Theo Cục Bảo vệ Tài chính Người tiêu dùng Mỹ (CFPB), lãi suất thẻ tín dụng ở nước này đang quá cao, vượt mức người tiêu dùng có thể chấp nhận.
Theo CNN, đây là một điểm xấu trong nền kinh tế Mỹ, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) còn đang tích cực tăng lãi suất trong năm nay để kiểm soát lạm phát. Đồng thời, do lạm phát tăng cao, chi phí sinh hoạt cũng tăng theo nên số lượng người phụ thuộc vào chi tiêu thẻ tín dụng cũng tăng vọt.
Trong một bài viết hôm thứ sáu, CFPB đã đưa ra cảnh báo rằng càng ngày sẽ càng có nhiều người chuyển sang dùng thẻ tín dụng, vì giá các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm hay xăng dầu đã vượt quá khả năng chi trả của họ.
Tuy nhiên, CFPB cũng cho rằng việc "vay nợ tín dụng này sẽ phải trả giá đắt". "Với lãi suất hiện nay, một người có số dư thẻ tín dụng 5.000 USD sẽ phải trả thêm 1.000 USD tiền lãi, tương đương 20%/năm".
Người tiêu dùng càng ngày càng phụ thuộc vào thẻ tín dụng. Ảnh: Getty Images. |
Lãi suất quá cao
Theo dữ liệu từ cơ quan quản lý này, ở thời điểm hiện tại có hơn 175 triệu người Mỹ sở hữu ít nhất 1 thẻ tín dụng, và khoảng một nửa số tài khoản đang hoạt động có số dư nợ.
Tuy nhiên, tín hiệu xấu là lãi suất thẻ tín dụng đang có xu hướng tăng cao, tỷ lệ chủ thẻ đạt mức tiêu chuẩn cũng kém ổn định và đi xuống khiến cho một loạt các tài khoản tín dụng rơi vào tình trạng nợ xấu, không thể thu hồi sau khi quá hạn.
Theo CFPB, trong thời kỳ suy thoái, lãi suất vay thông thường và lãi suất thẻ tín dụng thường sẽ thay đổi song song với nhau. Tuy nhiên, trong năm 2021, chênh lệch giữa hai loại lãi suất này đã đạt mức cao kỷ lục, ngay cả khi các khoản vay nợ giảm xuống mức thấp nhất.
Lý giải cho điều bất thường, CFPB cho biết: "Khi nền kinh tế phục hồi, đáng lẽ ra các loại lãi suất sẽ đều giảm để kích thích tăng trưởng trở lại, tuy nhiên lãi suất thẻ tín dụng lần này lại không giảm theo".
Cảnh báo về sự việc, CFPB cho rằng lãi suất vay tín dụng hiện tại là quá cao mặc dù người tiêu dùng vẫn có thể cân bằng được mức chi tiêu hàng tháng. Trong tương lai, nếu lãi suất này không giảm bớt, người tiêu dùng sẽ rơi vào vòng xoáy nợ nần thẻ tín dụng.
CFPB cho rằng nếu lãi suất không giảm, nhiều người tiêu dùng có thể mắc nợ thẻ tín dụng. Ảnh Reuters. |
Ý kiến trái chiều
Ngược lại với CFPB, Hiệp hội Ngân hàng Mỹ (ABA) lại cho rằng CFPB đang cố tình "làm mọi việc rắc rối" và đưa ra những "thông tin cóp nhặt, vẽ nên một bức tranh sai lệch về thị trường thẻ tín dụng".
Theo người phát ngôn của ABA, gần đây các chủ thẻ tín dụng đang ồ ạt thanh toán toàn bộ số dư thẻ tín dụng để tránh bị tính lãi. Điều này chứng tỏ người tiêu dùng hoàn toàn có thể tránh được mức lãi suất nếu trả nợ đúng hạn.
ABA cũng cho rằng người tiêu dùng lựa chọn thẻ tín dụng không phải vì họ không có khả năng theo kịp mức chi tiêu như CFPB đã đề cập. Họ sử dụng thẻ tín dụng vì "yêu thích tính tiện lợi, an toàn và bảo mật của hình thức thanh toán này".
"Dù trong bất cứ thời điểm nào, cả khi kinh tế suy thoái hay kinh tế tăng trưởng, các công ty phát hành thẻ chắc chắn sẽ lắng nghe khách hàng để có thể điều chỉnh những vấn đề còn sót lại", người phát ngôn của ABA phát biểu.
Ông Jaret Seiberg, nhà phân tích tại Cowen Washington Research Group cũng có cùng ý kiến với ABA và cho rằng những ý kiến của CFPB đang gây ảnh hưởng xấu đến các ngân hàng và công ty thẻ tín dụng.
Ông Seiberg phân tích rằng mặc dù CFPB không có quyền giới hạn mức lãi suất, nhưng trước đó cơ quan này đã từng thành công trong việc gây áp lực dư luận và khiến cho các ngân hàng phải thay đổi chính sách lãi suất của họ.
"Nếu tình hình tiếp diễn, các ngân hàng thường sẽ lựa chọn việc hạ lãi suất thay vì tham gia cuộc chiến phản đối lại cơ quan này", ông Seiberg kết luận.