Nhiều người nghĩ để thành công trong công việc, cần sở hữu năng lực đặc biệt, chuyên môn cao… Nhưng tác giả Eguchi Katsuhiko, thông qua cuốn sách Bí quyết thành công cho người mới đi làm, cho thấy để công việc hiệu quả, cần nắm nguyên tắc căn bản. Nguyên tắc ấy không phải điều đặc biệt, mà đó là “làm những việc nên làm và không làm những việc không nên làm”.
Vậy đâu là những việc nên làm? Eguchi Katsuhiko đã nêu 22 bí quyết giúp người đang loay hoay chưa khẳng định được bản thân có được công việc như ý.
Tâm thế cần có khi từ hậu trường bước ra sân khấu
Hướng tới người mới đi làm, sách đưa ra lời khuyên phù hợp để bắt đầu công việc. Tác giả ví đó là thời điểm “từ hậu trường bước ra sân khấu”.
Bắt đầu đi làm có nghĩa là chuyển từ trạng thái nghiệp dư sang chuyên nghiệp, từ việc “được bố mẹ cho tiền” sang “làm việc để được trả tiền”. Vì vậy, từ một người 10 năm, 20 năm sống trong hậu trường, phải thay đổi tư duy, phán đoán, thái độ để được ghi nhận khi bước ra sân khấu.
“Khi đã đứng trên sân khấu, dù chỉ đảm nhận những vai nhỏ, thậm chí chưa có thoại, bạn vẫn là một diễn viên. Hãy tự hứa với mình, thật đĩnh đạc, đồng thời phải khiêm tốn, chân thành và chăm chỉ để có thể hoàn thành tốt vai diễn bạn đã nhận. Làm được điều này, rất nhiều người sẽ sẵn sàng bắt tay với bạn”, trích nội dung sách.
Sách Bí quyết thành công cho người mới đi làm. Ảnh: Y. N. |
Bước vào môi trường làm việc chuyên nghiệp, bạn cần coi trọng những việc đơn giản. Làm quen với mỗi việc nhỏ là bước đi đầu tiên để làm việc lớn. Vì vậy, bạn phải nghiêm túc thực hiện công việc mà mình cho là vặt vãnh. Hoàn thành nhiệm vụ đơn giản đó một cách nhanh chóng, chính xác là nền tảng, cấu thành cho những việc lớn và quan trọng hơn.
Khi đã làm quen với công việc, không nên lặp lại phương pháp, cùng khoảng thời gian để làm một cách máy móc. Tác giả khuyên người mới đi làm hãy biến những công việc bình thường, quen thuộc trở nên thú vị; không giới hạn mình ở mục tiêu làm thuần thục một việc. Khi được giao một việc mà mình không muốn, hãy biến nó thành việc đáng làm, làm tốt hơn những gì được yêu cầu.
Kỹ năng để trở thành người chuyên nghiệp
Sách đưa ra những bí quyết, cách thức để trở nên chuyên nghiệp trong công việc. Trong đó, yếu tố nhanh chóng, đúng hẹn được đặt lên hàng đầu.
“Dù bản thân làm tốt đến mấy nhưng nếu trễ hẹn, bạn chỉ được 0 điểm”, trích nội dung sách.
Nếu quá chú tâm vào yếu tố “cẩn thận” và “chính xác”, dốc toàn tâm toàn sức vào đó để rồi bị chậm trễ, kết quả vẫn không được khen ngợi.
Vì vậy, tác giả khuyên nên nghiêm túc tuân thủ quy định về thời gian, hoàn thành công việc theo thời hạn mà bản thân đã đặt ra, tìm phương pháp để rút ngắn thời gian hoàn thành nhiệm vụ.
Trong công việc, người mới bắt đầu đi làm sẽ phải nghe những lời nhắc nhở, phàn nàn, thậm chí chỉ trích của cấp trên. Khi ấy, không nên kêu than, mà cần lắng nghe.
Tác giả gợi ý cách “lắng nghe qua ánh mắt”. Khi cấp trên nói, bạn có thể nhìn vào mắt họ để phán đoán mình đã hiểu chưa, họ có đồng tình với quan điểm của mình hay bất mãn với hành động của mình không…
Để có một cuộc đời hay công việc ý nghĩa, luôn cần đặt ra mục tiêu. Khi đi làm, chúng ta cần tập trung cho mục tiêu cá nhân của mình, bỏ ngoài tai những bàn tán, đánh giá của người khác.
Tác giả khuyên: “Sự chuyên tâm vào công việc sẽ mang đến cho bạn vẻ đẹp lao động và sức hấp dẫn riêng. Dần dần, những người xung quanh sẽ có ấn tượng mạnh mẽ, sâu sắc với bạn. Khi đó, bạn sẽ từng bước trưởng thành, trở thành chuyên gia trong công việc của mình”.
Bên cạnh đó, tác giả cũng đưa ra nhiều bí quyết cho người mới đi làm như: Thể hiện sự thân thiện với đồng nghiệp, giữ thái độ chân thành, phản ứng nhanh nhạy với các tình huống, không nói chuyện suồng sã, làm việc có phương châm, không nói “tôi không thể”…