Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: Reuters. |
Trong 48 giờ trước khi Thủ tướng Benjamin Netanyahu tuyên bố hoãn kế hoạch đại tu tư pháp của Israel, chính quyền Tổng thống Joe Biden liên tục đưa ra những lời cảnh báo rằng danh tiếng của quốc gia Trung Đông đang bị đe dọa.
Ngay sau khi ông Netanyahu sa thải bộ trưởng Quốc phòng, Nhà Trắng cũng lưu ý Tổng thống Biden đã đàm phán với ông Netanyahu qua điện thoại một tuần trước, trong đó ông nhấn mạnh các giá trị dân chủ “luôn luôn là dấu ấn của quan hệ Mỹ - Israel”, theo Guardian.
Ông Biden khẳng định những thay đổi lớn trong hệ thống tư pháp chỉ “có thể diễn ra với sự ủng hộ rộng rãi nhất có thể”.
Theo New York Times, thông báo này là một động thái bất thường. Trước đây, Nhà Trắng - dù dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng hòa hay đảng Dân chủ - đều tránh can thiệp công khai vào vấn đề nội bộ của các đồng minh. Thay vào đó, mọi thứ diễn ra phía sau hậu trường.
Tuy nhiên, trong trường hợp này, ông Biden và các cố vấn đã công khai mâu thuẫn với ông Netanyahu.
Lời cảnh báo của ông Biden
Cuối tuần qua, Đại sứ Mỹ tại Israel Thomas R. Nides đã chuyển các thông điệp từ ông Biden và cố vấn đến chính phủ Thủ tướng Netanyahu. Ông Brett McGurk, quan chức hàng đầu về Trung Đông tại Nhà Trắng, cũng thường xuyên liên lạc với Đại sứ Israel tại Mỹ Michael Herzog.
Đến tối 26/3, các quan chức Nhà Trắng đưa ra hai kết luận. Đầu tiên, ông Netanyahu đã tính toán sai lầm khi sa thải Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant, người công khai kêu gọi đình chỉ kế hoạch cải cách.
Đại sứ Mỹ tại Israel Thomas R. Nides. Ảnh: AP. |
Thứ hai, ông Netanyahu đang tìm cách thoát khỏi cuộc khủng hoảng và lợi dụng lý do không muốn đánh mất sự ủng hộ của đồng minh quan trọng nhất là Mỹ, để thuyết phục những người ủng hộ.
Một quan chức tiết lộ ông Netanyahu cảnh báo Israel có thể sớm đối mặt một cuộc khủng hoảng với Iran và rằng ông không thể bị Washington xa lánh.
Do đó, khi Thủ tướng Netanyahu tuyên bố hoãn cải cách để “dành thời gian đối thoại”, các quan chức coi đây là một thông điệp gửi tới các thành viên cực hữu trong liên minh, rằng ông Netanyahu không có lựa chọn nào khác.
Một quan chức cấp cao cho biết Thủ tướng Netanyahu đã tự đặt mình vào thế khó, khi nói với các quan chức Mỹ và công chúng Israel rằng ông đang tìm kiếm sự thỏa hiệp, nhưng vẫn cố giữ sự ủng hộ từ các thành viên liên minh cánh hữu để duy trì quyền lực.
Điểm mấu chốt của cuộc tranh luận là về bản chất của nền dân chủ, liên quan đến những vấn đề mà ông Netanyahu trước đây dường như chưa bao giờ đặc biệt quan tâm, nhưng hiện ông buộc phải thay đổi để duy trì liên minh cánh hữu.
Tuy nhiên, đối với những người phản đối, kế hoạch cải cách đang trao quyền lực không thể kiểm soát vào tay chính phủ. Cuộc đại tu cũng được đề xuất khi ông Netanyahu đang hầu tòa về tội tham nhũng và một số người lo ngại vị thủ tướng có thể lợi dụng những thay đổi này để thoát khỏi các rắc rối pháp lý.
Toan tính của Mỹ
Tuy nhiên, chính quyền ông Biden cũng có một mối quan tâm cấp bách hơn. Một quan chức cho biết ông Netanyahu dự kiến tham gia Hội nghị thượng đỉnh vì dân chủ lần thứ hai của ông Biden trong tuần này.
Ông Netanyahu khó có thể phát biểu tại hội nghị khi hàng trăm nghìn người Israel đang biểu tình phản đối chính phủ.
Dennis Ross, nhà đàm phán về vấn đề Trung Đông lâu năm, không chắc những lời cảnh báo của ông Biden có vai trò như thế nào với quyết định của chính phủ Israel, vì “áp lực từ bên trong quan trọng hơn nhiều so với bên ngoài”.
Người biểu tình phản đối cuộc đại tu tư pháp tại Tel Aviv. Ảnh: New York Times. |
Song vị chuyên gia lưu ý một khi ông Gallant công khai việc quân nhân dự bị tẩy chay nhiệm vụ huấn luyện, thì phản ứng với sáng kiến lập pháp của ông Netanyahu đã trở thành một vấn đề an ninh quốc gia.
Ông Netanyahu có thể tranh luận rằng “mối đe dọa hạt nhân từ Iran đang trở nên gay gắt hơn và Israel không thể để Mỹ lùi bước vì cải cách tư pháp”.
Ông Biden luôn khẳng định tách biệt các vấn đề về quốc phòng của Israel với những bất đồng về thể chế dân chủ với ông Netanyahu.
Song đằng sau hậu trường, Quốc hội Mỹ vẫn còn nhiều tranh cãi về việc ủng hộ Israel, đặc biệt là khi phe tiến bộ của đảng Dân chủ đang nghi ngờ sự khôn ngoan của Mỹ trong hoạt động viện trợ.
Ông John F. Kirby, phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, cũng nói với phóng viên rằng ông Biden “rất thẳng thắn với Thủ tướng Netanyahu”, theo Reuters.
Tổng thống Mỹ khẳng định các nền dân chủ “được củng cố bởi sự cân bằng, vì thực tế là bất kỳ thay đổi cơ bản nào với hệ thống dân chủ phải dựa trên sự ủng hộ rộng rãi nhất có thể”.
Khi quyết định nhượng bộ của ông Netanyahu được lan truyền ở Washington, câu hỏi đặt ra là nhà lãnh đạo Israel có thể trụ được bao lâu. Một số quan chức cho rằng danh tiếng của ông Netanyahu về sự nhạy bén chính trị và khả năng thúc đẩy thỏa hiệp đã suy giảm. Và cơ hội mà liên minh của ông nắm giữ dường như rất mong manh.
Vấn đề Trung Đông
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Châu Phi - Trung Đông: Những vấn đề chính trị và kinh tế nổi bật". Cuốn sách giới thiệu cuộc cải cách thể chế chính trị và kinh tế ở châu Phi và Trung Đông từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay. Cuốn sách bao trùm nhiều vấn đề về sắc tộc, khả năng giải quyết mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, chính sách của các nước lớn, dầu mỏ, khí đốt ở hai khu vực này…
>>Độc giả có thể đọc thêm tại đây.