Người Hồi giáo ở San Bernardino tưởng niệm các nạn nhân vụ xả súng. Ảnh: AFP |
Ông Abed Ayoub, giám đốc Ủy ban chống kỳ thị người Mỹ - Arab, ngày 4/12 đề nghị tổ chức cuộc họp về những biện pháp bảo vệ an toàn cho cộng đồng Hồi giáo sau vụ xả súng ở thành phố San Bernardino khiến 14 người chết và 21 người bị thương. "Nỗi lo sợ về sự trả thù là có thật, và đó là thực tế mà chúng tôi đang đối mặt", ông Ayoub nói.
Theo AFP, hiện nhà chức trách chưa ghi nhận trường hợp tấn công trả đũa nào đối với người Hồi giáo; đặc biệt từ sau khi cảnh sát công bố danh tính nghi phạm là cặp vợ chồng theo đạo Hồi. Tuy nhiên, ông Ayoub nói cộng đồng vẫn nâng cao cảnh giác. "Chúng tôi phải vô cùng cẩn thận, từ sau vụ khủng bố ở Paris và thảm kịch mới đây".
Các chức sắc Hồi giáo ở San Bernardino cũng bày tỏ sự kinh hoàng về vụ xả súng. CNN dẫn thông báo của cảnh sát cho biết, tên Syed Farook đã trở nên cực đoan sau khi tiếp xúc với những phần tử khủng bố nước ngoài. Tuy nhiên, tu sĩ tại một nhà thờ mà Farook đến cầu nguyện đã phủ nhận chuyện này.
"Chúng tôi không thấy cậu ấy có biểu hiện của sự cực đoan. Hơn nữa, nếu ai đó có hành động điên cuồng thì anh ta cũng không phải là đại diện cho một tôn giáo", thầy tế Mahmood Nadvi nói.
Nhà chức trách cho biết nghi phạm gây ra vụ xả súng là hai vợ chồng theo đạo Hồi. Ảnh: Reuters |
Theo ông Nadvi, nhà thờ đã nhận nhiều tin nhắn đe dọa tấn công sau khi vụ xả súng xảy ra. Do vậy, ông đã yêu cầu cảnh sát địa phương bảo vệ an ninh vào những buổi cầu nguyện.
Gasser Shehata, 42 tuổi, quả quyết rằng động cơ tấn công của nghi phạm Farook liên quan đến những tranh chấp ở môi trường làm việc. "Chúng tôi không thể tin cậu ấy gây ra việc này với lý do nhân danh đạo Hồi. Cậu ấy là người điềm tĩnh, ít nói. Tôi chưa từng thấy Farook tỏ ra thiếu nhã nhặn với ai. Farook đã kết hôn, có con gái và vừa trúng số 77.000 USD năm ngoái. Cậu ấy có mọi lý do để hạnh phúc".
Cộng đồng Hồi giáo ở San Bernardino ngày 3/12 tổ chức buổi cầu nguyện để tưởng niệm các nạn nhân. "Chúng tôi mạnh mẽ lên án vụ tấn công kinh hoàng và vô nghĩa này", ông Ahsan Khan, một chức sắc đạo Hồi ở thành phố nói.