Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Đằng sau sự ra đi của 'phù thủy thiết kế' Apple

Sau khi chia tay với Jony Ive, người thiết kế ra nhiều sản phẩm huyền thoại, Apple dường như chưa tìm được người kế nhiệm xứng đáng.

Nguoi tao ra nhung thiet ke bieu tuong cho Apple anh 1

Đó là thời điểm năm 2014, khi tương lai của Apple dường như phụ thuộc hoàn toàn vào Giám đốc thiết kế Jony Ive. Ive ngồi trong bàn hội nghị với CEO Tim Cook để đưa ra ý tưởng về sự kiện ra mắt Apple Watch, sản phẩm rất được kỳ vọng với Táo khuyết. Tuy vậy, mọi sự thất vọng của Ive cũng bắt đầu từ đây.

Sau 2 năm phát triển, hàng nghìn giờ nghiên cứu và nỗ lực ngày đêm, Apple Watch chuẩn bị được giới thiệu như một bước ngoặt của công ty. Đối với Ive, ông coi những chiếc đồng hồ thông minh như một phụ kiện thời trang. Ông muốn buổi ra mắt thiết bị này phải thật đặc biệt như một sự kiện trình diễn cao cấp.

Ngược lại, dưới sự lãnh đạo của Tim Cook, Apple dường như thắt chặt chi tiêu và đề xuất của Ive lại gây ra tranh cãi gay gắt do tốn quá nhiều tiền.

Sự chia tay của một huyền thoại

Gần 3 năm kể từ khi Steve Jobs qua đời vào năm 2011, với tư cách là Giám đốc điều hành, Tim Cook đã tìm đến Ive để dẫn dắt việc phát triển sản phẩm. Jobs từng gọi Ive là “đối tác tinh thần” của mình, một câu nói cho thấy giá trị rất lớn của nhà thiết kế này. Thậm chí, giá trị của Jony Ive lớn đến mức Tim Cook sợ rằng các nhà đầu tư sẽ bán tháo cổ phiếu nếu nhà thiết kế chủ chốt rời đi.

Các cựu lãnh đạo cấp cao của Apple ước tính rằng sự ra đi của Ive có thể thổi bay hơn 50 tỷ USD, tương đương 10% giá trị thị trường của công ty.

Nguoi tao ra nhung thiet ke bieu tuong cho Apple anh 2

Jony Ive quyết định rời đi do không chung chí hướng với CEO Tim Cook. Ảnh: ABC News.

Theo New York Times, sự bất đồng quan điểm về việc ra mắt Apple Watch khiến Ive cảm thấy không được coi trọng. Lúc đó, Ive chia sẻ với các đồng nghiệp rằng sự kiện ra mắt và chiến lược tiếp thị Apple Watch là những khoảnh khắc đầu tiên ông cảm thấy mình không được hỗ trợ tại Apple.

Cùng với thời gian, sự bất bình của Ive ngày càng lớn hơn. Sau khi Steve Jobs qua đời, các đồng nghiệp cho biết Giám đốc thiết kế luôn thất vọng về sự phình to của công ty, chê bai chủ nghĩa quân bình của Tim Cook và than thở với việc chuyển trọng tâm từ sản xuất thiết bị sang phát triển dịch vụ.

Vào năm 2019, Jony Ive đã rời đi. Việc ông kết thúc công việc của mình đã thay đổi mãi mãi cán cân quyền lực ở thượng tầng Apple. Vào tháng 7/2019, ngay sau khi Ive rời đi, CEO Tim Cook đã gọi những thất vọng của Ive tại Apple là vô lý và nói rằng chính cựu Giám đốc thiết kế đã bóp méo các mối quan hệ cũng như quyết định về mặt thiết kế.

Cho đến hiện tại, Jony Ive vẫn tiếp tục làm việc với Apple dưới tư cách cố vấn về mảng thiết kế cho các sản phẩm của công ty.

Đối tác tinh thần của Steve Jobs

Vào mùa hè năm 1997, các nhân viên đã rất lo lắng khi Jobs bắt đầu chê trách những thiếu sót của họ. Theo lời kể của Walter Isaacson, tác giả của cuốn sách Tiểu sử Steve Jobs, CEO Apple tại thời điểm đó không hài lòng với các sản phẩm. Ông cho rằng chúng thiếu yếu tố cuốn hút người dùng.

Sau cuộc họp, Jobs đã tìm cách thay thế Jony Ive, người khi đó làm trưởng nhóm thiết kế, gia nhập Apple được 5 năm. Sau đó, cố CEO Apple đã tiếp cận một nhà thiết kế xe hơi người Ý và một nhà thiết kế máy tính khác. Tuy vậy, đối tác cũ của Steve Jobs, Hartmut Esslinger đã đưa ra lời khuyên nên duy trì đội ngũ hiện có.

Steve Jobs luôn cảm thấy nhẹ nhõm mỗi khi có Ive

Wayne Goodrich, cựu Giám đốc sản xuất hình ảnh của Apple

Kết quả là Ive được giữ lại và thiết kế của iMac, được coi như một cuộc cách mạng vào thời điểm đó. Tuy vậy, khi Apple chuẩn bị ra mắt chiếc máy tính này vào đầu tháng 5/1998, Jobs đã tìm ra một lỗ hổng nghiêm trọng. Khi đó, ông tức giận đến mức dọa sẽ hủy bỏ sự kiện giới thiệu sản phẩm.

Tuy vậy, Jony Ive đã trấn an Jobs. 2 người đàn ông cùng bước đi với những cánh tay khoác lên vai nhau trong sự đồng thuận. “Kể từ đó, Jobs luôn cảm thấy nhẹ nhõm mỗi khi có Ive ở trong phòng làm việc”, Wayne Goodrich, cựu Giám đốc sản xuất hình ảnh của Apple chia sẻ.

Nguoi tao ra nhung thiet ke bieu tuong cho Apple anh 3

Steve Jobs và Jony Ive được ví như hai người bạn tri kỷ. Ảnh: Insider.

Sau đó, nhu cầu về chiếc iMac bùng nổ. Theo New York Times, cứ mỗi 15 giây, Apple lại bán được một chiếc máy tính trên toàn cầu, khiến sản phẩm này trở thành chiếc máy tính bán chạy nhất trong lịch sử. Thành công của iMac đã củng cố mối quan hệ giữa Ive và Jobs. Trên hết, họ có chung một triết lý là giữ sự tối giản cho mọi sản phẩm.

Bên cạnh đó, hai người đàn ông còn có sự cân bằng tính cách cho nhau. Trong khi Jobs là người nóng nảy, bộc trực và có phần bảo thủ thì Ive lại trầm lặng, kiên định và điềm tĩnh. Họ thường cùng nhau ăn trưa, và Jobs hàng ngày đều đến thăm xưởng thiết kế.

Sau này, quyết định của Jobs chọn Tim Cook làm người kế nhiệm đã khiến nhiều người bất ngờ. Song, một nửa giá trị của Apple đến từ khả năng sản xuất và cung cấp các thiết bị đúng hạn. Do đó, việc lựa chọn Tim Cook làm CEO là một quyết định đúng đắn, theo New York Times.

Mặc dù vậy, Jobs vẫn coi Ive là người quyền lực thứ hai của công ty. Chính Ive đã thúc đẩy nhóm thiết kế đi đầu trong quá trình phát triển sản phẩm của Apple, đảm bảo nhóm này đóng vai trò quan trọng trong việc thiết kế iPod, iPhone và iPad.

20 năm làm việc tại Apple

Khi Apple công bố chiếc smartwatch đầu tiên vào mùa thu năm 2014, các nhân viên của công ty đã dành cho Ive sự hoan nghênh nhiệt liệt. Ông dường như đã đạt đến một đỉnh cao mới trong sự nghiệp của mình.

Tuy nhiên, thay vì được tiếp thêm động lực, Ive có vẻ mệt mỏi. Khi ông tập hợp nhóm của mình vào cuối năm, các nhà thiết kế và kỹ sư nói rằng Ive đã khen ngợi họ vì sự thành công chung.

Nguoi tao ra nhung thiet ke bieu tuong cho Apple anh 4

Jony Ive (bên trái) chụp ảnh cùng Jon Rubinstein, Phó chủ tịch Apple vào năm 1999 cùng với các mẫu iMac mang tính biểu tượng. Ảnh: Getty.

“Tôi đã làm việc tại Apple được 20 năm. Đây là một trong những năm thử thách nhất mà tôi đã trải qua”, Jony Ive chia sẻ.

Tuy nhiên, những lời khen ngợi dành cho thiết bị mới của Apple chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Sau đó, Apple Watch đã phải vật lộn để đạt được kỳ vọng về doanh số bán hàng. Các nhà phân tích kỳ vọng công ty sẽ bán được 40 triệu chiếc trong năm đầu tiên.

Thực tế, Apple chưa đạt được một nửa kỳ vọng do người mua phàn nàn về pin và chức năng hạn chế của nó. Sau khi cắt giảm sản lượng, CEO Tim Cook đã mở rộng kênh phân phối sang các nhà bán lẻ lớn. Cuối cùng, ông chuyển trọng tâm tiếp thị từ thời trang sang tính năng, đặc biệt là hỗ trợ tập luyện.

Giữa những thay đổi đó, Ive đã đến gặp Cook và nói rằng ông muốn rút lui khỏi công việc kinh doanh. Không có người đồng hành Steve Jobs, Ive phải gánh vác phần lớn trách nhiệm về thiết kế sản phẩm và hoạt động tiếp thị. Trong khi đó, một số người thân cận với Ive cho biết ông đã cảm thấy mệt mỏi khi phải cạnh tranh để được thăng chức và dần trở nên quá tải khi phải quản lý một đội ngũ nhân sự hàng trăm người.

“Nghệ thuật cần không gian thích hợp”

Vào một buổi tối vào cuối tháng 6/2019, Ive triệu tập các nhóm thiết kế của mình tại một rạp chiếu ở San Francisco để xem bộ phim Yesterday, một tác phẩm được lấy cảm hứng từ ban nhạc Beatles huyền thoại. Khi bộ phim kết thúc, Ive bước lên trước nhóm để phát biểu.

“Nghệ thuật cần không gian thích hợp và sự hỗ trợ để phát triển. Khi bạn đã thực sự lớn mạnh, điều đó càng đặc biệt quan trọng”, Jony Ive chia sẻ.

Nguoi tao ra nhung thiet ke bieu tuong cho Apple anh 5

Cựu Giám đốc thiết kế Jony Ive cảm thấy không có sự hỗ trợ sau khi đối tác thân thiết Steve Jobs qua đời. Ảnh: Getty.

Đến ngày 27/6/2019, các nhà thiết kế nhận được thông báo yêu cầu xóa lịch cuộc gặp với Ive. Ít ai biết được toàn bộ sự tranh luận của Ive đối với nhóm phụ trách mảng tài chính của Apple. Tuy vậy, trước khi rời đi, Ive vẫn ca ngợi và khuyên nhóm thiết kế giữ đúng với bản sắc của Apple, đó là không ngừng sáng tạo.

Theo New York Times, một phần lý do ra đi của Ive đến từ việc CEO Tim Cook chuyển hướng từ tập trung sản xuất thiết bị sang cung cấp các dịch vụ. Cook muốn chú trọng vào các dịch vụ như Apple Music và iCloud để tối ưu lợi nhuận.

Ngoài ra, CEO Apple cũng đề nghị bộ phận tài chính kiểm soát chặt chẽ các nhà thầu bên ngoài để tránh thất thoát. Trong đó, bộ phận này từng từ chối một hóa đơn hợp pháp của Foster + Partners, một công ty kiến ​​trúc hợp tác chặt chẽ với Ive để hoàn thành khuôn viên mới trị giá 5 tỷ USD của công ty mang tên Apple Park.

Dù đã rời đi, Jony Ive vẫn tiếp tục làm đối tác với Apple thông qua công ty thiết kế do ông thành lập có tên LoveFrom. Trước đó, NYT cũng tiết lộ rằng Apple đã đồng ý với số tiền lên tới hơn 100 triệu USD trong thỏa thuận cho sự ra đi của Giám đốc thiết kế Jony Ive.

Đối tác Apple lãi kỷ lục

Nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới lãi đậm 7 tỷ USD, giữa bối cảnh thế giới vẫn đối mặt với cơn khủng hoảng bán dẫn.

Bí mật của Tim Cook

Trong khi Steve Jobs là vị lãnh đạo với tầm nhìn xa, người kế nhiệm ông đã tạo ra loạt kỷ lục về giá trị cho Apple.

Minh Hoàng

Theo New York Times

Bạn có thể quan tâm