Theo Reuters, để nâng mức thuế đến 100 tỷ USD, ông Trump không còn cách nào khác ngoài việc nhắm vào các mặt hàng như điện thoại di động, máy tính, quần áo, giày dép và các đồ gia dụng khác nhập khẩu từ Trung Quốc, làm tăng giá thành của các loại hàng này tại các đại lý bán lẻ.
Điều này đồng nghĩa với việc người tiêu dùng Mỹ sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ đòn trừng phạt.
Ông Hun Quach, phó giám đốc Hiệp hội các lãnh đạo nền công nghiệp bán lẻ, cho rằng nếu muốn nâng mức trừng phạt lên đến 100 tỷ USD, vị tổng thống không thể tránh việc đánh thuế hàng tiêu dùng.
Tổng thống Trump công bố đòn trừng phạt thuế đối với Trung Quốc vào ngày 22/3. Ảnh: Reuters. |
Năm 2017, ông Trump đã đánh thuế với tổng trị giá 506 tỷ USD lên các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, ông sẽ gặp nhiều khó khăn hơn nữa nếu muốn đánh thêm 100 tỷ USD mà không gây ảnh hưởng đến người dân.
"Có thể Mỹ sẽ phải tự bắn vào chân mình và các đồng minh trước khi đụng được đến một ngón chân cái của Trung Quốc", ông Chad Bown, nhà nghiên cứu cấp cao thuộc Viện Peterson về kinh tế quốc tế, nhận xét.
Nhiều tập đoàn lớn "đỡ đạn"
Trên thực tế, chính quyền của Tổng thống Trump có thể dễ dàng đạt được mức trừng phạt 100 tỷ USD nếu đánh vào 3 mặt hàng điện tử quan trọng: điện thoại di động, máy vi tính và thiết bị thu âm, quay phim, chụp ảnh.
Tuy nhiên, điều này sẽ khiến đòn trừng phạt trở nên "huề vốn" khi hầu hết thiết bị điện tử của Mỹ như chip bán dẫn, phần mềm và nhiều linh kiện khác đều được xuất khẩu sang Trung Quốc để lắp đặt trước được nhập khẩu trở lại. Điều này có nghĩa các mặt hàng trên đã bị đánh thuế ở thị trường Trung Quốc, nay lại chồng thêm thuế nhập khẩu từ Mỹ, đồng thời khiến chính các công ty Mỹ chịu ảnh hưởng.
Một cửa hàng Apple tại quận Manhattan, thành phố New York, Mỹ. Ảnh: Alamy. |
Một số nước đồng minh của Mỹ như Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản cũng sản xuất phụ tùng cho các tập đoàn điện tử của Mỹ như Apple, do vậy họ cũng chịu ảnh hưởng bởi đòn trừng phạt.
Nhiều công ty có thể tự chịu các loại thuế trên hoặc chuyển dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang các nước nước khác, giúp người tiêu dùng không tốn thêm tiền để mua sản phẩm.
Ví dụ, sau khi Tổng thống Trump quyết định tăng thuế nhập khẩu đối với máy giặt vào tháng 1/2018, tập đoàn LG đã phải tăng giá thành mỗi sản phẩm lên 50 USD, hoặc từ 4% đến 8%. Sau đó, tập đoàn này đã quyết định mở xưởng sản xuất máy giặt tại Mỹ thay vì Trung Quốc để tránh thuế.
Khó khăn khi chuyển thị trường
Trong vài ngày tới, tổng thống Mỹ sẽ công bố danh sách những mặt hàng Trung Quốc sẽ bị tăng thuế nhập khẩu. Đòn trừng phạt này ảnh hưởng như thế nào đối với người dân phụ thuộc vào việc ông Trump sẽ đánh vào những mặt hàng gì.
Việc chọn ra mặt hàng nhập khẩu nào để tăng thuế nhằm ít gây thiệt hại nhất cho người tiêu dùng không phải chuyện dễ dàng. Trong bối cảnh Trung Quốc chiếm hơn 80% lượng hàng nhập khẩu trong một số lĩnh vực như đồ chơi và các thiết bị thể thao, việc tìm kiếm nguồn nhập thay thế sẽ rất khó khăn.
Đối với những sản phẩm khác, các hệ thống bán lẻ tại Mỹ có thể chuyển sang nhập khẩu từ nhiều quốc gia ngoài Trung Quốc, tuy nhiên việc này sẽ gây cản trở dây chuyền phân phối sản phẩm vốn đã được thiết lập từ lâu.
"Trong một đêm, các cửa hàng, siêu thị Mỹ không thể tìm ngay một đối tác đáng tin cậy ở nước khác để nhập khẩu hàng hóa", chuyên gia Quach cho biết.