Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người Hàn, Triều ở Trung Quốc: Chung sống trong chia rẽ

Cuộc đối thoại hiếm hoi giữa Seoul và Bình Nhưỡng đã diễn ra hôm 9/1, nhưng những cộng đồng Hàn - Triều ở một thị trấn Trung Quốc vẫn giữ thái độ xa cách do quá nhiều khác biệt.

Dù giữa hai quốc gia là một biên giới quân sự nghiêm ngặt, tại Tây Tháp, thị trấn thuộc thành phố Thẩm Dương, các nhà hàng Hàn Quốc và Triều Tiên vẫn cùng hoạt động. Bảng hiệu bằng tiếng Hàn treo khắp nơi, quảng cáo cho bia, gà rán, mỹ phẩm và quần áo Hàn Quốc.

Cùng ngày 9/1 khi hai miền trên bán đảo Triều Tiên bắt đầu cuộc đối thoại, những cửa hàng Triều Tiên lại phải đối mặt với thời hạn cuối cùng để giải thể khi Trung Quốc thực thi các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc, cấm doanh nghiệp Triều Tiên hoạt động sau những vụ thử hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.

doi thoai lien Trieu anh 1
Phía ngoài một nhà hàng Triều Tiên tại Thẩm Dương. Ảnh: AFP/Getty.

Sau nhiều tháng căng thẳng làm dấy lên mối lo ngại chiến tranh, các quan chức Triều Tiên và Hàn Quốc tổ chức cuộc đối thoại đầu tiên của họ trong hơn hai năm. Nhưng ở thị trấn phía đông bắc Trung Quốc này, người Hàn - Triều luôn căng thẳng, quan hệ giữa họ không có dấu hiệu tan băng.

"Chúng tôi là một dân tộc, một gia đình lớn, nhưng họ có cách suy nghĩ khác với chúng tôi", một nữ phục vụ bàn người Triều Tiên làm việc tại nhà hàng Pyongyang Rungrado giãi bày.

Cô đã sống ở Tây Tháp ba năm qua nhưng chưa bao giờ nói chuyện với một người Hàn Quốc nào. Cô từ chối tiết lộ tên.

Phía bên kia đường, chủ một nhà hàng Hàn Quốc nói rằng bà chưa bao giờ có bất kỳ liên hệ nào với chủ hai quán ăn Triều Tiên gần cơ sở kinh doanh của mình.

"Tôi không muốn chuyện trò với họ", Jin Meihua, 43 tuổi, chia sẻ. Nhà hàng của bà phục vụ lươn và thịt xiên nướng cho khách hàng Trung Quốc.

Kẹt ở giữa

Thành phố Thẩm Dương với 8,3 triệu dân nằm không xa biên giới giữa Trung Quốc và Triều Tiên. Đây là nơi sinh sống của rất nhiều người thuộc dân tộc Triều Tiên ở Trung Quốc.

Những năm gần đây thành phố còn trở thành điểm đến cho những người Triều Tiên đủ đặc quyền để du lịch nước ngoài. Các quán ăn và khách sạn nhỏ Triều Tiên vì thế mà mọc lên. Những cửa hàng Hàn Quốc cũng xuất hiện, phục vụ cho việc mua sắm.

doi thoai lien Trieu anh 2
Một nữ phục vụ trong nhà hàng Triều Tiên ở Thẩm Dương. Ảnh: AFP/Getty.

Tuy vậy, trước những tranh chấp quốc tế, công việc kinh doanh của cả hai phía đều trở nên bế tắc.

Các doanh nghiệp Hàn Quốc choáng váng khi Bắc Kinh áp dụng những biện pháp trừng phạt kinh tế lên Seoul bởi quyết định lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD của Mỹ. Bắc Kinh coi đó là mối đe dọa an ninh.

"Toàn bộ khu vực này đang dần trở thành vùng trũng", AFP dẫn lời Lu Chao, giám đốc Viện Nghiên cứu biên giới tại Học viện Khoa học Xã hội Liêu Ninh ở Thẩm Dương. "Năm ngoái đã có căng thẳng về THAAD với Hàn Quốc, rồi Triều Tiên lại gây ra nhiều vấn đề với những vụ thử hạt nhân. Người Trung Quốc đã không còn muốn đổ tiền vào Tây Tháp nữa".

Cư dân địa phương cho hay nhiều người Hàn Quốc gói ghém đồ đạc và hồi hương khi công việc kinh doanh thất bại. "Kể từ đó mọi việc đã không còn tốt đẹp", Jin Zhenyou, 27 tuổi, người dân tộc Triều Tiên làm việc tại một nhà hàng Hàn Quốc nói.

Các nhà hàng Triều Tiên có thể sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi lượng khách ngày một thu hẹp lại và lệnh đóng cửa từ Bộ Thương mại Trung Quốc. Theo ước tính, khoảng 100 doanh nghiệp Triều Tiên đang hoạt động khắp Trung Quốc.

Tại Tây Tháp, mới chỉ có một nhà hàng dừng hoạt động và người phục vụ tại các nhà hàng khác cho biết họ không có kế hoạch đóng cửa ngày 9/1 như lệnh yêu cầu.

doi thoai lien Trieu anh 3
Bảng hiệu một tiệm massage tại Thẩm Dương. Ảnh: AFP.

Không một điểm giao

Những người thuộc dân tộc Triều Tiên ở Trung Quốc có thể làm cầu nối giữa hai bên, nhưng thậm chí đến họ cũng nói rằng làm bạn với người Triều Tiên là điều khó khăn. "Họ không thích người Hàn Quốc, họ sẽ không ăn trong nhà hàng của chúng tôi. Không có sự lẫn lộn nào hết", Jin nói.

Với tình hình địa chính trị đang biến động tại Triều Tiên, người Hàn Quốc nói họ sẽ chẳng buồn khi thấy những anh em từ phương bắc rời khỏi Tây Tháp.

Người Hàn Quốc và Triều Tiên "không chia sẻ bất kỳ mối quan hệ đặc biệt nào", một người dân địa phương tên Gong cho hay. Họ "không tổ chức các sự kiện để xây dựng mối quan hệ thân thiện, họ không biết nhau và không giao tiếp với nhau".

Theo Chung Young June, một học giả thuộc Viện Hán học của Đại học Yonsei, năm 2016, đại sứ quán Hàn Quốc đã nói với công dân tránh nhà hàng Triều Tiên vì lý do an toàn. Cảnh báo của chính phủ đã len lỏi vào các quán ăn Triều Tiên, làm căng thẳng hơn mối quan hệ giữa những chủ nhà hàng. "Chính phủ Hàn Quốc không cho phép họ ăn thực phẩm của chúng tôi", cô phục vụ tại nhà hàng Triều Tiên nói.

Cô không quan tâm đến việc nói chuyện với người Hàn Quốc. "Chúng tôi theo xã hội chủ nghĩa, họ thì là đất nước tư bản", cô giải thích. "Chúng tôi làm việc vì nhau, chúng tôi làm việc chăm chỉ cho nhau. Còn họ làm tất cả đều phục vụ cho lợi ích của bản thân. Chúng tôi không như vậy".

Ngôi làng 'nằm kẹt' giữa cuộc đua tuyên truyền của 2 miền Triều Tiên Người dân làng Taesung trong khu phi quân sự (DMZ) giống như khán giả hàng ghế đầu của một võ đài, nơi chứng kiến và cảm nhận rõ nhất căng thẳng leo thang giữa 2 miền Triều Tiên.

Đối thoại liên Triều: Quan chức hai miền gặp nhau tại Bàn Môn Điếm

Quan chức đại diện hai miền bán đảo Triều Tiên đã chính thức gặp nhau lần đầu tiên trong hơn hai năm, sau nhiều tháng căng thẳng liên tục leo thang vì hạt nhân và tên lửa.

Việt Nam hoan nghênh đối thoại Triều Tiên - Hàn Quốc

Bộ Ngoại giao cho hay Việt Nam hoan nghênh và ủng hộ các biện pháp liên quan tới tình hình bán đảo Triều Tiên nhằm thúc đẩy đối thoại, duy trì hòa bình, ổn định tại khu vực.

Hoa Hạ

Theo AFP

Bạn có thể quan tâm