HDBank là ngân hàng vừa điều chỉnh biểu lãi suất huy động xuống vùng thấp. Ảnh: Chí Hùng. |
Thị trường lãi suất ngân hàng đang ghi nhận xu hướng giảm liên tục trong giai đoạn tháng 5 và tháng 6 khi các ngân hàng đồng loạt kéo lãi suất huy động tại tất cả kỳ hạn xuống mức thấp theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.
Cũng trong hôm nay (26/6), đã có thêm ngân hàng thương mại tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất tiết kiệm tại các kỳ hạn. Đáng chú ý, hiện người gửi tiền đã không còn nhận được mức lãi suất trên 8%/năm cho các khoản tiền gửi kỳ hạn 12 tháng.
Thêm ngân hàng hạ lãi suất
Trong thông báo mới nhất, HDBank cho biết ngân hàng đã điều chỉnh hạ lãi suất tiết kiệm dành cho khách hàng cá nhân từ hôm nay (26/6). Sau điều chỉnh, dải lãi suất áp dụng cho tiền gửi kỳ hạn 1-36 tháng của ngân hàng này đã xuống vùng thấp, khoảng 4,25-6,9%/năm.
Cụ thể, với kỳ hạn 1-5 tháng, HDBank đã giảm 0,5 điểm % lãi suất, từ mức 4,75%/năm xuống chỉ còn 4,25%/năm, áp dụng tại 2 kênh gửi online và tại quầy.
Đây cũng là mức lãi suất cho kỳ hạn ngắn thấp nhất toàn hệ thống ngân hàng thương mại, hiện bằng lãi suất niêm yết kỳ hạn ngắn của một số ngân hàng và chỉ đứng sau 4 ngân hàng quốc doanh là Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank (cùng trả mức 3,4-4,1%/năm).
Với hình thức gửi online, kỳ gửi trung và dài hạn 6 tháng và 12 tháng được nhà băng này điều chỉnh giảm 0,2 điểm %, từ 7,5%/năm xuống còn 7,3%/năm. Các kỳ hạn 7-11 tháng giảm xuống còn 6,9%/năm. Với kỳ hạn 36 tháng, HDBank vẫn giữ nguyên lãi suất ở 6,9%/năm và các kỳ hạn 13-18 tháng, khách hàng cá nhân sẽ nhận lãi suất 7,1-7,3%/năm.
Trong khi đó, các kỳ hạn tiền gửi tại quầy được nhà băng này điều chỉnh thấp hơn so với gửi online từ 0,1 đến 0,7 điểm % tùy kỳ hạn.
Tương tự HDBank, Oceanbank cũng vừa thông báo biểu lãi suất mới được điều chỉnh ngay trong sáng nay.
Cụ thể, nhà băng này đã hạ 0,3 điểm % lãi suất cho các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, áp dụng trên kênh gửi online. Trong đó, kỳ hạn 6 tháng được Oceanbank giảm lãi suất từ 7,6%/năm xuống còn 7,3%/năm; kỳ hạn 12 tháng giảm từ 7,8%/năm xuống 7,5%/năm; kỳ hạn 36 tháng giảm từ 8,1%/năm xuống 7,8%/năm.
Với tiền gửi tại quầy, lãi suất 6 tháng trở lên được Oceanbank niêm yết thấp hơn 0,1 điểm % ở từng kỳ hạn tương ứng so với kênh online. Khách hàng gửi 1-5 tháng tại ngân hàng, lãi suất vẫn ghi nhận mức kịch trần là 4,75%/năm với cả 2 kênh quầy và online.
Gửi tiền ngân hàng lãi suất cao nhất 8,1%/năm
Theo khảo sát biểu lãi suất tại 34 ngân hàng thương mại trong nước ngày 26/6, tại kỳ hạn 12 tháng, mức lãi suất trên 8%/năm đã hoàn toàn biến mất. Thị trường hiện chỉ ghi nhận mức lãi suất cao nhất cho kỳ hạn này ở 8%/năm và do GPBank niêm yết với tiền gửi online.
Cũng tại hình thức gửi tiết kiệm này, GPBank đang giữ lãi suất kỳ hạn 13-36 tháng cao nhất toàn hệ thống, cố định ở mốc 8,1%/năm. Với kỳ hạn 6 tháng, người gửi nhận tiền tại GPBank sẽ nhận lãi suất 7,8%/năm; gửi 7-9 tháng nhận lãi suất 7,85-7,9%/năm.
Trường hợp gửi tại quầy, khách hàng sẽ nhận được mức lãi suất thấp hơn 0,5 điểm % so với gửi online tại GPBank, áp dụng tại tất cả kỳ hạn 6 tháng trở lên.
Xét trên biểu lãi suất của các ngân hàng tại kỳ hạn 12 tháng, theo sau GPBank hiện là các ngân hàng thương mại tư nhân cỡ nhỏ với mức lãi suất khoảng là 7,8%/năm như ABBank, BacABank, VietBank, Oceanbank. Trong khi PVcomBank, Baoviet Bank, NamABank, BVBank, SHB đang cùng niêm yết lãi suất 7,7%/năm cho kỳ hạn này.
Ở nhóm giữa, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng dao động quanh mức 7-7,6%/năm với khoảng 15 ngân hàng thương mại. Trong khi đó, lãi suất dưới 7%/năm cho tiền gửi 12 tháng đang được một loạt ngân hàng áp dụng như DongABank, Kienlongbank (6,94%/năm); ACB (6,9%/năm); VIB (6,8%/năm).
Xếp cuối cùng vẫn là 4 ngân hàng quốc doanh hiện niêm yết lãi suất cho kỳ hạn này ở mức 6,3%/năm.
Ở kỳ hạn dài hơn, 13-36 tháng, ngoài GPBank thì hầu hết ngân hàng đều giữ lãi suất cho khách hàng cá nhân dao động quanh vùng 7,1-7,9%/năm.
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về doanh nhân, câu chuyện kinh doanh, khởi nghiệp, vượt qua khó khăn, kinh nghiệm quản trị... tại Tủ sách doanh nhân. Những cuốn sách được chia sẻ bởi các doanh nhân nổi tiếng thế giới như Bill Gate, Warren Buffett, Elon Musk...