Sau những thông tin buôn bán con nuôi được cho liên quan đến một số cá nhân ở chùa Bồ Đề, ngày 3/8, Công an Hà Nội bắt Nguyễn Thị Thanh Trang, người phục vụ ở chùa Bồ Đề để điều tra về hành vi buôn bán trẻ em.
Sư thầy Thích Đàm Lan cho biết: “Về việc này, nhà chùa không ngờ Trang đã làm như vậy và cũng không ngờ Trang là con người như thế. Trang có hoàn cảnh vất vả, lang thang cùng con không có nơi ở và đến chùa xin ở nhờ vào khoảng tháng 9 âm lịch năm 2010".
Theo vị trụ trì, từ khi vào chùa, Trang không có biểu hiện tính xấu. Trang ngoan ngoãn, nhanh nhẹn, thông minh nên nhà chùa giao Trang làm tổ trưởng quét dọn khu nuôi trẻ em. Trong thời gian làm việc, người này làm tốt công việc trong chùa. "Thực sự nhà chùa không hiểu lý do gì mà Trang lại làm việc đến mức bị bắt như thế này. Nhà chùa chỉ thấy nói là Trang đi cùng với một người phụ nữ, bị dụ dỗ đi làm việc gì đó mà thầy chưa biết cụ thể như thế nào", sư thầy Đàm Lan nói.
Sư thầy cho rằng, nhà chùa chỉ biết người, không biết hành vi, cử chỉ thế nào nên không thể cấm hay ngăn chặn kịp thời được.
"Việc của Trang thế này, nhà chùa không thể kiểm soát được hành vi tự chủ của Trang. Trong chùa, Trang chỉ là tổ trưởng quét dọn khu nuôi trẻ em, giúp sổ sách cho nhà chùa chứ không phải là quản lý như cơ quan báo chí đã thông tin. Nói là Trang quản lý làm ảnh hưởng tới nhà chùa. Công việc nhà chùa do Thầy trực tiếp quản lý chứ làm sao mà Trang làm được.
Đối với Trang, nhà chùa cứu giúp lúc hoạn nạn. Nhà chùa không biết rõ được bản chất, tâm tính của mỗi con người thế nào, nhưng sự việc của Trang như vậy làm nhà chùa bị ảnh hưởng. Trong việc này, nhà chùa không biết làm thế nào, chỉ biết làm đơn để nhờ cơ quan pháp luật, chính quyền địa phương có biện pháp can thiệp kịp thời, nhà chùa đã 3 lần làm đơn nhờ công an điều tra sự việc liên quan đến báo chí nêu", sư Thích Đàm Lan cho hay.
Sư thầy Thích Đàm Lan, trụ trì chùa Bồ Đề. |
Theo vị trụ trì chùa Bồ Đề, Nguyễn Thanh Trang hiện có 3 đứa con. Trang có 2 người con trai với chồng trước, hoàn cảnh khó khăn nên chồng bỏ ba mẹ con Trang. Sống ở nhà chồng bị dì ghẻ với bố chồng đối xử không công bằng, sợ mẹ con Trang tranh chấp nhà cửa nên dì ghẻ đuổi mẹ con Trang đi. Trang đem con đi lang thang, đến chùa xin ở nhờ cùng với 2 đứa con.
Trước khi vào chùa, Trang đã được công an phường Bồ Đề xác minh nhân thân. Sau một thời gian ở chùa, Trang có một người yêu làm thợ xây, hai người có một đứa con gái, không cưới do người yêu cũng đã có vợ và đứa con này theo Trang vào ở nhà chùa.
Trong thời gian ở Chùa Bồ Đề, Trang thường xuyên đi về với bà ngoại. Hiện nay 3 đứa con của Trang mỗi đứa một nơi, một đứa con trai đang ở chùa Bát Tràng, một đứa con gái ở chùa Bồ Đề và đứa con trai còn lại đang ở nhà bà ngoại của Trang... Bà ngoại Trang cũng rất khó khăn, tuổi cao không nuôi nổi đứa cháu con Trang nên đang xin nhà chùa cho đứa con vào ở trong chùa.
“Nhà chùa không hề biết việc đứa bé bị bán. Trong thời gian ở chùa, Trang chủ yếu làm công việc dọn dẹp nhà cửa, chứ không phải chăm bé. Khi thấy Trang chăm cháu bé này tại chùa, nhà chùa có hỏi thì được Trang cho biết đó là đứa cháu đến chơi ít ngày. Vì vậy, nhà chùa chấp nhận cho cháu bé ở lại chùa.
Vài ngày sau đó, Trang đưa đứa bé đi thì nhà chùa không hề biết. Đứa bé đó không có tên trong danh sách của nhà chùa quản lý và Trang không hề báo thông tin cháu bé cho nhà chùa hay cho địa phương vì bảo là cho cháu chơi vài ngày.
Chính nhà chùa đã phải làm đơn đến cơ quan điều tra vào cuộc. Nhà chùa cho rằng Trang sai phạm thì phải chịu tội chứ không ai có thể chịu tội thay. Bản thân nhà chùa thấy rất buồn bởi sự việc này làm ảnh hưởng rất lớn đến nhà chùa", sư thầy Đàm Lan nói.
Chùa Bồ Đề (Long Biên, Hà Nội) - nơi từng được mệnh danh là "thiên đường" của những "mầm sống bị bỏ rơi" đang chao đảo trước nghi vấn của dư luận là kênh trung gian mua bán trẻ mồ côi.
Có nguồn tin cho biết, mỗi đứa trẻ được đưa vào chùa Bồ Đề, người môi giới sẽ nhận được 5-7 triệu đồng tiền "lại quả". Cũng có thông tin rỉ tai, nếu đứa trẻ này được nhận làm con nuôi, nhà chùa sẽ được "cung tiến" vài chục đến hàng trăm triệu đồng từ cha mẹ nuôi chúng.
Chùa Bồ Đề từ lâu là nơi nuôi dưỡng rất nhiều trẻ em. |
Tuy nhiên, cả chính quyền phường Bồ Đề và sư trụ trì Thích Đàm Lan đều phủ nhận những thông tin trên. Sư thầy Thích Đàm Lan còn khẳng định, nếu làm sai sẵn sàng đi tù.
Tuy nhiên, phân tích dưới góc độ pháp lý, một số luật sư cho rằng, việc chùa Bồ Đề nhận quá nhiều trẻ em vào chùa nuôi như vậy là không đúng vì trong Luật Nuôi con nôi và Luật Hôn nhân và Gia đình quy định rất rõ về việc này.
Thứ nhất là thực hiện việc nhận và nuôi trẻ như vậy không đảm bảo đúng mục đích nuôi con nuôi vì nuôi con nuôi là nhằm xác lập lâu dài mối quan hệ cha - mẹ và con; giữa người nhận con nuôi và người được nhận làm con nuôi.
Thứ hai là sư Trụ trì Chùa không có tài sản riêng và không đủ điều kiện thực tế để nuôi dưỡng trẻ em. Việc giáo dục, nhất là giáo dục của nhà chùa đối với trẻ có thể ảnh hưởng nhất định đến sự phát triển về giới tính hoặc tâm lý đối với trẻ nên nuôi trẻ trong một môi trường như thế nào cũng cần phải xem xét. Hiện tại với số lượng trẻ em, phụ nữ, người già mà Chùa Bồ Đề đang nuôi là quá tải, không đảm bảo về cơ sở, vật chất cho tất các các đối tượng.
Thứ ba là pháp luật chỉ cho phép đăng ký nuôi con nuôi giữa cá nhân với cá nhân; vì vậy trường hợp nhà chùa đứng tên nhận con nuôi như biên bản bàn giao con nuôi giữa Bệnh viện Phụ sản tỉnh Nam Định và ni sư Thích Đàm Lan mà báo đăng lên là không đúng.
Như vậy việc sư trụ trì nhà chùa nhận nuôi con nuôi là không đúng theo tinh thần pháp luật cũng như không đảm bảo cho trẻ phát triển bình thường về thể chất cũng như vấn đề tâm sinh lý.