Những ngày này, đi qua nhiều làng quê ở Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau…, phóng viên thường thấy những ngôi nhà khóa cửa ngoài. Người trụ cột trong những gia đình này đã dắt díu vợ con đi làm thuê ở TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai từ khi hạn hán lên đỉnh điểm và nước mặn tràn về.
Ông Liêu Đen thống kê gia đình hàng xóm và con, cháu bỏ làng đi làm ăn xa. Ảnh: Việt Tường. |
Trưa cuối tháng tư nắng như đổ lửa, ông Liêu Đen (ngụ xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) ra đồng đào hang bắt chuột để cải thiện bữa cơm chiều. Người đàn ông 76 tuổi cho biết, không chỉ đất ruộng khô nứt toác, các ao sâu xung quanh nhà cũng kiệt nước nên không con cá nào sống nổi.
"Thiếu nước và nắng quá nóng như thế này thì vịt, gà cũng không sống nổi. Mùa này kiếm cái ăn khó lắm, cả tuần mới bắt được vài con chuột", ông Đen nói.
Cuộc sống khó khăn nên vợ chồng 2 người con của ông Liêu Đen đi làm ăn xa. Trong đó, 5 người trong gia đình anh Liêu Thành đều làm thuê ở Bình Dương, cửa nhà khóa chặt từ trước Tết Nguyên đán Bính Thân. "Vợ chồng Liêu La cũng đi làm thuê nhiều tháng nay. Tụi nó vừa về vì vợ La sắp sinh. Chờ đứa con ra đời thì thằng La cũng lên Bình Dương", lão nông chia sẻ.
Gần nhà ông Đen, ông Tiểu Chốt cũng đưa vợ, con lên TP HCM làm phụ hồ, công nhân giày da. Bà Thạch Thị Hiền có 3 con, tất cả đều bỏ làng đi làm thuê kiếm sống.
"Vợ chồng thằng Tiên làm ở Bình Dương, bỏ 2 cháu cho tôi nuôi. Mỗi tháng tụi nó gửi về 1 triệu đồng nên mọi chi tiêu trong nhà phải hết sức tiết kiệm", bà Hiền nói rồi nhanh tay dắt xe đạp ra ngoài để đưa cháu nội đến trạm y tế khám bệnh vì bé gái 5 tuổi bị sốt.
Nhà con trai của ông Liêu Đen đóng cửa nhiều tháng nay vì vợ chồng anh Liêu Thành dắt díu các con đi làm thuê kiếm sống ở Bình Dương. Ảnh: Việt Tường. |
Bên kia sông Hậu, gia đình ông Út Quân ở xã Đại Ân 1 (huyện Cù Lao Dung, Sóc Trăng) cũng gặp cảnh khốn cùng khi 0,5 ha mía chết hết vì ảnh hưởng xâm nhập mặn. Cánh đồng mía vài chục ha gần rẫy của ông Quân cũng gặp cảnh tương tự khiến nông dân bỏ làng đi làm thuê.
"Hai con trai của tôi đi làm thuê ở TP HCM nhiều tháng nay chưa về vì đất đai ở quê nhà chưa thể trồng cây gì. Nước dưới ao mặn dữ lắm, tôm cá không sống nổi vì thời tiết lúc này nóng quá. Cháu tôi cũng dắt vợ con đi làm thuê, nhà khóa cửa bỏ đó nhiều tháng", ông Quân chia sẻ.
"Nhiều gia đình không khó khăn, có nhiều đất cũng đi làm thuê ở xa vì lúc này không sản xuất được, họ tìm công việc khác cho có thu nhập, không phải lấy tiền dành dụm ra ăn xài. Đây là những hộ chăm làm, chịu khó lao động cần được biểu dương", Chủ tịch UBND xã Lịch Hội Thượng nói.
Trao đổi với phóng viên, ông Võ Văn Khoa, Chủ tịch UBND thị trấn Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề (Sóc Trăng) cho biết, không riêng gì địa phương này mà các xã trong huyện và vùng lân cận cũng có nhiều gia đình đóng cửa nhà để đi làm thuê ở Đông Nam Bộ. Theo ông Khoa, những năm trước nông dân tận dụng rơm rạ để trồng nấm, có nước ngọt trồng hoa màu nhưng nhiều tháng nay "bó tay" vì nắng hạn và xâm nhập mặn gay gắt.
"Không có nước tưới nấm nên nông dân bán hết rơm cho người tỉnh khác đến mua để nuôi bò. Không có việc gì làm, đất ruộng khô khốc nên bà con bỏ nhà đi làm thuê xứ khác để kiếm tiền là thực tế đang xảy ra", ông Khoa khẳng định.
Gần trụ sở UBND thị trấn Lịch Hội Thượng là ấp Hội Trung, Phó ban nhân dân ấp - ông Trương Hữu Căn thống kê được trên 70 gia đình "chạy làng" với gần 300 người đang mưu sinh ở Bình Dương, Bình Phước…
Ông Kim Ngọc Hoàng, Trưởng ấp Sóc Bưng (xã Thạnh Phú, Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) nói: "Nhiều hộ đóng cửa nhà, vợ chồng cùng các con đi TP HCM làm thuê, Tết Nguyên đán hoặc Tết của người Khmer thì họ mới về vài ngày rồi đi nữa. Có gia đình dành dụm 5-10 triệu đồng sửa lại nhà nhưng đóng cửa bỏ đó thì năm sau lại quay về sửa tiếp vì nhà không ở sẽ nhanh xuống cấp".
Bà Thạch Thị Hiền ở xã Thạnh Phú (huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) nuôi cháu nội vì con của người phụ nữ này đã bỏ làng đi làm thuê. Ảnh: Việt Tường. |
Ở giáp ranh xã Thạnh Phú, ông Lâm Sơn Hiển - Chủ tịch UBND xã Đại Tâm (huyện Mỹ Xuyên) cho biết, địa phương này không bị ảnh hưởng xâm nhập mặn nhưng nắng hạn khiến nhiều gia đình khó trồng trọt, chăn nuôi. Xã hiện có 300 người đi làm ăn xa vì ở đây không tìm được công việc thích hợp.
Theo ông Huỳnh Tuấn Kiệt (Bí thư xã Thạnh Phú), ngoài nắng hạn và xâm nhập mặn khiến cuộc sống nông dân gặp khó khăn, những năm gần đây nhiều việc trên đồng ruộng đã được cơ giới hóa nên lao động địa phương không còn được thuê cấy, gặt lúa...
Thực tế này cũng xảy ra tại xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau). Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó chủ tịch UBND xã Khánh Bình Tây Bắc cho biết, xã có nhiều hộ nghèo. Từ đầu năm đến nay, xã đã xác nhận cho 306 người rời quê lên TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai… kiếm sống.
Từ khi xâm nhập mặn đến nay, miền Tây có 208.800 ha lúa bị thiệt hại. Thiên tai cũng khiến 9.400 ha cây ăn quả bị hư hại khiến người dân người miền Tây gặp cảnh khốn khó. Đến nay có khoảng 225.800 hộ thiếu nước sinh hoạt. Nhiều trường học, trạm xá, khách sạn, cơ sở sản xuất ở vùng này cũng bị thiếu nước ngọt.