Nhà sưu tầm Nguyễn Phi Dũng (Nam Định) hiện đang sở hữu hơn 20 tấn báo giấy với nhiều trang báo và thể loại khác nhau, mỗi đầu báo đều được ông tâm huyết dành riêng một khoảng trưng bày, trong đó có cả những tờ báo có tuổi đời hàng trăm năm, hay những tờ báo cách mạng thời kỳ đầu như Cứu Quốc, Độc Lập, Cờ Giải Phóng,… mang giá trị lịch sử của đất nước.
Đối với ông, báo giấy không chỉ là trí tuệ, là trách nhiệm và tình yêu của người làm báo đằng sau những con chữ, những gì mà ông đang làm, niềm đam mê sưu tầm và sự lan toả tới thế hệ trẻ, chính là cách để gìn giữ một phần lịch sử đất nước của người đàn ông giàu trách nhiệm này.
Ông đặt tên căn phòng lưu giữ báo là "Phòng sưu tầm báo chí PDC". Căn phòng được trang bị cả điều hòa, máy hút ẩm, để bảo quản báo. Báo được ông Dũng sắp xếp ngăn nắp trên kệ, cao ngút đầu, đến sát trần nhà; ông phân loại báo theo từng chủ đề, thể loại, mốc thời gian, tính thời sự…
Trải qua thời gian dài, lượng báo ngày một nhiều hơn, những tờ báo giấy cũng sẽ khó giữ được nguyên vẹn, công tác bảo quản cũng gặp không ít khó khăn. Mong muốn của nhà sưu tầm Nguyễn Phi Dũng là mở một Bảo tàng nhằm nâng cao việc lưu trữ và bảo quản các ấn phẩm, cũng như việc chuyển đổi số để bảo tồn dữ liệu được bền vững cho các thế hệ sau.
Báo Nhà báo & Công luận xin gửi tới độc giả bộ sưu tập có quy mô lớn của nhà sưu tầm Nguyễn Phi Dũng:
Nhà sưu tầm Nguyễn Phi Dũng (thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định) là người khá nổi tiếng trong giới sưu tầm đồ cổ. Với "bảo tàng" báo chí ông luôn sẵn sàng mở cửa đón người tham quan kho tàng đồ sộ của mình. |
Trong căn phòng rộng hàng trăm m2 có nhiều báo và tạp chí mà ông Dũng đã sưu tầm. Trong đó có cả những tờ báo đầu tiên của nền báo chí sơ khai Việt Nam, quý hiếm và giá trị. |
Dù diện tích nhỏ so với một bảo tàng, các ấn phẩm báo chí, tư liệu được ông sắp xếp khá khoa học. Trong ảnh ông dành riêng một khu vực để các số báo Xuân, báo Tết. |
Báo Nhân dân, Báo Quân đội nhân dân là những ấn phẩm chiếm số lượng lớn. Ông đều có từ những số báo báo đầu tiên cho đến sau này, tất cả đều được phân loại theo các mốc thời gian. |
Báo Nhân dân số ra tháng 5 năm 1954 nói về sự kiện "Ta đã toàn thắng ở mặt trận Điện Biên Phủ". Nhờ việc bảo quản cẩn thận và tỉ mỉ nên các số báo bản gốc vẫn giữ nguyên vẹn theo thời gian hơn 70 năm. |
Ông có nhiều ấn phẩm báo chí độc đáo. Đây là một trong những ấn phẩm trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Báo Quân đội nhân dân đã tổ chức tòa soạn tiền phương, xuất bản được 33 số báo ngay tại mặt trận, phát hành tận tay cán bộ, chiến sĩ ở chiến hào. |
Thừa hưởng kho báo cổ của ông cha để lại, ngày nay từ các mối quan hệ cũ trong giới sưu tầm đồ cổ cho đến mạng xã hội, ông Dũng săn lùng mua báo một cách nhanh chóng. Chỉ cần có cuộc điện thoại gọi đến nói nơi rao bán báo xưa là ông đến tận nơi để mua. |
Hàng ngày ông vẫn dành nhiều giờ để đọc nội dung, phân loại, sắp xếp và ghi chép lại toàn bộ các ấn phẩm để bạn đọc, khách tham quan dễ dàng tra cứu. |
Theo nhà sưu tầm Nguyễn Phi Dũng, có rất nhiều tờ báo cũ, cổ chất liệu giấy khá tốt nên có thể giữ được lâu, không sợ mối mọt. Trong ảnh là khu vực để hàng nghìn số của ấn phẩm Báo Nhà báo và Công luận. |
Ông có những số thường và các số đặc biệt của báo Nhà báo và Công luận. |
Tờ báo Sài Gòn Giải Phóng đầu tiên ra ngày 5/5/1975. |
Ngày 15/10/1954, Báo ảnh Việt Nam ra mắt số đầu tiên. Với tên gọi của những số xuất bản thời kỳ đầu là "Hình ảnh Việt Nam” trong suốt hành trình sáu thập niên qua, Báo ảnh Việt Nam vẫn phát huy vai trò như một cuốn biên niên sử bằng ảnh, khắc họa chân thực và sinh động chân dung đất nước, con người Việt Nam. |
Ngày 10/10/1942, Trung ương Đảng cho xuất bản tờ báo Cờ giải phóng. Báo Cờ giải phóng do đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư của Đảng phụ trách. Báo ra được 16 số. Suốt từ năm 1942 đến năm 1944. |
Trong số hàng nghìn tờ báo ông đã sưu tầm, có 5 tờ báo quý. |
Nhà sưu tầm Nguyễn Phi Dũng cũng hiến tặng khá nhiều hiện vật, ấn phẩm báo cũ, báo cổ cho các đơn vị khác nhau, như: Bảo tàng báo chí Việt Nam (Hội Nhà báo Việt Nam) TƯ MTTQ Việt Nam, UBND tỉnh Nam Định và nhiều bảo tàng khác. |
Báo chí phản ánh cuộc sống, cung cấp cho chúng ta thông tin mọi mặt về xã hội Việt Nam qua các thời kỳ. Ông Dũng muốn lưu giữ tất cả cho không chỉ riêng ông mà cho bất cứ ai cần tìm hiểu một thời lịch sử, những diễn biến chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội hay nghệ thuật của đất nước. |