Khác với cảnh mọi người rộn ràng mua sắm đón xuân, hay chuẩn bị về quê sum họp với gia đình, anh Võ Văn Đại (phường Tân Thuận, quận 7, TP HCM, quê Bến Tre) vẫn cần mẫn đẩy chiếc xe cháo lòng đi bán khắp đường phố. Trời sẩm tối, khi nồi cháo vơi dần, anh mới dừng lại ngồi nghỉ trên vỉa hè. Hắt một hơi thở dài, anh tâm sự: “Tôi lên Sài Gòn làm nghề bán cháo dạo đã hơn 15 năm. Ngày mua đồ tự nấu, chiều lại đẩy xe đi bán cho đến tối khuya mới về nhà. Mỗi ngày kiếm 50.000-70.000 đồng, đủ sống qua ngày”.
Một năm quần quật mưu sinh, đến cuối năm tính lại không còn dư giả, nhưng anh Đại vẫn cố gắng làm để về quê vui Tết bên cha mẹ già. Ông bà năm nay đều đã ngoài 70 tuổi, đến dịp lại gọi điện hối thúc con về. “Mỗi lần đến Tết nghe ông bà điện lên không cầm được nước mắt. Cứ ngóng cho mau đến ngày cả nhà về quây quần bên cha mẹ…”, anh Đại giọng run run tâm sự.
Càng gần Tết anh Đại càng gắng làm để chắt chiu ít tiền mua quà cho cha mẹ già ở quê. |
Câu chuyện của anh Đại cũng là nỗi niềm chung của nhiều người lao động, công nhân xa quê. Ai cũng mong muốn có ngày Tết sum họp bên cha mẹ, người thân. Nhưng để về với gia đình, họ phải trăn trở trăm bề. Ngoài lo chuyện tài chính, khi đã cầm trong tay tấm vé về quê ăn Tết, mọi người lại lo tàu xe, tai nạn, tình trạng giật đồ, lừa đảo ngay tại bến xe...
Vợ chồng anh Nguyễn Văn Năm (quê Quảng Ngãi, sống tại TP HCM) chia sẻ: “Trong lần về quê hai năm trước, tôi chứng kiến thấy có chị bị giật túi xách ngồi khóc mếu máo ngay tại bến xe. Bao nhiêu tiền chuẩn bị về ăn Tết mất hết. Nghĩ đến là thấy lo cho chuyến đi sắp tới”. Anh Năm có hai con nhỏ (6 tuổi và 4 tuổi) nên mỗi lần về quê đều mang lỉnh kỉnh đồ đạc từ quần áo, bình sữa của bé đến quà cáp cho ông bà, trong bến xe đông đúc nên chen chân rất cực khổ, nhất là khi phải tay xách nách mang con nhỏ. Vừa canh chừng hai đứa con nhỏ chơi đùa, chảy nhạy, anh chị vừa phải đề phòng bị giật đồ.
Tết gần đến, nhưng bao lo toan, bộn bề - dường như chưa thể khép lại. Những người lao động, công nhân nghèo chỉ mong hành trình về quê ăn Tết bớt cực nhọc, để sau một năm lam lũ, nhọc nhằn, họ được vui cái Tết trọn vẹn bên gia đình.
Hơn bất cứ đâu, bến xe ngày Tết nên là một nơi tràn ngập những điều vui vẻ, thoải mái để mỗi người cảm nhận rõ, Xuân đang thực sự đến, từ không gian bên ngoài, đến trong lòng mỗi người. Vì vậy, nhằm giúp cho những hành trình sum họp của những người con xa xứ bớt gian nan, OMO triển khai chương trình đồng hành cùng 2 triệu hành trình đoàn viên trong dịp Tết Bính Thân. Chương trình bao gồm hoạt động thay đổi diện mạo của các bến xe, ga tàu ngày Tết và tặng 80.000 phần quà sum họp cho hành khách từ ngày 24/01/2016. Độc giả có thể tìm hiểu thêm thông tin và cùng OMO chia sẻ thông điệp “Tết là về bên gia đình” tại đây.