Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người mẹ nhà sư và 7 em bé bị bỏ rơi

Ni sư Thích Đàm Thanh ở chùa Mía (Hà Nội) nuôi dưỡng 7 cháu bé bị mẹ bỏ rơi tại bệnh viện phụ sản. Cả ngày thầy dành nhiều thời gian chăm sóc đưa đón các em đi học.

6 em gái và 1 bé trai bị các bà mẹ bỏ rơi ngay từ khi lọt lòng tại bệnh viện được ni sư chùa Mía (làng Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội) đem về nuôi dưỡng đã nhiều năm nay. Cháu lớn hiện học lớp 6, bé nhất sắp vào lớp 1, tất cả  đang có một cuộc sống rất tốt tại chùa.
Hàng ngày nhà sư kiêm người mẹ của các em, thầy Thích Đàm Thanh ngoài việc chăm bẵm ăn uống, sinh hoạt còn đưa đón các bé đi học đến nơi đến chốn. Trong ảnh, bé Khánh Chung khi ra khỏi cửa lớp vừa nhìn thấy mẹ đã nhảy bổ vào lòng sung sướng.
Ngoại trừ bé Chung là con trai duy nhất, các con gái thầy đều đặt tên là Nhi. Ngọc Nhi (ảnh) là út, được chiều chuộng nhất và cũng dễ thương nhất. Em bị mẹ bỏ rơi ngay từ khi lọt lòng tại bệnh viện Phụ sản. Khi biết tin, thầy Thích Đàm Thanh đã đến đưa cháu về chùa nuôi dưỡng cùng các em nhỏ khác.
Người dân tại Đường Lâm không ai không biết đến tấm lòng vàng của thầy Thanh. Ngoài việc quản lý một ngôi chùa nổi tiếng trong làng cổ nhất Hà Nội, thầy còn lo cho các em giữ gìn sức khỏe, ăn học làm sao cho tốt.
Các con học ở các trường khác nhau nên thầy hết đón bé này lại sang trường khác để chờ bé khác trong khoảng 1 giờ đồng hồ buổi chiều. Vừa vào đến lớp, thấy bé Bình Nhi bị xộc xệch chiếc khăn đỏ, thầy liền vào hẳn trong lớp chỉnh lại cho ngay ngắn. Các giáo viên và học sinh khác trong trường không lạ lẫm gì với việc chiều chiều có một nhà sư mặc áo nâu sồng đi từ phòng học này sang phòng khác để đón con.
Trong ảnh là chị Thơm, một Phật tử chùa ngày ngày chăm sóc đàn trẻ giúp đỡ thầy. Ngoài chị còn có vài người nữa tình nguyện giúp đỡ các em trong việc tắm rửa, nấu cơm nên cũng bớt vất vả đi nhiều.
Ngoài ra, sống ở trong chùa tuy thiệt thòi về tình cảm với người ruột thịt, nhưng các bé được sống đầy đủ, ăn no mặc ấm. Mọi học phí ở trường của các bé đều được miễn hoàn toàn. "Những em còn quá nhỏ chưa hiểu thế nào là mẹ đẻ và mẹ nuôi thì không nói nhưng các bé lớn hơn thầy đã nói cho các em biết vì sao lại sống ở đây và các em sẽ phải có ý thức đi tìm gia đình thật của mình dù có nhận hay không", thầy Thanh tâm sự.
Phương Nhi đang ở tuổi đổi răng. Bé rất thích đeo bờm tóc và thích màu đỏ, hồng. Tâm nguyện của thầy là chăm sóc các em cho đến khi trưởng thành, học đại học ra trường để có thể "vỗ cánh bay".
Thầy thừa nhận bước đầu khó khăn nhưng dần dần đi vào nề nếp nên cũng quen. "Có tình thương nhưng không có kinh nghiệm, với các em nhỏ lại không có sữa mẹ lại càng khó khăn. Người dân và Phật tử cũng quan tâm nhiều nên tôi càng thêm nhiều động lực", người mẹ nhà sư nói.
Góc học tập của các bé trong độ tuổi tiểu học tại phòng nhỏ trong chùa. Sau bữa cơm mỗi tối, các con lại ngồi đúng vị trí làm bài tập theo sự chỉ bảo của thầy. Điều xúc động nhất ở thầy là luôn nhắc nhở các em và khuyên răn không nên oán trách mẹ đẻ của mình nếu như gặp lại. Thầy bảo, không người mẹ nào dứt ruột đẻ ra con mà lại nỡ vứt bỏ, chẳng qua vì hoàn cảnh không còn cách nào khác nên mới phải xa lìa con.

Hoàng Hà

Bạn có thể quan tâm