Theo South China Morning Post, 27 trên 28 đại sứ các nước Liên minh Châu Âu (EU) ở Bắc Kinh, trừ Hungary, đã ký vào văn bản lên án chương trình "Vành đai và Con đường" ngăn cản thương mại tự do và tạo thuận lợi cho các công ty Trung Quốc.
Quan ngại của châu Âu về ảnh hưởng của Bắc Kinh tại châu lục có thể phủ bóng hội nghị giữa Trung Quốc và EU, dự kiến diễn ra vào tháng 7, theo giới quan sát.
Văn bản trên nói Trung Quốc đang cố định hình toàn cầu hóa để phù hợp với lợi ích của riêng nước này. "Sáng kiến Vành đai và Con đường", gồm hàng loạt dự án hạ tầng liên lục địa kết nối Trung Quốc với châu Âu và châu Phi, đang "theo đuổi các mục tiêu chính trị như giảm thiểu năng lực sản xuất dư thừa, tạo ra các thị trường xuất khẩu mới và bảo đảm việc tiếp cận nguyên liệu thô".
Thủ tướng Lý Khắc Cường và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker và Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk tại hội nghị Trung Quốc - EU năm ngoái. Ảnh: AFP. |
Sự tồn tại văn bản trên được báo về kinh doanh của Đức Handelsblatt đưa tin đầu tiên, và các nguồn tin thân cận với EU đã xác nhận chuyện này. Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hôm 19/4 nói EU đã xác thực vấn đề và thông tin của Handelsblatt là không chính xác.
EU đã chỉ trích vai trò của Trung Quốc tại các nước thành viên như Hy Lạp, Hungary và Cộng hòa Czech cũng như thái độ của Bắc Kinh về sở hữu trí tuệ. Các chuyên gia nói văn bản phản ánh "nhiều mối quan ngại đã được thể hiện tại nhiều nơi khác nhau thuộc châu Âu" sau khi các khoản đầu tư lớn từ Trung Quốc làm tăng ảnh hưởng của Bắc Kinh ở một số nước nhỏ và nghèo.
Phần lớn đầu tư của Trung Quốc ở Nam Âu và Đông Âu tập trung vào ngành năng lượng, công trình công cộng, hoặc liên quan đến những dự án hạ tầng đang có, như cảng Piraeus ở Hy Lạp, nơi công ty vận tải hàng hải nhà nước COSCO của Trung Quốc giữ 51% cổ phần.
Theo chuyên gia Jan Weidenfeld của Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator, nhiều nước đã tỉnh ngộ ra sau những kỳ vọng ban đầu sau khi nhận ra dự án của Trung Quốc chỉ là "bình mới rượu cũ".
"Có rất nhiều hứa hẹn đầu tư và cấp vốn, và rất ít trong số đó thực sự mang đến kết quả", ông nói.
Công ty vận tải hàng hải COSCO của nhà nước Trung Quốc nắm giữ 51% cổ phần cảng Piraeus ở Hy Lạp. Ảnh: AFP. |
Jyrki Kallio, nghiên cứu viên cấp cao tại Viện Quan hệ Quốc tế Phần Lan, nói EU lo lắng rằng những dự án đầu tư lớn của Trung Quốc có thể khiến các nước thành viên khối do dự trong việc chỉ trích Bắc Kinh về các vấn đề như nhân quyền.
"Dù là ý định từ đầu của Bắc Kinh hay là tác dụng phụ không nghi ngờ gì là được hoan nghênh, Trung Quốc đã và đang ly gián các nước EU với nhau, cũng như giữa các nước thành viên và toàn bộ khối", chuyên gia Kallio nhận định.
Trong khi đó, Cui Hongjian, chuyên gia về châu Âu tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc, nói mục đích của văn bản là cho thấy EU có lập trường thống nhất về Trung Quốc.
"Đã có rất nhiều thảo luận về việc EU không có chính sách chung với Trung Quốc, và cụ thể là với 'Vành đai và Con đường'. Rõ rằng các nước EU chia rẽ về chương trình này nhưng tôi không nghĩ sự chia rẽ này là điều cần lo lắng. Đó chỉ là vấn đề ai muốn tham gia và tham gia đến mức nào", ông Cui nói.