Không lâu sau khi Cơ quan Lưu trữ Quốc gia Mỹ (NARA) tuyên bố thu hồi 15 hộp hồ sơ tổng thống từ dinh thự Mar-a-Lago vào tháng 2, cựu Tổng thống Donald Trump nhận được cuộc gọi từ Tom Fitton - nhà hoạt động bảo thủ nổi tiếng và là người đứng đầu tổ chức Judicial Watch chuyên theo dõi hoạt động của chính phủ.
Ông Fitton gửi đến ông Trump một thông điệp đơn giản: Quyết định giao nộp hồ sơ cho cơ quan lưu trữ là một sai lầm, và đội ngũ của ông lẽ ra không nên để ông làm điều đó, theo 3 nguồn thạo tin.
Ông Fitton lập luận rằng những hồ sơ đó thuộc về cựu tổng thống. Judicial Watch cũng khuyên ông Trump không nên giao nộp thêm bất kỳ hồ sơ nào, nếu cơ quan lưu trữ tiếp tục nhắm vào ông.
Trong khi công khai tuyên bố hợp tác với Cơ quan Lưu trữ Quốc gia, cựu tổng thống âm thầm bắt đầu bị "ám ảnh" với lời khuyên của ông Fitton. Ông ngày càng bị thuyết phục rằng mình nên có toàn quyền kiểm soát tài liệu ở Mar-a-Lago.
“Thời điểm những lời của ông Fitton lọt vào tai sếp (ông Trump), mọi chuyện đã tụt dốc từ đó”, một người thân cận với cựu tổng thống nói và yêu cầu giấu tên.
Phản ứng mâu thuẫn
Trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại với CNN, ông Fitton không xác nhận hay phủ nhận các cuộc trò chuyện với ông Trump. Nhưng ông chỉ ra rằng mình đã công khai nhận định cựu tổng thống có quyền giữ các tài liệu mà ông đã mang theo khi kết thúc nhiệm kỳ, vì đó là tài liệu cá nhân.
Cuộc trao đổi giữa ông Trump và ông Fitton đã làm sáng tỏ sự mâu thuẫn trong cách phản ứng của cựu tổng thống về việc thu giữ tài liệu mật.
Trong khi liên hệ riêng với ông Fitton, cựu Tổng thống Trump ngoài mặt vẫn tiếp tục tuyên bố ông đang hợp tác với các quan chức chính phủ.
Tom Fitton - nhà hoạt động bảo thủ nổi tiếng và là người đứng đầu tổ chức Judicial Watch, chuyên theo dõi hoạt động của chính phủ. Ảnh: Flickr. |
Ông Trump không hoàn toàn ngăn cản chính phủ như ông Fitton đã khuyên. Bằng chứng là cựu tổng thống đã chuyển giao một số tài liệu vào tháng 6, sau cuộc họp giữa các luật sư của ông và các nhà điều tra liên bang tại Mar-a-Lago.
Một luật sư của ông Trump tuyên bố tất cả tài liệu tuyệt mật đã được giao nộp. Tuy nhiên, các điều tra viên phát hiện đó không phải sự thật, và tiến hành cuộc khám xét vào ngày 8/8.
Phản ứng ở hậu trường và phản ứng công khai của ông Trump trước việc FBI khám xét khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago cũng cho thấy sự mâu thuẫn tương tự.
Ông Trump cùng các đồng minh ca ngợi sự ủng hộ từ đảng viên Cộng hòa, khi cựu tổng thống tự nhận mình là nạn nhân của "một nhà nước ngầm" - nơi chính quyền bí mật chi phối các hoạt động vì mục đích riêng.
Một số người thân tín của ông Trump thậm chí cho rằng việc bị cáo buộc có thể mang lại lợi thế chính trị cho cựu tổng thống, khi ông chuẩn bị tham gia cuộc tranh cử mới.
Song ở hậu trường, cựu tổng thống và các đồng minh ngày càng lo ngại. Một nguồn tin thân cận nói với CNN rằng ông Trump từng hỏi những người thân tín về khả năng bị khởi tố.
Một cố vấn khác thừa nhận dù ông Trump từng đối mặt nhiều mối đe dọa pháp lý trước đây, vụ việc lần này có vẻ nguy hiểm hơn, đặc biệt khi cựu tổng thống không còn được bảo vệ như lúc đương nhiệm. Phát ngôn viên của ông Trump không trả lời yêu cầu bình luận.
Sai lầm từ đội ngũ pháp lý
Trong khi đó, hành động đáp trả từ đội ngũ pháp lý của ông Trump, bao gồm việc đề nghị tòa án chỉ định chuyên gia đặc biệt giám sát việc kiểm tra tài liệu mật, chỉ khiến tình hình thêm tồi tệ.
Và dù ông Trump kêu gọi công bố bản khai làm căn cứ cho vụ khám xét Mar-a-Lago, các luật sư của ông vẫn chưa thực hiện bất kỳ hành động pháp lý nào để thúc đẩy yêu cầu này.
Ngược lại, Judicial Watch - tổ chức thường xuyên kiện tụng để phơi bày các hoạt động và tài liệu lỏng lẻo của chính phủ - đã đệ trình đơn yêu cầu tòa án công bố bản khai.
Hôm 26/8, Bộ Tư pháp Mỹ đã chủ động công bố phiên bản đã qua kiểm duyệt của bản khai nói trên.
Ông Fitton ngày càng có tiếng nói trong nhóm thân tín của cựu tổng thống. Ông thuyết phục ông Trump rằng án lệ từ vụ kiện giữa Judical Watch và cựu Tổng thống Bill Clinton sẽ mang lại lợi thế cho vị cựu tổng thống.
FBI khám xét dinh thự Mar-a-Lago, ở Florida, vào ngày 8/8. Ảnh: Reuters. |
Cụ thể, vào năm 2012, Judical Watch đã yêu cầu Cơ quan Lưu trữ chỉ định các bản ghi âm giữa cựu Tổng thống Clinton và nhà sử học Taylor Branch là hồ sơ tổng thống, nhằm áp dụng Đạo luật Tự do Thông tin.
Vụ kiện cuối cùng bị một thẩm phán bác bỏ, vì NARA "không có thẩm quyền chỉ định tài liệu làm 'hồ sơ tổng thống'" và "thiếu quyền, nghĩa vụ hoặc phương tiện để kiểm soát chúng".
Mặc dù trường hợp của cựu Tổng thống Clinton không liên quan đến tài liệu mật, ông Fitton vẫn tin rằng đó là cơ sở chứng minh ông Trump có quyền giữ tài liệu.
"Rõ ràng cựu Tổng thống Trump đang bị ngược đãi và Bộ Tư pháp đã thay đổi lập trường từ vụ Clinton", ông Fitton nói với CNN sau khi 15 hộp hồ sơ được trả lại. "Hành động này mâu thuẫn với quan điểm của Bộ Tư pháp trong vụ Clinton - Taylor".
Ngay cả những người thân cận với cựu tổng thống cũng bắt đầu đặt dấu hỏi về năng lực của đội ngũ pháp lý xung quanh ông, đặc biệt là Christina Bobb - một trong những gương mặt đại diện cho nhóm pháp lý của ông Trump sau vụ khám xét Mar-a-Lago.
Trong những lần xuất hiện gần đây trên các phương tiện truyền thông bảo thủ, bà Bobb đã tuyên truyền nhiều thuyết âm mưu về cuộc khám xét Mar-a-Lago, bao gồm cả cáo buộc vô căn cứ rằng FBI ngụy tạo bằng chứng.
Tuần trước, người dẫn chương trình Fox News Laura Ingraham chỉ trích bà Bobb về quyết định không thực hiện bất kỳ động thái nào nhằm yêu cầu công khai bản khai.
"Bà không lo ngại rằng nếu không thúc đẩy công bố đầy đủ bản khai, bà cũng đang đánh mất cơ hội phản đối hoạt động của Bộ Tư pháp sau này?", bà Ingraham hỏi bà Bobb.
Đại diện nhóm pháp lý của ông Trump trả lời rằng đội ngũ đang chờ thêm thông tin.
Phải mất 2 tuần, các luật sư của ông Trump mới chính thức bước vào cuộc chiến pháp lý về lệnh khám xét. Và kể cả khi ấy, đơn yêu cầu tòa án của họ chứa đựng nhiều sai sót pháp lý.
Cuộc chiến chính trị lu mờ xung đột pháp lý
Các cố vấn của ông Trump đã thể hiện rõ họ muốn cuộc chiến này là một cuộc chiến chính trị chứ không phải pháp lý.
Vào tối 22/8, John Solomon, một nhà văn bảo thủ và là một trong những người được ông Trump bổ nhiệm vào Cơ quan Lưu trữ Quốc gia, đã công bố bức thư do cơ quan này gửi đến nhóm pháp lý của ông Trump vào tháng 5.
Khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở Florida. Ảnh: Reuters. |
Bức thư nêu rõ cơ quan lưu trữ đã thu hồi hơn 100 tài liệu mật với tổng số hơn 700 trang, trong đó một số tài liệu có mức độ mật cao nhất.
"Nó cho thấy ông Donald Trump cùng đội ngũ biết họ đang sở hữu một lượng lớn thông tin tuyệt mật", Elie Honig, cựu công tố viên và là nhà phân tích pháp lý của CNN, cho biết. "Bức thư này nói rõ (nhóm của ông Trump) đang cố trì hoãn".
Trong khi nhiều chuyên gia pháp lý có chung quan điểm cho rằng bức thư bất lợi cho ông Trump, cựu tổng thống dường như tin rằng nó thể hiện một chiến thắng chính trị vì giúp chứng minh ông là nạn nhân của "cuộc săn phù thủy".
Ông Trump chỉ ra lá thư đề cập đến liên hệ giữa cơ quan lưu trữ và Nhà Trắng. Cụ thể, văn phòng cố vấn Nhà Trắng đã được hỏi ý kiến về việc cấp quyền cho FBI thu giữ tài liệu từ Mar-a-Lago.
Dù điều đó không liên quan đến lệnh khám xét, các đồng minh của ông Trump vẫn hưởng ứng và tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông bảo thủ.
Trong khi đó, một số tin rằng cựu tổng thống đang an toàn hơn bao giờ hết, ít nhất là về mặt chính trị. Trong những ngày sau cuộc khám xét của FBI, ông Trump đã huy động được hàng triệu USD và sự ủng hộ rộng rãi.
"Các cử tri đảng Cộng hòa nhìn vào (cuộc khám xét) này và nói nếu (FBI) làm điều này với ông Trump, bất kỳ ai cũng có thể rơi vào hoàn cảnh tương tự", một nguồn tin thân cận với ông Trump cho biết. "Đó chính xác là những gì chúng tôi muốn họ nghĩ".