Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã bước vào giai đoạn nước rút khi chỉ còn một tuần nữa, cử tri sẽ lựa chọn người đại diện của mình qua từng lá phiếu.
Zing có cuộc trao đổi với Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia Bùi Văn Cường để làm rõ nhiều nội dung liên quan đến sự kiện chính trị quan trọng này.
Các tình huống khẩn cấp đã được dự phòng
- Công tác chuẩn bị mọi mặt cho cuộc bầu cử đến thời điểm này ra sao, thưa ông?
- Đến nay, mọi công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử trên cả nước cơ bản được hoàn tất, đảm bảo đúng tiến độ, quy trình, thời gian.
Việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến bầu cử đã được bảo đảm triển khai khẩn trương, đúng quy trình; quan tâm xử lý cả những khiếu nại, tố cáo từ cơ sở, những vấn đề nhạy cảm như tranh chấp về đất đai được quan tâm giải quyết để tránh ảnh hưởng đến ngày bầu cử.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia Bùi Văn Cường khẳng định mọi công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử trên cả nước cơ bản được hoàn tất, đảm bảo đúng tiến độ, quy trình, thời gian. Ảnh: Thuận Thắng. |
Về công tác bảo đảm an ninh, an toàn y tế, phòng, chống dịch bệnh Covid-19 cho cuộc bầu cử, Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã hướng dẫn việc lập danh sách cử tri và phương án thực hiện bỏ phiếu với các trường hợp phải thực hiện cách ly y tế phòng, chống dịch Covid-19 và tại các địa phương có dịch bệnh phát sinh; hướng dẫn việc tổ chức bầu cử ở các khu vực bỏ phiếu sớm, khu vực cách ly...
Các tỉnh đều chủ động đánh giá tình hình và có phương án bảo đảm tuyệt đối an toàn về an ninh chính trị, trật tự, xã hội, phòng dịch trước, trong và sau ngày bầu cử. Các hội nghị tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử đã được các địa phương tổ chức theo đúng kế hoạch đã đề ra. Một số địa phương tổ chức theo hình thức trực tuyến để đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo hướng dẫn của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam.
- Năm nay, cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh đặc biệt khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương. Để chuẩn bị cho các trường hợp đặc biệt có thể xảy ra, Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã xây dựng phương án, kịch bản như thế nào?
- Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, các cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương bên cạnh việc triển khai các nhiệm vụ chính trị, tích cực chuẩn bị công tác bầu cử, còn tập trung cao độ cho công tác phòng, chống dịch bệnh.
Để chuẩn bị cho các trường hợp đặc biệt có thể xảy ra, Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã có một số văn bản lãnh đạo, chỉ đạo bầu cử trong bối cảnh dịch Covid-19 lây lan.
Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng ban hành hướng dẫn tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19. Trường hợp cử tri đang cách ly tập trung hoặc tại nhà không thể đi bỏ phiếu, tổ bầu cử sẽ chuẩn bị phiếu bầu và hòm phiếu phụ đến tận nơi hoặc địa điểm thuận tiện khác để cử tri bầu cử.
Tại các phòng bỏ phiếu hoặc địa điểm bỏ phiếu, lực lượng chức năng sẽ tạo lối đi, hành lang thông thoáng; cử người hướng dẫn cụ thể cho cử tri, bảo đảm khoảng cách khi nhận phiếu bầu cử, ghi phiếu và bỏ phiếu; đeo khẩu trang, thực hiện rửa tay sát khuẩn trước và sau khi bỏ phiếu...
Với những địa phương dịch bùng phát, phải cách ly xã hội, phong tỏa, không thể tổ chức bỏ phiếu đúng ngày bầu cử thì Ủy ban bầu cử ở cấp tỉnh chủ động đề xuất, kịp thời báo cáo rõ phương án gồm thời điểm, cách thức thực hiện việc bỏ phiếu... và những công việc cần thực hiện để Hội đồng Bầu cử Quốc gia xem xét, quyết định.
Các địa phương chủ động xây dựng phương án, kịch bản, nhân lực và điều kiện đảm bảo để triển khai công tác bầu cử trong điều kiện xảy ra các trường hợp đặc biệt do dịch Covid-19. Nếu hoãn, giãn bầu cử thì báo cáo Hội đồng Bầu cử Quốc gia xem xét, quyết định.
Như vậy, công tác chuẩn bị các điều kiện, cơ sở vật chất và chuẩn bị các phương án bầu cử trong các tình huống khẩn cấp đều đã được dự phòng.
Tăng cường giám sát để kịp thời phát hiện sai sót
- Hội đồng Bầu cử Quốc gia có giải pháp gì để hạn chế cũng như giám sát chặt chẽ, xử lý nghiêm những sai phạm, tiêu cực trong quá trình bầu cử?
- Để giám sát chặt chẽ, xử lý nghiêm những sai phạm, tiêu cực trong quá trình bầu cử, Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã tổ chức các Ðoàn giám sát, kiểm tra công tác bầu cử để giám sát, kiểm tra công tác bầu cử tại các tỉnh, thành trong cả nước.
Hội đồng Bầu cử Quốc gia yêu cầu các địa phương nhanh chóng khắc phục hạn chế để bảo đảm tiến độ và hiệu quả công việc. Trước ngày 13/5, các đơn vị phải xử lý dứt điểm vấn đề đơn thư, khiếu nại liên quan tới các ứng viên, theo dõi, kịp thời xử lý các vấn đề nảy sinh ở địa phương.
Hội đồng Bầu cử Quốc gia cũng yêu cầu Ủy ban bầu cử các tỉnh, thành thường xuyên gửi báo cáo về công tác chuẩn bị bầu cử tại địa phương; tăng cường kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện sai sót, có biện pháp khắc phục.
Đồng thời, chỉ đạo các lực lượng công an, quân đội phối hợp chặt chẽ để bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn tuyệt đối cho ngày bầu cử; chủ động kiểm tra, có các phương án phòng ngừa, đối phó với những tình huống xấu nhất có thể xảy ra.
Hội đồng Bầu cử Quốc gia thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, kể cả mạng xã hội để nắm bắt dư luận và ý kiến cử tri về cuộc bầu cử, qua đó kịp thời phát hiện những sai phạm, tiêu cực trong quá trình bầu cử để chỉ đạo xử lý.
Đặc biệt, Hội đồng Bầu cử Quốc gia quán triệt tránh tình trạng đi bầu hộ, bầu thay. Trong trường hợp phát hiện những sai phạm, tiêu cực trong quá trình bầu cử sẽ đề nghị chuyển ngay đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
- Với bài học kinh nghiệm nhiều ứng viên đại biểu Quốc hội ngay khi vừa được bầu đã bị phát hiện có sai phạm, dẫn đến phải miễn nhiệm hoặc không được công nhận tư cách đại biểu, lần này Hội đồng Bầu cử Quốc gia rút ra bài học gì trong công tác thẩm tra tư cách các ứng viên?
- Qua việc một số ứng viên đại biểu ngay khi vừa được bầu đã bị bãi nhiệm, thôi nhiệm vụ và không công nhận tư cách đại biểu của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, tại kỳ bầu cử lần này, Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã rút ra một số bài học trong công tác thẩm tra tư cách các ứng viên.
Trước hết, phải đặt tiêu chuẩn, chất lượng của đại biểu lên hàng đầu, là gốc rễ, không thể vì cơ cấu mà làm hạ thấp chất lượng của đại biểu, như Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia Vương Đình Huệ đã quán triệt.
Để trở thành đại biểu Quốc hội, các ứng cử viên đều phải trải qua một quy trình gồm nhiều bước với 3 vòng hiệp thương. Đây là các bước sàng lọc để lựa chọn những người đủ tiêu chuẩn và thật sự tiêu biểu, đại diện xứng đáng cho cử tri và nhân dân. Do đó, phải đảm bảo tính chặt chẽ, công khai, minh bạch, dân chủ, công bằng, đặc biệt trong khâu lấy ý kiến cử tri và thẩm định hồ sơ người ứng cử đại biểu Quốc hội.
Với quan điểm kiên quyết không giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội những người không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người sa sút về phẩm chất đạo đức, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, MTTQ Việt Nam cần phát huy vai trò trong kiểm tra, giám sát công tác bầu cử, thường xuyên nắm tình hình tư tưởng, dư luận xã hội liên quan đến cuộc bầu cử.
Những vấn đề về quốc tịch cần được làm rõ, hay vấn đề nhạy cảm liên quan đến các vi phạm pháp luật (nếu có) cũng được yêu cầu cơ quan có thẩm quyền rà soát kỹ lưỡng, kết luận rõ ràng.
Bên cạnh đó, cần phát huy tính trung thực của bản thân mỗi ứng cử viên. Khi được cơ quan, tổ chức giới thiệu ra ứng cử đại biểu Quốc hội, nếu xét thấy bản thân không đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, người được giới thiệu nên chủ động rút khỏi danh sách, không tham gia ứng cử.