Cộng đồng Cơ đốc giáo bên hồ Toba chống lại chủ nghĩa bảo thủ tôn giáo đang gia tăng của Indonesia với lễ hội hai ngày bao gồm trò bịt mắt bắt lợn, đua lợn và nướng thịt lợn.
|
Indonesia, quốc gia Hồi giáo đông dân nhất thế giới, dường như là nơi ít có khả năng tổ chức lễ hội về lợn nhất. Nhưng tháng trước, bên bờ hồ Toba của Sumatra, hơn 1.000 người đã tụ tập để đua lợn, chụp ảnh với lợn và tham gia các cuộc thi về lợn. Họ cũng đến để ăn món ngon địa phương - thịt lợn nướng. Điểm nổi bật của lễ hội là cuộc thi bịt mắt bắt lợn.
|
|
Một thí sinh trong cuộc đua lợn. Lễ hội không chỉ tôn vinh lợn. Đó cũng là cách để cộng đồng Cơ đốc giáo lớn trong khu vực đẩy lùi các nỗ lực cấm đoán của chính phủ nhằm thúc đẩy Hồi giáo bảo thủ trên khắp đất nước và tại quê nhà của họ.
|
|
Du khách đổ xô đến chụp ảnh tại trung tâm của lễ hội. Những tháng gần đây, xu hướng bảo thủ tôn giáo nổi lên với dự luật cấm quan hệ tình dục trước hôn nhân và việc chính phủ đẩy mạnh "du lịch halal", các kỳ nghỉ bao gồm các hoạt động và thực phẩm được cho phép theo luật Hồi giáo.
|
|
Nhiều người Batak bản địa theo đạo Cơ đốc, tín ngưỡng thiểu số ở Indonesia. Hồ Toba, hồ núi lửa lớn nhất thế giới, là trung tâm lịch sử của người Batak bản địa Indonesia. Khu vực này cũng đã được chính phủ chỉ định là một trong những trọng điểm du lịch tiếp theo của đất nước.
|
|
Tofu Simorangkir, nhà sinh vật học và nông dân, là người đầu tiên đề xuất lễ hội. "Du lịch là về hạnh phúc. Du lịch là về niềm vui. Du lịch không phải là về tôn giáo", ông nói với New York Times. Indonesia thu hút số lượng khách du lịch nước ngoài kỷ lục trong năm 2018. Trong số 15,8 triệu du khách, nhóm lớn nhất đến từ Malaysia, cũng là một quốc gia đa số Hồi giáo. Nhóm lớn thứ hai từ Trung Quốc, đất nước yêu thích thịt lợn, nơi đạo Hồi chiếm thiểu số.
|
|
Ông Simorangkir và các tín đồ Cơ đốc Batak khác cho biết họ phẫn nộ với kế hoạch của chính phủ để kìm hãm truyền thống của họ, bao gồm việc ăn thịt lợn, nhằm chiều lòng khách du lịch Hồi giáo. Họ cho biết các lãnh đạo Hồi giáo ở đây đang sử dụng du lịch halal để thúc đẩy các chính sách mang tính phân biệt đối xử.
|
|
Đối với người Hồi giáo, chiếm gần 90% dân số Indonesia, việc ăn hoặc thậm chí chạm vào lợn được coi là haram - bị cấm. Nhưng đối với các tín đồ Cơ đốc giáo Batak, lợn là một phần của cuộc sống hàng ngày và phục vụ thịt lợn là một phần thiết yếu của mọi nghi lễ quan trọng, từ khi sinh ra cho đến khi chết. |
|
Nhiều dân làng Batak nuôi và giết mổ lợn tại nhà. Kế hoạch thu hút du khách Hồi giáo, đặc biệt từ nước láng giềng Malaysia và Brunei, nổi lên vào tháng 8 khi tỉnh trưởng Bắc Sumatra, Edy Rahmayadi, một người Hồi giáo, đề xuất xây dựng thêm các nhà thờ Hồi giáo gần hồ và chấm dứt giết mổ lợn nơi công cộng.
|
|
Một vài con lợn được nướng cho lễ hội. Tâm điểm của lễ hội, cuộc thi bắt lợn, để thu hút hàng trăm người xem. Họ cười ầm ĩ mỗi khi mỗi khi một con lợn trượt khỏi tay các thí sinh vồ lấy chúng giữa bùn đất khi bị bịt mắt.
|
|
Chính phủ muốn thúc đẩy du lịch hồ Toba nhưng việc nuôi cá đang làm ô nhiễm hồ. Ông Simorangkir, người tổ chức lễ hội lợn, cho biết việc sử dụng thịt lợn không phải điều cản trở khách du lịch, mà là môi trường bị hủy hoại.
|
|
Những ngôi nhà Batak truyền thống được xây cột chống để có thể nuôi lợn bên dưới. "Toàn bộ cuộc sống của chúng tôi kết nối với con lợn. Nó không đến từ tôn giáo hay giáo lý Cơ đốc. Nó đến từ văn hóa", Martongo Sitinjak, lãnh đạo của Giáo hội Tin lành Batak, một trong những tổ chức tôn giáo lớn nhất của Indonesia, cho biết.
|
Tuyết Mai
Theo New York Times
lễ hội lợn ở Indonesia
Indonesia
Trung Quốc
Hồi giáo
thực phẩm Halal
thịt lợn nướng
đấu vật lợn
Indonesia
Cơ đốc giáo