Theo Bloomberg, các ngân hàng Trung Quốc thông báo ghi nhận 2,11 tỷ nhân dân tệ (312 triệu USD) nợ quá hạn do người mua từ chối thanh toán khoản vay thế chấp đối với những nhà ở dở dang.
Hôm 14/7, Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc thông báo có khoảng 660 triệu nhân dân tệ nợ quá hạn đối với những dự án nhà ở chưa hoàn thiện. Đây là con số lớn nhất trong nhóm ngân hàng công bố số liệu.
Ngân hàng Công Thương Trung Quốc (ICBC) - nhà băng có tổng tài sản lớn nhất - nắm tới 637 triệu nhân dân tệ khoản vay quá hạn thanh toán. Con số này tại Ngân hàng Công nghiệp là 384 triệu nhân dân tệ.
Ngày 17/7, Ủy ban Điều tiết Bảo hiểm và Ngân hàng Trung Quốc (CBIRC) thông báo các ngân hàng cần cấp tín dụng cho những tập đoàn địa ốc uy tín nhằm kịp thời hoàn thiện các dự án nhà ở.
Động thái này diễn ra sau khi số lượng người mua nhà từ chối thanh toán các khoản vay thế chấp ngân hàng tăng chóng mặt. Nguyên nhân là những nhà phát triển bất động sản chậm trễ trong việc hoàn thành các dự án nhà ở.
Bất động sản và các lĩnh vực liên quan chiếm tới 25% GDP Trung Quốc. Ảnh: Reuters. |
Các nhà phân tích cảnh báo điều này có thể làm leo thang cuộc khủng hoảng bất động sản và rủi ro nợ xấu đối với hệ thống ngân hàng tại Trung Quốc. Số lượng người mua nhà không chịu trả nợ thế chấp quá cao sẽ làm rối loạn toàn bộ thị trường tài chính.
Theo báo cáo từ China Banking and Insurance News, cơ quan quản lý ngân hàng nước này đã yêu cầu các ngân hàng hỗ trợ hoạt động mua bán và sáp nhập trong lĩnh vực bất động sản nhằm giảm bớt áp lực cho thị trường.
Các ngân hàng cũng cần liên lạc với người mua nhà và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của họ.
Theo Bloomberg, các ngân hàng thương mại Trung Quốc vẫn thông báo rằng tình hình đang trong tầm kiểm soát. Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc - tổ chức cho vay mua nhà lớn nhất nước - khẳng định có thể kiểm soát rủi ro do số dự án chậm tiến độ mà họ có liên quan khá nhỏ.
2 nhà băng quốc doanh lớn khác là Bank of China và Bank of Communications cũng ra thông báo tương tự.
Tại Trung Quốc, ngành bất động sản, bao gồm cả xây dựng, kinh doanh và các dịch vụ liên quan, chiếm khoảng 1/5 GDP hàng năm. Ước tính có khoảng 70% của cải của tầng lớp trung lưu nước này gắn liền với bất động sản.
Chính vì vậy, việc nhiều người mua từ chối thanh toán đang làm dấy lên rủi ro lan truyền sang toàn bộ hệ thống tài chính, nhất là khi lĩnh vực bất động sản đã chịu sức ép trong vài năm qua và tăng trưởng của Trung Quốc vẫn ì ạch.
Tổng hợp khoản vay thế chấp quá hạn của các ngân hàng tại Trung Quốc | |||||||||||||
Nhãn | Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc | Ngân hàng Công thương Trung Quốc | Ngân hàng Công nghiệp | Ngân hàng Tiết kiệm Bưu điện | Ngân hàng Minsheng | Ngân hàng Everbright | Ngân hàng CITIC | Ngân hàng Bình An | Ngân hàng Giang Tô | Ngân hàng Zhesang (CZB) | Ngân hàng Nam Kinh | Ngân hàng Merchant (CMB) | |
tỷ nhân dân tệ | 660 | 637 | 384 | 127 | 66 | 65 | 46 | 31.8 | 31 | 31 | 21.1 | 12 |
Tổng nợ xấu có thể còn thay đổi nếu nhiều ngân hàng công bố số liệu hơn nữa. Công ty chứng khoán GF dự báo rằng con số nợ vay quá hạn có thể lên tới 2.000 tỷ nhân dân tệ trong đợt khủng hoảng này.
Cổ phiếu của các ngân hàng Trung Quốc diễn biến tệ hơn so với thị trường chung trong tuần trước. Chỉ số theo dõi nhóm ngân hàng - CSI 300 Banks - giảm 5,4%, trong khi CSI 300 chỉ mất 2,4%.
Trong năm qua, các nhà phát triển Trung Quốc quay cuồng trong khủng hoảng nợ khi nguồn vốn cạn kiệt và những dự án xây dựng liên tục bị trì hoãn. Chính sách Zero-Covid (đưa số ca nhiễm mới về 0) tác động nghiêm trọng tới các hoạt động kinh tế tại đất nước 1,4 tỷ dân. Giá bất động sản liên tục lao dốc cũng phần nào châm ngòi cho việc người mua nhà từ chối trả nợ.