Báo cáo với Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại Hội nghị giao ban công tác ứng phó hạn hán và xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long tổ chức ở Sóc Trăng sáng 28/4, lãnh đạo Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, cho biết năm 2016, xâm nhập mặn xuất hiện sớm ở miền Tây với cường độ cao nhất trong lịch sử quan trắc. Điều này đã đe dọa nghiêm trọng đến sản xuất và dân sinh.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì Hội nghị giao ban công tác phòng, chống xâm nhập mặn khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Nhật Tân. |
225.800 hộ thiếu nước sinh hoạt
Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành đã triển khai nhiều biện pháp hiệu quả để hạn chế thiệt hại. Hiện, tình hình xâm nhập mặn đang có xu hướng giảm dần, tạo điều kiện cho người dân lấy nước phục vụ gieo cấy vụ lúa hè - thu. Tuy nhiên, thời tiết vẫn còn diễn biến bất thường, cần tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống hạn hán và xâm nhập mặn.
Từ khi mặn xâm nhập ở miền Tây đến nay, khu vực này có 208.800 ha lúa bị thiệt hại. Trong đó, 19.300 ha thiệt hại dưới 30%, 30-70% chiếm 71.100 ha và trên 70% lên đến 118.400 ha.
Thiên tai cũng khiến 9.400 ha cây ăn quả bị hư hại. Đến nay có khoảng 225.800 hộ thiếu nước sinh hoạt. Nếu bình quân mỗi hộ có 4 người thì miền Tây có đến gần 1 triệu người thiếu nước.
Những nơi khó khăn về nước sinh hoạt được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định là Bến Tre, Sóc Trăng, Kiên Giang, Trà Vinh… Nhiều trường học, trạm xá, khách sạn, cơ sở sản xuất cũng bị thiếu nước ngọt.
Chuyển đổi cây trồng
Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lâm Văn Bi cho biết, nắng hạn với xâm nhập mặn không chỉ gây thiệt hại lúa, tôm mà còn khiến đất bị sạt lở, sụp lún rất nghiêm trọng. Hàng trăm công trình giao thông, thủy lợi, nhà ở của người dân Cà Mau bị sụp lở...
Trong lúc hội nghị này đang diễn ra, đám cháy rừng tràm U Minh Hạ vừa được khống chế, việc chữa cháy rất khó khăn vì thiếu nước.
Theo Bộ NN&PTNT, miền Tây có khoảng 225.800 hộ thiếu nước sinh hoạt. Ảnh: Việt Tường. |
Chia sẻ với hội nghị, ông Nguyễn Văn Thể - Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng - đặt ra vấn đề quản lý trên 1,5 triệu cây nước ngầm ở miền Tây như thế nào cho an toàn. Hiện tượng sạt lở, lún sụp đất có phải nguyên nhân từ khai thác nước ngầm và liệu sau này miền Tây còn đất để sản xuất? "Vùng đất được mệnh danh vựa lúa, vựa tôm mà người dân di cư đi nơi khác sinh sống là bất thường", ông Thể nói.
Với tư cách là người dân miền Tây, ông Thể đề xuất Chính phủ quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long trên cơ sở khoa học để chuyển đổi cây trồng, vật nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu, hạn mặn gay gắt.
"Có nên giữ ngọt khi không giữ được, bắt nông dân trồng lúa hay chuyển sang nuôi trồng thủy sản phù hợp với xâm nhập mặn, nước biển dâng?", ông Thể đặt ra câu hỏi để hội nghị luận bàn.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung, địa phương này là đầu nguồn mặn, cuối nguồn ngọt. Trước tình hình xâm nhập mặn sâu, tỉnh không giữ diện tích hai vụ lúa không ăn chắc mà chuyển sang một vụ lúa, một vụ tôm.
Nông dân miền Tây thiệt hại nặng nề vì nắng hạn và xâm nhập mặn. Ảnh: Việt Tường. |
Tiếp tục ứng phó với nắng hạn và xâm nhập mặn, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cập nhật thông tin liên quan để người dân chủ động khai thác, tích trữ nước ngọt để đảm bảo đủ sinh hoạt và sản xuất. Bộ này cũng cần bổ sung kịch bản biến đổi khí hậu rồi phổ biến cho người dân biết để tìm cách thích ứng.
Đối với Bộ NN&PTNT, Phó thủ tướng yêu cầu cơ cấu lại mùa vụ hợp lý, triển khai hiệu quả giải pháp ứng phó với hạn, mặn, nhất là giải pháp bảo vệ rừng. Tiếp theo là chủ trì với các cơ quan rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch hệ thống thủy lợi vùng đồng bằng sông Cửu Long. Việc giữ nước ngọt, xây dựng toàn vùng, liên kết vùng trên cơ sở khoa học, có tầm nhìn xa.
Phó thủ tướng cũng đề nghị chính quyền các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long xuất ngân sách dự phòng, chống thiên tai để hỗ trợ cho người dân không khát, không đói. Hệ thống chính trị các tỉnh này phải vào cuộc để khắc phục thiên tai hạn hán, xâm nhập mặn nhằm góp phần ổn định đời sống nhân dân, phát triển sản xuất.
Chính phủ đã hỗ trợ các tỉnh miền Tây 249,9 tỷ đồng để khắc phục thiên tai do hạn hán, xâm nhập mặn. Trong đó, 166,4 tỷ cho tiền điện, dầu bơm nước, nạo vét cửa lấy nước và hệ thống kênh trục. Còn lại là hỗ trợ đắp đập tạm, đào ao, giếng, vận chuyển nước sinh hoạt, sửa chữa khẩn cấp các công trình và nối dài đường ống cấp nước sinh hoạt.