Khảo sát tại các siêu thị, cửa hàng thực phẩm cho thấy nước mắm có đến hàng chục loại với giá từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng/lít. Nhiều loại bao bì ghi nước chấm nhưng quảng cáo là nước mắm, lại ưu tiên trưng bày ở những vị trí đẹp, dễ thấy, đánh đố người tiêu dùng.
Một chai nước mắm công nghiệp có 17 thành phần
Nam Ngư 3 trong 1 và Chinsu cá hồi là hai loại được bày bán nhiều nhất tại các siêu thị, cửa hàng tạp hóa, thực phẩm. Thậm chí, có kệ hàng chỉ dành riêng bày 2 loại nước mắm này. Trên bao bì, ngoài tinh cốt cá cơm và muối chưa rõ tỷ lệ, hai loại này có thêm 15 chất khác gồm chất điều vị, tạo màu, chất bảo quản,… Giá nước mắm Nam Ngư 10 độ đạm là 43.000 đồng/lít và Chinsu 62.000 đồng/lít.
Hàng chục loại nước mắm được bày bán tại các siêu thị nhưng chiếm vị trí độc tôn vẫn là các sản phẩm của Masan. Ảnh: Phạm Oanh. |
Trong khi đó, nước mắm truyền thống với thành phần ghi rõ trên bao bì gồm cá và muối có giá bán gấp 3-5 lần so với nước mắm công nghiệp. Cụ thể, nước mắm mang thương hiệu Nam Phan, 30 độ đạm, xuất xứ Ninh Thuận có giá 237.000 đồng/lít. Nước mắm Phú Quốc Ông Kỳ, 35 độ đạm, xuất xứ Phú Quốc giá 160.000 đồng/lít...
Ngoài ra, cũng có một số loại nước mắm chỉ ghi thành phần gồm cá cơm và muối, nhưng chỉ khoảng 10-15 độ đạm, có giá từ 38.000 đồng/lít đến 66.000 đồng/lít.
Theo nhân viên giới thiệu sản phẩm nước mắm Nam Phan, sản phẩm này do gia đình tự làm và tiêu thụ tại siêu thị. Chị cho biết thị trường hiện có hai loại là nước mắm và nước chấm. Nước mắm chỉ gồm cá và muối, còn nước chấm ngoài tinh cốt cá còn pha chế thêm các loại phụ gia, chất điều vị khác.
“Tuy chứa nhiều chất khác ngoài nước mắm cốt và muối nhưng nước chấm không quá mặn, hợp khẩu vị đa số người Việt Nam. Hơn nữa giá nước mắm công nghiệp lại rẻ hơn 3-4 lần so với nước mắm truyền thống nên sức tiêu thụ lớn hơn nước mắm truyền thống nhiều lần”, chị này nói thêm.
Tại các cửa hàng tiện lợi, chợ truyền thống hiện chỉ bày bán nước mắm công nghiệp. Khảo sát tại gần 10 quầy tạp hóa liên tiếp nhau có bán nước mắm tại chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), không nơi nào bán nước mắm truyền thống. Đa số đều là nước mắm mang nhãn hiệu Nam Ngư và Chinsu.
Một số chủ tạp hóa tại quận 1, TP.HCM cho biết họ không nhập nước mắm truyền thống vì giá cao, rất khó bán, vị lại mặn hơn nhiều so với nước mắm khác.
Người Việt tiêu thụ 75% nước mắm công nghiệp
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong số 200 triệu lít nước mắm được tiêu thụ mỗi năm thì 75% trong đó là nước mắm công nghiệp (tức không được sản xuất theo quy trình truyền thống).
Còn báo cáo thường niên 2015 của Masan cho thấy riêng hãng này đã đóng góp 65% thị phần toàn ngành nước mắm.
Những con số này phù hợp với báo cáo của đơn vị nghiên cứu thị trường Euromonitor. Theo đơn vị này, quy mô thị trường nước mắm Việt Nam năm 2015 ở mức 11.300 tỷ đồng, trong đó nước mắm công nghiệp chiếm 76%, nước mắm truyền thống chỉ 24% thị phần.
Nhiều doanh nghiệp sản xuất nước mắm xác nhận trong cuộc chiến không cân sức này, nước mắm truyền thống sẽ phải mất khoảng thời gian khá dài để lấy lại được chỗ đứng vững chắc cho mình. Đó là chưa kể trong cuộc đối đầu về tài chính, không ít doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nhỏ sẽ buộc phải thu hẹp hoặc tạm ngừng sản xuất, nếu không muốn quay ngược lại làm gia công cho các thương hiệu nước mắm công nghiệp.
Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan khẩn trương kiểm tra, làm rõ tình trạng nước mắm công nghiệp có hoá chất chi phối thị trường, thông tin kịp thời cho người dân. Các cơ quan này phải có báo cáo gửi Thủ tướng trước ngày 22/10.
Nghiên cứu của Công ty Kantar Worldpanel cho thấy mỗi người dân Việt Nam sử dụng khoảng 4 lít nước mắm/năm. Như vậy với dân số năm 2016 là 93 triệu người thì mỗi năm người Việt sử dụng 372 triệu lít nước mắm (chưa kể người Việt định cư ở nước ngoài).