Chị Nguyễn Thị Bích Huệ (quê thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam) là giáo viên tại quận Gò Vấp, TP.HCM. Đợt dịch bùng phát cuối tháng 5 khiến trường học phải đóng cửa. Dịch kéo dài, chị cùng chồng thất nghiệp mấy tháng nay. Gia đình có 2 con nhỏ, 5 và 8 tuổi, gặp nhiều khó khăn.
"Rất may, ông Trần Ngọc Đính - Phó chủ tịch Hội đồng hương tỉnh Quảng Nam tại TP.HCM, kiêm phụ trách Hội đồng hương TP Tam Kỳ tại TP.HCM - và các nhà hảo tâm giúp đỡ, chúng tôi có vé máy bay để về quê những ngày khó khăn này", chị Huệ tâm sự.
"Ấm áp vì được quan tâm"
Đang ở khu cách ly số 4, ký túc xá trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm của TP Tam Kỳ (Quảng Nam), chị Nguyễn Thị Bích Huệ kể cả gia đình vui mừng vì được các nhà hảo tâm và địa phương giúp đỡ để có thể trở về hôm 31/7.
"Khi ông Đính gọi điện nói gia đình có trong danh sách được về và thông báo ngày giờ bay, chúng tôi rất hạnh phúc, cảm nhận được tình cảm đồng hương", chị Huệ nói.
Đến khu cách ly, gia đình chị Huệ và nhiều người khác bất ngờ khi mọi thứ được chuẩn bị chu đáo, từ nước uống, bàn ghế, chỗ ngủ, bàn chải, dầu gội, nước muối súc miệng…
Trần Văn Thảo (phường Tân Thạnh, TP Tam Kỳ), sinh viên năm thứ tư Đại học Kiến trúc TP.HCM, sống tại quận Bình Thạnh, cho biết anh đã đặt vé tàu, máy bay nhiều lần nhưng bị hủy.
"Suốt một tháng ở trọ, tôi nhiều lần đặt vé tàu, máy bay để về nhưng bị hủy; trong khi đó, TP.HCM siết chặt giãn cách, hạn chế ra ngoài nên việc ăn uống gặp khó khăn", Thảo nói.
Gần 100 người dân TP Tam Kỳ được hỗ trợ 75% tiền vé máy bay từ TP.HCM về quê. Ảnh: N.Đ. |
Nam sinh đã được ông Đính và một công ty hỗ trợ 75% tiền vé. Số còn lại khoảng 650.000 đồng, Thảo tự chi trả.
"Tôi rất biết ơn sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, chính quyền địa phương trong thời gian dịch bệnh", Thảo chia sẻ.
Là nhân viên giao hàng tại quận Bình Tân, TP.HCM, anh Phùng Ngọc Khánh (24 tuổi, ở phường An Sơn, TP Tam Kỳ) cũng chịu cảnh thất nghiệp vì dịch Covid-19 bùng phát.
Anh cho hay do dịch nên nghỉ việc từ ngày 20/6, thời điểm các chợ đóng cửa. "Từ 20/6 đến 30/7 tôi phải ở phòng trọ, không ra ngoài vì không có giấy thông hành. Tôi có mua ít thực phẩm và mì gói dự trữ nên tạm đủ để ăn", anh Khánh kể.
Nam thanh niên cho hay nếu bị kẹt lại TP.HCM thêm thời gian nữa bản thân không biết xoay xở như thế nào vì không có giấy thông hành, số tiền ít ỏi còn lại cũng không đủ để trang trải.
"Tôi được anh Đính hỗ trợ, hướng dẫn đăng ký để về quê, sau 10 ngày thì được duyệt danh sách. Khi về đến Tam Kỳ, tôi rất vui vì được chăm sóc chu đáo, cán bộ làm nhiệm vụ tại đây luôn quan tâm đến người dân nên tôi rất thoải mái", anh chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Bích Huệ, sinh viên Trần Văn Thảo và anh Khánh là ba trong số rất nhiều bà con ở Quảng Nam được ông Đính và Hội đồng hương giúp đỡ dịp này. "Một miếng khi đói bằng cả gói khi no", sự chia sẻ, giúp đỡ lúc khó khăn khiến nhiều người thấy ấm lòng vì tình đồng hương giữa mùa dịch.
Hỗ trợ tiền cho người Quảng Nam ở TP.HCM
Tài trợ 75% vé máy bay cho gần 100 người dân từ TP.HCM về thành phố Tam Kỳ, ông Trần Ngọc Đính cho biết đây là nhiệm vụ và cũng là nghĩa tình đồng bào.
Tôi cũng là người xa xứ vào TP.HCM lập nghiệp từ hai bàn tay trắng nên hiểu khó khăn của đồng hương.
Ông Trần Ngọc Đính
"Tôi cũng là người xa xứ vào TP.HCM lập nghiệp từ hai bàn tay trắng. Vì vậy, tôi hiểu khó khăn của đồng hương, đặc biệt trong đợt dịch Covid-19 lần này. Ngoài 2 chuyến bay của anh Trần Công Cảnh tài trợ, tôi và một công ty hỗ trợ 75% tiền vé cho khoảng 100 người dân TP Tam Kỳ về trên 2 chuyến bay khác. Số còn lại, người dân góp thêm", ông Đính nói.
Theo ông Đính, không chỉ người dân Quảng Nam, ông giúp được ai lúc này cũng đều cố gắng.
"Với tôi, Quảng Nam là quê hương số một, TP.HCM là quê hương thứ 2. Vì vậy, người ở đâu tôi cũng muốn giúp, nhưng điều kiện chưa cho phép nên lúc này chỉ giúp đỡ mọi người một phần vật chất và tinh thần", người đàn ông này tâm sự.
Ông Trần Ngọc Đính trao quà hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 vào tháng 4/2020. Ảnh: N.Đ. |
Cũng theo Phó chủ tịch Hội đồng hương tỉnh Quảng Nam, hiện có hơn 10.000 người đăng ký, nhưng mới đưa được gần 3.000 người về quê.
"Chúng tôi đang lên phương án đưa người dân và sinh viên trở về bằng tàu. Tôi vẫn muốn ưu tiên cho sinh viên, hiện có 1.200 em đăng ký về Quảng Nam. Với khoảng 200 người dân, sinh viên tại thành phố Tam Kỳ, tôi sẽ tự bỏ tiền mua vé tàu tài trợ", ông Đính nói.
Với người Quảng Nam ở lại TP.HCM, hội đồng hương sẽ lên danh sách hỗ trợ. Bây giờ, theo quy định, người dân "ở đâu ở yên đấy" nên không thể trực tiếp đưa nhu yếu phẩm, ông Đính xin số tài khoản, sau đó chuyển cho mỗi người 500.000 đồng để trang trải tạm thời.
Trao đổi với Zing, ông Nguyễn Hồng Lai, Phó chủ tịch UBND TP Tam Kỳ, Quảng Nam, xác nhận ông Trần Ngọc Đính đã hỗ trợ vé cho gần 100 người về quê ngày 31/7.
Phó chủ tịch UBND TP Tam Kỳ cho hay khi xuống sân bay, người dân được đưa đến 2 khu cách ly tại ký túc xá trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm và khu cách ly trường Cao đẳng Quảng Nam. Chi phí ăn uống, xét nghiệm của gần 100 người dân về ngày 31/7 sẽ được địa phương hỗ trợ.
Ông Lai thông tin khoảng 200 người dân, sinh viên là người Tam Kỳ đang ở TP.HCM. Địa phương đang phối hợp với hội đồng hương và nhà hảo tâm hỗ trợ tiền vé giúp những người này đi tàu về.
Đến nay, tỉnh Quảng Nam đã tổ chức 49 chuyến xe, 4 chuyến máy bay đón được khoảng 2.500 người sinh sống, làm việc tại TP.HCM gặp khó khăn về địa phương.