Một chiếc thủ lợn và một biểu ngữ chống đạo Hồi bằng tiếng Anh được cư dân địa phương đặt gần công trường xây nhà thờ. Ảnh: Raphael Rachid. |
Ngày 15/12, tổ chức tự gọi là “Ủy ban chống thánh đường Hồi giáo Daegu” tổ chức một bữa tiệc thịt lợn nướng gần công trình xây dựng một thánh đường Hồi giáo tại thành phố lớn thứ tư Hàn Quốc này.
Trước đó, từ cuối tháng 10, “ủy ban” trên cũng đã ba lần đặt một chiếc thủ lợn quay đằng trước công trường - dường như nhằm chọc giận các tín đồ Hồi giáo, những người không ăn thịt lợn, theo South China Morning Post.
Một tấm băng rôn có khẩu hiệu: “Chúng tôi sẽ đấu tranh chống lại việc xây dựng thánh đường đến hơi thở cuối cùng”.
Theo Mian Muaz Razaq, đại diện của nhóm sinh viên theo đạo Hồi tại Đại học Quốc gia Kyungpook, hành động của những người biểu tình thể hiện sự thù ghét với tôn giáo của anh.
“Trên báo chí Hàn Quốc, những người phản đối lập luận rằng (việc sử dụng thủ lợn) là một truyền thống, nhưng tại sao họ lại làm vậy trước thánh đường”, Razaq đặt câu hỏi.
“Họ biểu tình chống lại đạo Hồi, họ gọi chúng tôi là những kẻ khủng bố, họ treo băng rôn chống lại tôn giáo của chúng tôi, họ phát tờ rơi chống đạo Hồi ở nơi chúng tôi sống”, Razaq nói.
Mâu thuẫn gay gắt
Thánh đường đang được xây dựng nằm gần Đại học Quốc gia Kyungpook - nơi có nhiều sinh viên nước ngoài học tập. Từ năm 2014, các sinh viên theo đạo Hồi đã dùng đây làm nơi cầu nguyện.
Tới năm 2020, họ nhận được giấy phép xây dựng thánh đường - có tổng diện tích sàn khoảng 245 m2 - từ chính quyền địa phương. Dù vậy, công trình phải đối mặt với sự phản đối của người dân trong khu vực.
Dự án xây dựng nhà thờ bị người dân địa phương phản đối. Ảnh: South China Morning Post. |
Tháng 2/2021, họ gửi một bản kiến nghị có hơn 10.000 chữ ký lên chính quyền quận Bắc của Daegu để yêu cầu dừng việc thi công thánh đường. Theo lập luận của người dân, thánh đường sẽ gây ra cảnh ồn ào, đông đúc và làm giảm giá trị bất động sản trong khu vực - khi những người mua nhà tiềm năng có thể tránh khu vực có đông người Hồi giáo lui tới.
Chính quyền địa phương chấp nhận thỉnh cầu của cư dân. Ngay sau đó, các sinh viên theo đạo Hồi tại Daegu đưa vụ việc ra tòa. Tòa án Daegu ra phán quyết hủy bỏ mệnh lệnh của chính quyền địa phương, và Tòa án Tối cao Hàn Quốc khẳng định lại quyết định này hồi tháng 9 vừa qua.
Bất chấp phán quyết của tòa án, người dân địa phương vẫn ngăn cản quá trình thi công thánh đường.
“Với lý do gì mà chúng tôi phải chịu đựng? Làm gì có ai muốn ngay sát nhà mình là một thánh đường Hồi giáo được nhiều người lui đến”, bà Kim Jung Ae, đại diện của nhóm phản đối thánh đường, nói với South China Morning Post. “Chúng tôi muốn tiếp tục lối sống của mình, dù điều gì có xảy đến”.
Trong khi đó, Razaq cho rằng cộng đồng Hồi giáo ngay từ đầu đã sẵn sàng đối thoại và đề xuất cách thức giải quyết những mối quan ngại của người dân, nhưng “không may mắn là phản hồi của những người hàng xóm và những người ủng hộ họ rất khiếm nhã”.
“Họ chỉ muốn chúng tôi đi khỏi nơi này, không hơn không kém”, Razaq nhận định. “Giờ đây, khi việc thi công đã được khởi động lại, họ đang làm hết sức có thể để chọc tức chúng tôi, như đem thủ lợn tới. Tôi không chắc rằng đối thoại có thể diễn ra trong tình hình này”.
Thúc giục hành động
Hàn Quốc không có tôn giáo chính thức của nhà nước. Theo điều tra dân số năm 1999, khoảng 28% dân số theo đạo Cơ Đốc và 15,5% theo đạo Phật. Số tín đồ Hồi giáo chiếm khoảng 0,4% dân số, tương đương với khoảng 200.000 người.
Razaq rời quê nhà Pakistan để theo học tại Đại học Quốc gia Kyungpook, Daegu năm 2019. Ngôi trường này có khoảng 100 sinh viên Hồi giáo theo học. Theo Razaq, mối quan hệ giữa cộng đồng Hồi giáo và người dân địa phương vốn tương đối tốt đẹp trước khi thánh đường được khởi công.
Các sinh viên Hồi giáo đi qua một nhóm người biểu tình gần công trường. Ảnh: New York Times. |
“Tôi không bị phân biệt đối xử do tôn giáo của mình”, anh nói, theo AFP. “Tôi đã gặp rất nhiều người có lòng khoan dung ở đất nước này”.
Dù vậy, mọi chuyện thay đổi sau khi các sinh viên nhận được giấy phép xây dựng thánh đường.
“Ban đầu, một số người trong số chúng tôi bị gọi là khủng bố khi gặp mặt những người biểu tình. Họ bao phủ công trình bằng các biểu ngữ chống đạo Hồi, cũng như phát tờ rơi với thông điệp thù ghét Hồi giáo trên đường”, Razaq cho biết.
“Trong những tháng qua, những người phản đối dự án xây thánh đường đã bắt đầu bật nhạc lớn trong giờ cầu nguyện của chúng tôi hay đặt thủ lợn trước thánh đường”.
Một nhóm nhà vận động địa phương đã đề nghị báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc về tự do tôn giáo thúc giục giới chức Hàn Quốc hành động để “loại bỏ lập tức những chiếc thủ lợn”. Trước đó, giới chức thành phố cho biết theo pháp luật, họ không có quyền mang thủ lợn đi nếu không được người dân đồng ý.
“Nếu chính quyền không hành động vì lo ngại sự tức giận của người dân, họ sẽ tạo ra tiền lệ xấu”, ông Seo Chang Ho, đại diện của một nhóm vận động hướng đến giải quyết tranh chấp một cách êm đẹp, nói.
Cuốn sách giải mã "hiện tượng" Hàn Quốc
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách Giải mã Hàn Quốc sành điệu (The Birth of Korean Cool). Cuốn sách là tập hợp những câu chuyện và quan sát của Euny Hong, hiện đã là một nhà văn, nhà báo nổi tiếng, về cách một quốc gia vươn lên dẫn đầu toàn cầu về kinh tế, công nghệ, giáo dục và pop culture (văn hóa đại chúng). Độc giả có thể đọc sách tại đường dẫn này.