Đặc vụ FBI điều tra hiện trường tai nạn. Ảnh: AP |
Nhà chức trách đang điều tra tác động của những cuộc đàm thoại với tư tưởng cực đoan của Syed Rizwan Farook, AP đưa tin.
Nghị sĩ Adam Schiff, thành viên Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ, cho rằng, còn quá sớm để kết luận một trong những kẻ thực hiện vụ xả súng là phần tử cực đoan. Theo ông Schiff, vụ xả súng làm 14 người thiệt mạng có thể dính líu tới chủ nghĩa khủng bố hoặc đơn thuần là vì bạo lực hay có thể là sự kết hợp của cả 2 yếu tố.
Hiện tại, các điều tra viên của Mỹ đang truy xét các mối quan hệ của nghi can trên mạng xã hội hoặc các kênh khác nhằm tìm kiếm các mối liên hệ với chủ nghĩa khủng bố trong và ngoài nước Mỹ. Tuy nhiên, ông Schiff cũng khẳng định rằng chính quyền liên bang chưa có đủ bằng chứng để kết luận Syed Rizwan Farook tấn công khủng bố.
Kuuleme Stephens, một nhân chứng cho biết, bạn của bà và Farook có cuộc thảo luận sôi nổi về đạo Hồi 2 tuần trước. Tuy nhiên, người bạn của Stephens cho rằng Farook tin Hồi giáo là một tôn giáo hòa bình và người Mỹ không hiểu được nó.
Trong khi đó, vợ của một trong những nghi can thực hiện vụ xả súng làm 14 người thiệt mạng có hộ chiếu Pakistan. Cô ta đến Mỹ bằng visa dành chơ vợ công dân Mỹ trong tháng 7/2014. Tại hiện trường, cảnh sát thu được 1.600 viên đạn bên trong chiếc xe hơi của những kẻ khủng bố.
Trong phát biểu về vụ tấn công ở San Bernardino, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng không loại trừ khả năng khủng bố.
"Rất có thể thảm kịch này liên quan đến khủng bố. Tuy nhiên đây là điều chúng tôi vẫn chưa biết rõ. Nó cũng có thể phát sinh từ những vấn đề trong môi trường làm việc", Tổng thống Obama nói.
Ba tay súng mang vũ khí và có thể mặc áo chống đạn, đã tấn công Trung tâm Vùng nội địa, một tổ chức y tế phi lợi nhuận ở thành phố San Bernardino, bang California. Ít nhất 14 người thiệt mạng và 17 người bị thương sau vụ việc, theo các nhà chức trách thành phố.