Ngày 14/5, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức buổi phỏng vấn trực tuyến "Ngày hội của toàn dân" để giải đáp các thắc mắc liên quan đến bầu cử.
Nêu giải pháp để đảm bảo tỷ lệ đại biểu Quốc hội nữ, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng cần quán triệt và nâng cao nhận thức của các cơ quan, đơn vị trong giới thiệu người ra ứng cử về bình đẳng giới.
Các cơ quan, đơn vị được dự kiến phân bổ người ứng cử phải là những nơi có điều kiện để có thể giới thiệu người ứng cử là nữ; bảo đảm cân bằng về giới khi phân bổ số lượng các ứng cử viên, các ứng cử viên nữ không “gánh” quá nhiều cơ cấu.
“Việc tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri để người ứng cử vận động bầu cử cũng phải tiến hành bình đẳng, không có sự phân biệt đối xử với người ứng cử là nữ. Ứng viên nữ phải hết sức tự tin, tuyệt đối không bao giờ tự cho rằng mình chỉ là ‘đệm’ cho người khác, dẫn đến buông xuôi, làm cho qua chuyện, mà phải quyết tâm khẳng định mình và thuyết phục cử tri”, ông Cường nhấn mạnh.
Chánh văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia cũng quán triệt tuyệt đối tránh tình trạng bầu hộ, bầu thay.
Ông Cường nêu thực tế có tình trạng bầu hộ, bầu thay, làm ảnh hưởng đến kết quả bầu cử, đặc biệt không có lợi cho người ứng cử là nữ vì có một quan niệm khá phổ biến ở nông thôn, đó là “việc nhà là của phụ nữ, việc xã hội là của đàn ông” hoặc có tư tưởng “trọng nam, khinh nữ”.
Đề cập đến những người tự ứng cử đại biểu Quốc hội, một độc giả nhận định đa số người tự ứng cử ý thức rõ trách nhiệm của mình và thể hiện rất tâm huyết. Tuy nhiên, thực tế các lần bầu cử cho thấy số người tự ứng cử trúng cử thấp. Ví dụ, trong danh sách 496 người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV chỉ có 2 người tự ứng cử trúng cử.
Giải đáp thực tế này, Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực khẳng định luật pháp tôn trọng quyền về bầu cử của người dân. Đặc biệt, không có rào cản nào đối với người tự ứng cử, đề cử.
Theo ông Thực, Hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất đã thống nhất cơ cấu, số lượng, thành phần và có sự phân bổ về tổ chức, đơn vị để bảo đảm cơ cấu thành phần ở các đơn vị đó. Người dân có quyền đề cử, ứng cử để chọn ra người đại biểu của mình vào cơ quan quyền lực Nhà nước.
Phó chủ tịch MTTQ Việt Nam cho rằng khó khăn lớn nhất với người tự ứng cử là họ phải vượt qua được chính mình.
“Nếu là người có tâm, có tầm vì đất nước vì dân tộc, có quan điểm lập trường rõ ràng, có quá trình công tác tốt đủ điều kiện, tiêu chuẩn, bám sát các nhiệm vụ của người đại biểu… thì sẽ tự tin có tín nhiệm của người dân”, ông Thực chia sẻ.
'Không để xảy ra lây nhiễm cộng đồng trong quá trình bầu cử'
Chủ tịch Quốc hội quán triệt nhiệm vụ quan trọng trong bầu cử là tổ chức phân luồng, điều tiết lượng người đến các địa điểm bỏ phiếu, tránh tập trung đông người cùng lúc.
Đại tá quân đội rút khỏi danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội
Do những yếu tố cá nhân, trong đó có vấn đề về sức khỏe, đại tá Nguyễn Thế Anh xin rút khỏi danh sách ứng viên đại biểu Quốc hội và đã được Hội đồng Bầu cử Quốc gia chấp thuận.
Xét nghiệm SARS-CoV-2 cho ứng viên đại biểu Quốc hội ở Trung ương
Các ứng viên đại biểu Quốc hội ở Trung ương về ứng cử tại địa phương sẽ được xét nghiệm SARS-CoV-2 trước khi tiếp xúc cử tri.