Khu đất rộng hơn 11.000 m2 từng được cả người Hindu giáo và Hồi giáo tuyên bố sở hữu là địa điểm của một nhà thờ Hồi giáo thế kỷ 16 bị phá hủy vào năm 1992 tại Ayodhya, thị trấn thuộc bang Uttar Pradesh.
Nhưng trong một phán quyết áp đảo hôm 9/11, Tòa Tối cao của Ấn Độ cho phép xây dựng ngôi đền Hindu cho thần Ram tại địa điểm này, đồng thời cho các đại diện Hồi giáo một khu đất rộng hơn 20.000 m2 trong thị trấn.
Nhân viên an ninh đứng bảo vệ trên đường phố Ayodhya ngày 7/11, trước phán quyết của Tòa án Tối cao về tương lai của địa điểm của nhà thờ Hồi giáo Babri thế kỷ 16. Ảnh: AFP/Getty. |
Theo CNN, để dàn xếp tuyên bố quyền sở hữu, Tòa án Tối cao đã được yêu cầu xem xét các văn bản cổ, một cuốn nhật ký 500 năm được viết bởi một vị hoàng đế Mughal, sổ tay từ các thương nhân thời trung cổ, cũng như các điều tra thời kỳ thuộc địa và tài liệu khảo cổ.
Sự phá hủy nhà thờ Hồi giáo Babri Masjid của những kẻ cực đoan Hindu giáo năm 1992 đã gây ra những vụ bạo lực tồi tệ nhất ở Ấn Độ kể từ khi độc lập, với hơn 2.000 người thiệt mạng trên toàn quốc.
Hàng chục ngôi đền và nhà thờ Hồi giáo cũng bị nhắm tới trong một loạt cuộc tấn công trả thù của người theo đạo Hindu và đạo Hồi.
Kể từ đó, đã có những lời kêu gọi xây dựng ngôi đền Hindu trên địa điểm tranh cãi, một yêu cầu gây lo ngại sẽ gây ra bạo lực giữa các tôn giáo.
Trong những tháng trước phán quyết, chính quyền đã áp đặt hạn chế khẩn cấp ở Ayodhya, cấm các cuộc tụ họp công cộng của bốn người trở lên.
An ninh đã được tăng cường trên toàn khu vực, đặc biệt ở các huyện gần Ayodhya. Cảnh sát, các nghị sĩ cấp cao, thủ lĩnh tôn giáo và các nhóm hoạt động đều kêu gọi bình tĩnh và hòa bình. Mạng xã hội bị theo dõi để tránh thông tin sai lệch kích động bạo lực.
Babri Masjid được xây dựng trên khu vực tranh chấp ở Ayodhya vào thế kỷ 16 và thị trấn đã là một điểm sáng tôn giáo trong hơn 400 năm.