Chiều 21/4, ông Trương Cảnh Tuyên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang ký quyết định công bố thiên tai cấp độ 1 tại huyện Long Mỹ và TP Vị Thanh.
Theo ngành nông nghiệp Hậu Giang, một tuần qua, nồng độ mặn trên nhiều tuyến sông, kênh, rạch ở tỉnh này diễn biến phức tạp. Nước mặn đang có chiều hướng tăng cao chưa từng thấy tại một số xã của huyện Long Mỹ, Vị Thủy và trung tâm tỉnh lỵ Hậu Giang. Kết quả quan trắc cho thấy, độ mặn trung bình ở các huyện, thành phố này từ 5,2-13‰, có nơi trên 15‰.
Đã có hàng trăm nghìn ha lúa ở miền Tây bị thiệt hại vì thiên tai. Ảnh: Việt Tường. |
Hiện, Hậu Giang có trên 80% diện tích đất nông nghiệp bị nước mặn tấn công khiến trên 1.200 ha diện tích lúa đông - xuân (vụ 2015 - 2016) thiệt hại, 6.000 ha lúa hè - thu không xuống giống được. Một số diện tích cây ăn trái của tỉnh cũng bị ảnh hưởng năng suất.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hậu Giang Nguyễn Văn Đồng cho biết, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương đóng hơn 100 đập thời vụ để ngăn mặn. Hậu Giang đang huy động lực lượng nạo vét kênh mương, thi công một số công trình để dẫn nước ngọt về hai địa phương Long Mỹ và TP Vị Thanh để phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Như vậy, Hậu Giang là tỉnh thứ 10 ở đồng bằng sông Cửu Long công bố thiên tai. 9 tỉnh công bố trước đó là Tiền Giang (ngày 5/2, thiệt hại 1.021 ha), Bến Tre (15/2, 19.000 ha), Kiên Giang (18/2, trên 54.000 ha), Long An (23/2, 8.651 ha), Sóc Trăng (23/2, 9.505 ha), Cà Mau (29/2, 49.343 ha), Vĩnh Long (9/3, 1.274 ha) và Trà Vinh (10/3, 11.014 ha), Bạc Liêu (31/3, 3.800 ha lúa bị thiệt hại).
Theo nhận định của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, thời kỳ mưa chuyển mùa sẽ có vào cuối tháng 4, đầu tháng 5/2016. Sau đó, mùa mưa chính thức bắt đầu ở Nam Bộ với thời gian muộn hơn trung bình nhiều năm khoảng 10-20 ngày. Như vậy, mùa mưa đến ở hầu hết các tỉnh, thành trong khu vực vào nửa cuối tháng 5, đầu tháng 6/2016.