Các doanh nghiệp sản xuất cho biết nước mắm truyền thống đang ở trong tình cảnh hết sức khó khăn, nhất là không chủ động được nguồn nguyên liệu. Ngoài ra, chi phí khai thác tăng cao, người dân phải vay vốn với lãi suất cao cũng là những bất lợi khiến các loại nước mắm công nghiệp, giá thành rẻ ngày càng lấn lướt.
Nước mắm truyền thống khó tìm chỗ đứng trong siêu thị. Ảnh: Infonet. |
“Để làm ra loại nước mắm đạt 30-40 độ đạm, chúng tôi thường phải mua muối trước một năm. Chẳng hạn như nước mắm sản xuất năm 2015 thì phải mua muối từ năm 2013 để qua 2014 cho magiê, mùi hăng ở muối bay hết mới đem ủ cá vụ từ tháng 4 đến tháng 8. Công sức bỏ ra quá lớn như vậy thì làm sao có thể bán giá quá rẻ được", bà Tịnh nói.
Cũng theo bà Tịnh, nước mắm công nghiệp doanh nghiệp chỉ cần mua nước cốt từ các vựa mắm, sau đó nêm nếm, pha chế chỉ trong một ngày là có thể làm ra cả nghìn lít, nên giá thành rất cạnh tranh. Nhiều nơi, nước mắm công nghiệp bán chỉ với giá 8.000 đồng một lít.
Kênh phân phối cũng là điều gây khó cho các cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống. Đại diện một doanh nghiệp ở Phan Thiết cho biết doanh nghiệp đã đưa hàng vào siêu thị nhưng doanh thu không bù nổi chi phí. Để đưa hàng vào siêu thị công ty luôn phải chịu mức chiết khấu lên tới 25%. Thậm chí, tại một vài siêu thị, công ty chỉ làm gia công vì những nơi này đang đẩy mạnh hàng nhãn riêng.
“Doanh nghiệp đang tăng cường xuất khẩu sang Mỹ, trung bình mỗi tháng khoảng 4 container, nhưng thương hiệu lại thuộc về bên phân phối. Nếu tình hình không khả quan thì việc rút khỏi siêu thị là chuyện một sớm một chiều”, vị này cho biết.
Thống kê sơ bộ, mỗi năm cả nước tiêu thụ trên 200 triệu lít nước mắm nhưng có đến 75% trong số này là loại pha chế công nghiệp hương vị nước mắm, hay còn gọi là nước chấm. Nếu không rạch ròi khái niệm nước mắm và nước chấm thì chính cơ quan quản lý trong quá trình thanh, kiểm tra cũng gặp khó khăn.
Hội Nước mắm Phú Quốc cho biết hội hiện có 50 doanh nghiệp sản xuất nước mắm. Từ năm 2013 đến nay, Phú Quốc xuất khẩu 13-15% sản lượng nước mắm chủ yếu sang thị trường EU - nơi nước mắm Phú Quốc đã đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý thành công. Tuy nhiên không có nhiều vùng hay doanh nghiệp xây dựng được bộ chỉ dẫn này, nên việc duy trì và phát triển nước mắm truyền thống vẫn là bài toán khó.