Patrice Lumumba bị bắn chết vào năm 1961 với sự hậu thuẫn ngầm của thuộc địa cũ là Bỉ. Thi thể của ông Lumumba được chôn trong một ngôi mộ nông. Sau đó, ngôi mộ nhiều lần bị đào lên, di chuyển, và chia cắt thành nhiều mảnh. Cuối cùng, chúng bị tiêu hủy trong axít.
Ủy viên cảnh sát Bỉ, Gerard Soete, người giám sát và tham gia vào việc tiêu hủy hài cốt, thừa nhận đã lấy chiếc răng. Ông cũng nói về vị trí chiếc răng thứ hai và hai ngón tay của hài cốt, nhưng chúng vẫn chưa được tìm thấy.
Mang hài cốt về nhà làm kỷ vật
Theo BBC, chiếc răng đã được trả lại cho gia đình trong buổi lễ ở Brussels.
Chiếc răng vàng còn sót lại của Patrice Lumumba. Ảnh: BBC. |
Việc Soete tự ý mang hài cốt về nhà làm kỷ vật là hành động phổ biến của các quan chức thuộc địa châu Âu trong nhiều thập kỷ. Đây cũng là hành động sỉ nhục Lumumba mà người Bỉ phỉ báng lên ông.
Soete, xuất hiện trong một bộ phim tài liệu vào năm 1999, mô tả chiếc răng và ngón tay mà ông có là "chiến tích đi săn". Ngôn ngữ của viên cảnh sát người Bỉ đã vật thể hóa Lumumba, người đấu tranh cho độc lập của châu Phi.
“Phải ghét bỏ như thế nào ông ấy mới dám làm vậy. Hành động của ông ta gợi nhớ về những tội ác dưới thời Đức Quốc xã. Họ lấy những mảnh thân thể của con người. Đó là tội ác chống lại nhân loại?”, bà Juliana - con gái của Lumumba - nói với BBC.
Vào tháng 6/1960, tại lễ bàn giao quyền lực, Vua Bỉ Baudouin ca ngợi chính quyền thuộc địa và nói về tổ tiên của ông, Léopold II, là "người mang văn minh" đến đất nước.
Vị vua không đề cập đến hàng triệu người đã chết trong thời gian ông trị vì. Sau này, Nhà nước Tự do Congo được đề cập đến như thể tài sản cá nhân của ông.
Bỉ thất bại trong việc thừa nhận về quá khứ đen tối này. Gần đây, những câu chuyện bị phủ nhận mới được kể lại.
Tiếng nói tự do của Lumumba
Trong bài phát biểu không được lên lịch trong chương trình chính thức, Thủ tướng Lumumba đã nói về tình trạng bạo lực và suy thoái mà người Congo phải gánh chịu.
Kết bài phát biểu, vị thủ tướng nhận được những tràng pháo tay và hoan nghênh nhiệt liệt khi nói: “Chế độ nô lệ đầy nhục nhã đã dùng vũ lực áp đặt lên chúng ta".
Theo học giả Ludo De Witte, người viết sách về vụ ám sát ông Lumumba, kết luận này khiến người Bỉ sửng sốt.
Trước đây, chưa từng có một người châu Phi nào dám nói như vậy trước mặt người châu Âu. Báo chí Bỉ coi Lumumba là "tên trộm mù chữ". Hành động của ông đã làm bẽ mặt nhà vua và các quan chức Bỉ khác.
Ông Patrice Lumumba được bầu làm thủ tướng đầu tiên của Congo năm 1960. Ảnh: BBC. |
Một số người cho rằng với bài phát biểu của mình, Lumumba đã tự ký lệnh tử hình cho bản thân. Tuy nhiên, vụ ám sát ông cũng được đặt trong bối cảnh các cuộc điều động thời Chiến tranh Lạnh và mong muốn duy trì quyền kiểm soát của người Bỉ.
Người Mỹ cũng âm mưu giết ông vì mong muốn ngăn cản khuynh hướng hướng về Liên Xô và chủ nghĩa chống thực dân. Một quan chức Anh cũng từng viết lại rằng ám sát ông là một lựa chọn.
Xóa bỏ ký ức về Lumumba
Việc phá hủy cơ thể Lumumba cũng là cách để xóa tiếng tăm của ông ra khỏi ký ức của lịch sử. Không có đài tưởng niệm nào tạc lại hình ảnh ông nhằm phủ nhận sự tồn tại của người hùng này.
Tuy nhiên, Lumumba vẫn được nhớ đến.
Juliana, con gái ông, nở nụ cười ấm áp khi nhớ lại những kỷ niệm thời thơ ấu của mình. Là con út và con gái duy nhất trong gia đình, cô rất thân thiết với cha.
Bà chưa đầy năm tuổi khi cha trở thành thủ tướng. Bà nhớ mình được phép vào văn phòng của cha và “chỉ ngồi và nhìn cha khi ông đang làm việc”.
Hơn nữa, bà cho rằng cha “thuộc về đất nước bởi ông đã chết vì Congo và vì các giá trị và niềm tin của chính ông về phẩm giá của người châu Phi".
Bà tin rằng việc bàn giao chiếc răng ở Bỉ và mang trở lại Congo chỉ mang tính biểu tượng.
“Những thứ còn sót lại là không đủ. Cha cần phải trở về đất nước của mình, nơi máu của cha đã đổ ra”, bà Juliana nói.
Chiếc răng của Lumumba sẽ được đưa đi khắp nơi trên đất nước trước khi an táng tại thủ đô.
Hành trình của Lumumba từ thủ tướng trở thành nạn nhân của vụ ám sát chỉ mất chưa đầy bảy tháng.
Ngay sau độc lập, đất nước phải chịu cuộc khủng hoảng ly khai tỉnh Katanga, phía đông nam, giàu khoáng sản. Tỉnh này tuyên bố tách ra khỏi Congo.
Trong cuộc hỗn loạn chính trị, quân đội Bỉ được gửi đến với lý do bảo vệ công dân Bỉ. Tuy nhiên, trên thực tế, họ hỗ trợ chính quyền Katanga.
Lumumba bị tổng thống bãi nhiệm chức vụ thủ tướng. Hơn một tuần sau, tham mưu trưởng quân đội Col Joseph Mobutu lên nắm quyền.
Lumumba sau đó bị quản thúc tại gia, trốn thoát và bị bắt lại vào tháng 12 năm 1960, trước khi bị giam giữ ở phía tây đất nước.
Giam giữ Lumumba tại phía tây có thể gây bất ổn chính trị. Chính phủ Bỉ đã khuyến khích chuyển giao ông đến Katanga.
Trong chuyến bay đến Katanga ngày 16/1/1961, ông đã bị hành hung.
Patrice Lumumba (phải) và đồng đội Joseph Okito (trái) bị bắt vào tháng 12 năm 1960. Ảnh: BBC. |
Chiếc răng và phiên tòa công lý
Cuối cùng, ông bị tuyên án xử bắn vào ngày 17/1 cùng với hai đồng đội. Đây là lúc ủy viên cảnh sát Soete bước vào. Tin rằng các thi thể có thể bị phát hiện, theo lời khai được trích dẫn trong cuốn sách “Vụ ám sát của Lumumba” của De Witte, chính quyền quyết định "khiến chúng biến mất mãi mãi! Không được để lại dấu vết".
Được trang bị cưa, axit sulfuric, khẩu trang và rượu whisky, Soete dẫn đầu đội xử lý những vấn đề hậu xử bắn. Ông mô tả đó là hành trình "xuống vực sâu của địa ngục".
Tuy nhiên, gần 40 năm sau, vào năm 1999, ông mới công khai thừa nhận liên quan đến vụ việc. Lúc đó, ông vẫn đang giữ một chiếc răng khểnh. Ông nói rằng ông cũng đã loại bỏ các bộ phận cơ thể khác.
Bà Lumumba thở dài ngao ngán khi hay tin một phần cơ thể cha vẫn còn tồn tại.
Không ai biết Soete đã làm gì với chiếc răng. Một bức ảnh cho thấy nó đã nằm trong hộp đệm. Không ai rõ nó có được trưng bày hay không.
Một bức ảnh trong album ảnh của Godelieve Soete cho thấy cha cô, Gerard, ở bên phải cùng với anh trai của ông, Michel, người cũng tham gia vào việc tiêu hủy các thi thể. Ảnh: BBC. |
Câu chuyện về chiếc răng lại nổi lên vào năm 2016 khi con gái của Soete, Godelieve, trả lời phỏng vấn tạp chí Humo của Bỉ, xuất bản ngay trước lễ kỷ niệm 55 năm ngày Lumumba bị giết.
Cô nói về “người cha tội nghiệp” vì đau khổ do những gì ông đã gây ra. Cô Soete cho rằng gia đình cô nên nhận được lời xin lỗi về lệnh mà chính quyền Bỉ đã đưa ra cho cha cô.
Cô cho biết cha cô có một kho lưu trữ riêng. Sau khi ông qua đời vào năm 2000, nhiều kỷ vật đã bị vứt bỏ. Cô đáng lẽ “có thể giữ lại những thứ thú vị”.
Trong số những thứ thú vị đó, cô mang chiếc răng ra để cho người phỏng vấn và nhiếp ảnh gia xem.
Sau đó, De Witte đệ đơn khiếu nại và chiếc răng bị cảnh sát Bỉ thu giữ. Cuộc chiến pháp lý kéo dài 4 năm. Cuối cùng, tòa án phán quyết rằng chiếc răng nên được trả lại cho gia đình Lumumba.
Trong chiến dịch lấy lại chiếc răng, bà Lumumba đã viết bức thư ngỏ đầy cảm động và thơ mộng cho Vua Philippe.
“Tại sao sau vụ giết người khủng khiếp, hài cốt của Lumumba lại bị kết án là linh hồn mãi mãi lang thang, không một ngôi mộ che chở cho nơi an nghỉ vĩnh hằng của mình?”, bà hỏi.
Chiếc răng trở về thủ đô Kinshasa, cựu thủ tướng sẽ có nơi an nghỉ cuối cùng trong một lăng tẩm đặc biệt tại đây.
"Trong nền văn hóa của mình, chúng tôi thường chôn cất những người đã khuất. Đó là niềm an ủi cho gia đình và người dân Congo vì Lumumba là anh hùng của chúng tôi. Chúng tôi muốn chôn cất ông ấy tử tế", nhà sử học Congo và đại sứ Liên Hợp Quốc của nước này, Georges Nzongola-Ntalaja cho biết.
Cần nhìn lại quá khứ
Cuốn sách của De Witte dẫn đến cuộc điều tra của quốc hội năm 1999 với nhiệm vụ xác định "hoàn cảnh chính xác của vụ ám sát và sự liên quan có thể có của các chính trị gia Bỉ".
Trong kết luận của mình hai năm sau, cuốn sách viết rằng "các chuẩn mực của sự đúng đắn về mặt chính trị quốc tế là khác nhau" vào những năm 1960. Mặc dù không phát hiện ra tài liệu nào ra lệnh giết Lumumba, cuộc điều tra cho thấy một số thành viên của chính phủ "phải chịu trách nhiệm về mặt đạo đức đối với các trường hợp dẫn đến cái chết".
Bộ trưởng ngoại giao Bỉ khi đó, Louis Michel, sau đó bày tỏ "lời xin lỗi" và sự tiếc thương "sâu sắc và chân thành" tới gia đình Lumumba và người dân Congo.
Giáo sư Nzongola-Ntalaja, nói với BBC với tư cách cá nhân, không tin rằng Bỉ đã hoàn toàn chấp nhận vai trò của mình trong vụ giết người.
“Bỉ từ chối chịu trách nhiệm về điều mà họ biết là họ đã làm - vì vậy lời xin lỗi không hoàn toàn thỏa đáng”, ông nói.
Các công tố viên Bỉ đang coi vụ giết người là tội ác chiến tranh. 10 trong số 12 nghi phạm được xác định đã chết. Một thập kỷ sau, cuộc điều tra vẫn tiến triển rất chậm.
Việc bàn giao chiếc răng sẽ là một yếu tố quan trọng trong quá trình tiến tới hòa giải giữa Bỉ và Cộng hòa Congo về thời kỳ thuộc địa và cái chết của Lumumba.
"Đó là bước đầu. Chúng ta cần phải đi xa hơn", con gái của Lumumba cho biết.
Tuy nhiên, bà cho rằng Congo cần tính toán kỹ vì một số đồng hương cũng có liên quan đến cái chết của cha bà.
"Chúng ta phải chấp nhận lịch sử của mình - cả mặt tốt và mặt xấu của nó. Chúng ta cần biết quá khứ của mình, để xây dựng tương lai và sống trong hiện tại", bà Lumumba nói.
Việc chôn cất chiếc răng - được lên kế hoạch trùng với lễ kỷ niệm 61 năm bài phát biểu ngày độc lập nổi tiếng của Lumumba - sẽ mang đến cơ hội để nhìn lại quá khứ đó.