Người biểu tình chặn đường cao tốc nhằm phản đối kế hoạch đại tu tư pháp của chính phủ Thủ tướng Benjamin Netanyahu ở Tel Aviv, Israel, hôm 16/3. Ảnh: AP/Ohad Zwigenberg. |
Phần lớn cuộc sống ở Israel đã dừng lại vào ngày 27/3. Các bệnh viện ngừng cung cấp dịch vụ chăm sóc không khẩn cấp, máy bay tạm dừng tại sân bay chính, các trung tâm thương mại và ngân hàng cũng đóng cửa.
Sự gián đoạn xuất phát từ phong trào biểu tình ngày càng gay gắt phản đối kế hoạch đại tu tư pháp của chính phủ, vốn đang đẩy Israel vào một trong những cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng nhất từ trước đến nay.
Không có ăn mừng
Cuộc sống hàng ngày bị gián đoạn là dấu hiệu mới nhất cho thấy Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã đánh giá thấp sự phẫn nộ của người dân đối với những thay đổi do chính phủ đề xuất.
Để đối phó với tình hình hỗn loạn, ông Netanyahu đã nhượng bộ một phần. Hôm 27/3, thủ tướng Israel thông báo sẽ trì hoãn kế hoạch cải cách cho đến cuối năm nay. Bước đi này đã xoa dịu một số người biểu tình và các công đoàn đã ngừng đình công, song vẫn chưa rõ điều gì sẽ xảy ra trong những tuần tới.
Yaniv, cư dân thành phố Tel Aviv và là người đã tham gia biểu tình trong 3 tháng qua, đã trở lại phố Kaplan - tuyến đường huyết mạch của các cuộc biểu tình chống chính phủ - để biểu tình bất chấp quyết định nhượng bộ của thủ tướng. Anh cho biết sự rạn nứt hiện tại của Israel là “cuộc khủng hoảng lớn nhất trong đời tôi”.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục cho đến khi có điều gì đó thay đổi. Họ không cho chúng tôi lựa chọn nào khác”, anh nói thêm.
Người Israel chặn đường cao tốc chính ở Tel Aviv hôm ngày 16/3. Ảnh: AP/Oded Balilty. |
Sau thông báo trì hoãn của Thủ tướng Netanyahu, những người biểu tình xuống phố với một tâm trạng khác. Họ cho rằng nỗ lực của họ có thể thực sự thành công.
“Bạn có thể thấy tiếng nói tự do, vốn im lặng quá lâu, nay đã quay lại đường phố và trở thành xu hướng. Có vẻ như (chúng tôi) đã truyền tải thông điệp thành công”, Ben Luria, cư dân từ Jaffa đang biểu tình ở Tel Aviv, cho biết.
Song anh nhấn mạnh chiến thắng tạm thời này không thể giảm bớt căng thẳng. “Vấn đề không còn chỉ là ông Bibi (biệt danh của Thủ tướng Netanyahu). Một nhà độc tài đang hình thành và chúng ta cần đặt ra giới hạn”, anh nói thêm.
Ngay cả khi người Israel đang dõi theo màn hình TV chờ nghe ông Netanyahu tuyên bố đình chỉ cuộc cải cách, Daria, người nhập cư vào Israel không hy vọng ông Netanyahu sẽ thay đổi hướng đi.
Theo Jewish Journal, mặc dù đang trên đỉnh chiến thắng đầu tiên, nhiều người biểu tình cũng không có tâm trạng ăn mừng. Họ cho biết thời gian trì hoãn mà ông Netanyahu đưa ra chỉ là một bước lùi nhỏ, không thể xoa dịu cảm giác phẫn nộ tích tụ suốt 3 tháng qua.
“Cảm giác của tôi, hay cha mẹ và ông bà tôi, (là) nơi đây không có tương lai. Tôi không biết liệu mình có nên nuôi dạy con cái ở đây hay không”, Yotam Weingrad nói.
Tương tự Weingrad, Daria cũng đang cân nhắc quyết định rời đất nước. “Tôi lớn lên trong một gia đình hiểu rõ cảm giác sống dưới sự áp bức, và tôi cảm thấy chúng ta có trách nhiệm ngăn chặn điều đó. Nhưng nếu tình hình trở nên khó khăn, nếu không có gì thay đổi, tôi sẽ đưa ra quyết định như cha mẹ tôi đã làm - các con tôi sẽ không sống trong một chế độ độc tài”, cô nói.
Mối lo ngại về lợi ích
Israel phải đối mặt với sự chia rẽ chính trị sâu sắc với 5 cuộc bầu cử trong 4 năm qua, và cuộc chiến cải cách tư pháp cho thấy sự mâu thuẫn vẫn tồn tại. Trong hai ngày qua, phe đối lập đã sử dụng toàn bộ quyền lực, đe dọa đóng cửa nền kinh tế trừ khi quan điểm của họ được cân nhắc.
“Đó là một cuộc đối đầu mạo hiểm”, Patrick Kingsley, nhà báo phụ trách các vấn đề về Jerusalem của tờ Times, nhận định. “Phe đối lập lo ngại cuộc đại tu này có thể được khôi phục vào một ngày nào đó. Các cử tri cánh hữu có cảm giác lá phiếu của họ không được tôn trọng”.
Người dân dõi theo thông báo của Thủ tướng Netanyahu tại Tel Aviv. Ảnh: New York Times. |
Theo New York Times, chiến thắng của những người biểu tình ở Israel là nhờ đoàn kết các bộ phận có ảnh hưởng trong xã hội, bao gồm trường đại học, công đoàn và quân nhân dự bị - những người đóng vai trò chủ chốt trong quân đội.
Sự hậu thuẫn của các tổ chức này thường là yếu tố then chốt quyết định thành công hay thất bại của phong trào phản kháng.
“Sự hỗ trợ từ các tổ chức này có thể là cách giúp các cuộc biểu tình giành được đòn bẩy với giới lãnh đạo, nhờ chia rẽ các nhóm ưu tú”, cây bút Amanda Taub của tờ New York Times viết.
Quan trọng hơn, sự phản đối từ bên trong quân đội vượt ra ngoài hệ tư tưởng. Các binh sĩ và quân nhân dự bị lập luận rằng nếu quyền lực của tòa án suy yếu, các quan chức nhiều khả năng sẽ đưa ra mệnh lệnh bất hợp pháp và khiến các binh sĩ bị truy tố trước tòa án quốc tế.
“Chính phủ khó xoa dịu mối lo ngại về lợi ích hơn so với mâu thuẫn về ý thức hệ và chính trị”, Taub viết.
Quyết định trì hoãn có thể làm dịu tình hình, nhưng cũng có khả năng dẫn đến bất ổn chính trị lớn hơn: Liên minh của ông Netanyahu chiếm đa số trong Quốc hội với tỷ lệ chênh lệch thấp và có thể sụp đổ nếu các đồng minh cánh hữu cho rằng ông đang “nuốt lời”. Và điều đó có nghĩa Israel sẽ phải trải qua cuộc bầu cử thứ sáu kể từ năm 2019.
Mặt khác, việc khôi phục lại cuộc đại tu có thể khiến các cuộc biểu tình tái diễn và gây chia rẽ chính phủ. Cả hai lựa chọn đều có nguy cơ khiến ông Netanyahu đánh mất quyền lực.
Vấn đề Trung Đông
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Châu Phi - Trung Đông: Những vấn đề chính trị và kinh tế nổi bật". Cuốn sách giới thiệu cuộc cải cách thể chế chính trị và kinh tế ở châu Phi và Trung Đông từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay. Cuốn sách bao trùm nhiều vấn đề về sắc tộc, khả năng giải quyết mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, chính sách của các nước lớn, dầu mỏ, khí đốt ở hai khu vực này…
>>Độc giả có thể đọc thêm tại đây.