áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội. Cho đến nay, điều này vẫn được áp dụng không đồng bộ. Các nhà hoạt động và một số bác sĩ đã đổ lỗi cho chính phủ.
“Thật không may, chính phủ không làm việc để giải quyết vấn đề này”, ông Sultan Khamzayev, người đứng đầu nhóm hoạt động Sober Russia cho biết.
Uống vodka để chữa bệnh
Một phần là do quan niệm lệch lạc, phổ biến từ thời Liên Xô cho rằng uống vodka có thể điều trị hoặc ngăn ngừa bệnh.
“Gần đây, tôi đã nói đùa rằng các bạn không nên sử dụng rượu vodka để rửa tay”, Tổng thống nước láng giềng Belarus, ông Aleksandr Lukashenko, nói hồi tháng trước. “Các bạn có lẽ cũng nên dùng 40 đến 50 gram tương đương với rượu tinh khiết để giết chết con virus này. Chỉ cần không trong giờ làm việc”.
Khamzayev nói rằng tổ chức của ông đã cố gắng đấu tranh suốt hai tuần để Bộ Y tế Nga tuyên bố uống rượu bia có hại trong việc chống lại virus.
Nhưng chỉ đến ngày 6/4, Bộ trưởng Y tế Mikhail Murashko mới tuyên bố trên truyền hình rằng “việc cố gắng điều trị bằng rượu bia sẽ khiến bệnh nhân virus corona phải nhập viện trong tình trạng không thể cứu chữa được nữa”.
Một người phục vụ quán bar ở Moscow đổ đầy chai bia để bán mang đi. Ảnh: New York Times. |
Virus corona lan truyền ở Nga chậm hơn so với nhiều nước phương Tây, nhưng nước này đã chứng kiến số ca nhiễm tăng nhanh trong nhiều ngày qua. Tính tới sáng 22/4, Nga đã có 52.763 ca nhiễm với 456 trường hợp tử vong.
Tại Moscow, thành phố của Nga bị ảnh hưởng nặng nề nhất, giới chức đã cảnh báo về nguy cơ quá tải hệ thống y tế. Cùng với đó, nhiều biện pháp nghiêm khắc được thực thi.
Moscow và nhiều khu vực khác của Nga chỉ cho phép người dân ra khỏi nhà trong trường hợp cần thiết hoặc dắt chó đi dạo trong phạm vi khoảng 100 m từ nhà của họ. Ông Putin đã tuyên bố rằng tất cả người Nga làm các công việc không thiết yếu phải được phép ở nhà, có lương, đến hết tháng 4.
Các bác sĩ và quan chức trên cả nước cho biết sự buồn chán và nỗi lo về kinh tế càng “tiếp tay” cho sự sa đà vào rượu bia, khiến cuộc đấu tranh càng kéo dài.
“Bây giờ, nắp vung vẫn đậy nhưng nồi đã sôi rồi”, Aleksei Kazantsev, bác sĩ trưởng một trung tâm điều trị nghiện tư nhân ở Moscow, bày tỏ. “Đấy là chúng ta còn chưa nhìn thấy đỉnh dịch ở Moscow”.
Bạo hành gia đình tăng cao
Việc tiêu thụ rượu bia tăng mạnh khiến tình trạng bạo hành gia đình ở Nga trở nên nghiêm trọng hơn.
Tại Moscow, bà Mari Davtyan, luật sư của các nạn nhân bạo lực gia đình, cho biết 3 phụ nữ đã liên lạc với công ty của bà trong 2 tuần qua với những câu chuyện đáng kinh ngạc tương tự: người yêu bị mất việc do đại dịch, uống rượu say và thực hiện hàng vi bạo lực với họ.
Marina Pisklakova, người điều hành trung tâm dành cho các nạn nhân của bạo lực gia đình “Anna crisis center”, nói rằng tổ chức của bà đã nhận được 2.537 cuộc gọi đến đường dây nóng vào tháng 3, tăng khoảng 25% so với tháng trước, trong đó tuần cuối tháng 3 là cao điểm.
Một nhân viên bán hàng tại cửa hàng rượu Wine Mood ở thủ đô Moscow. Ảnh: New York Times. |
Bà kể trong một vụ việc ở miền nam nước Nga, người đàn ông phải làm việc từ nhà đã uống rượu say và đánh đập người vợ đang mang thai của anh ta. Cô vợ được đưa đi cấp cứu.
Bà Pisklakova dự đoán tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn khi kinh tế bị ảnh hưởng rõ ràng bởi đại dịch.
“Chúng ta sẽ đón một làn sóng nghiện rượu cùng với một làn sóng bạo lực sau đại dịch, vì nền kinh tế sẽ chịu tổn thất và nhiều người đang mất công việc của họ”, bà nói. “Đây mới chỉ là khởi đầu”.