Theo CNBC, tỷ lệ vỡ nợ tại Mỹ đã gia tăng trong tháng 5. Các doanh nghiệp nước này đang chật vật vì lãi suất tăng cao, việc tái cấp vốn trở nên tốn kém hơn và triển vọng kinh tế bấp bênh.
Theo dữ liệu của Moody’s Investors Service, Mỹ ghi nhận 41 vụ vỡ nợ doanh nghiệp trong năm nay, cao nhất toàn cầu và nhiều gấp đôi cùng kỳ năm ngoái. Đầu tuần này, ông Jerome Powell - Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) - cảnh báo sẽ có thêm nhiều đợt tăng lãi suất nữa, cho đến khi lạm phát hạ nhiệt.
Theo giới phân tích, lãi suất tăng cao là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến làn sóng vỡ nợ. Chi phí vay vốn đang phình to đối với các doanh nghiệp muốn gia tăng thanh khoản, hoặc những công ty đã gánh khoản nợ lớn cần tái cấp vốn.
Chi phí nợ tăng cao
Các doanh nghiệp thường không còn nhiều lựa chọn. Một số phải hoán đổi khoản nợ của mình sang hình thức nợ khác. Trong trường hợp xấu hơn, việc tái cấu trúc có thể xảy ra bên ngoài hoặc tại tòa án.
"Vốn giờ trở nên đắt đỏ hơn nhiều. Hãy nhìn vào chi phí nợ", CNBC dẫn lời ông Mohsin Meghji tại công ty tư vấn và tái cơ cấu M3 Partners. "Trong vòng 15 năm qua, các vị có thể vay nợ với chi phí hợp lý 4-6% ở mọi thời điểm, giờ đây, con số là 9-13%", ông chỉ ra.
Trong vòng 15 năm qua, các vị có thể vay nợ với chi phí hợp lý 4-6% ở mọi thời điểm, giờ đây, con số là 9-13%
Ông Mohsin Meghji tại công ty tư vấn và tái cơ cấu M3 Partners
Ông tiết lộ công ty của mình đã rất bận rộn vào quý cuối năm ngoái. Theo ông Meghji, ngay cả với những doanh nghiệp vững vàng về tài chính, lãi suất tăng cao cũng dẫn đến các vấn đề trong việc tái cấp vốn.
Theo dữ liệu của S&P Global Market Intelligence, tính đến ngày 22/6, 324 doanh nghiệp Mỹ đã nộp hồ sơ phá sản, không thấp hơn nhiều con số 374 công ty trong cả năm ngoái. Mỹ có tới 230 công ty phá sản chỉ riêng 4 tháng đầu năm, đánh dấu mức cao nhất cùng kỳ kể từ năm 2010.
Envision Healthcare - hãng cung cấp dịch vụ y tế khẩn cấp - là vụ vỡ nợ lớn nhất trong tháng 5 năm nay. Theo Moody's, khi nộp đơn xin phá sản, công ty này đang gánh khoản nợ hơn 7 tỷ USD.
Theo dữ liệu của S&P Global Market Intelligence, những tên tuổi lớn nhất nằm trong danh sách phá sản năm nay là công ty báo động và an ninh gia đình Monitronics International, ngân hàng khu vực Silicon Valley Bank, chuỗi bán lẻ Bed Bath & Beyond và chủ sở hữu mạng lưới thể thao Diamond Sports.
Theo ông Tero Jänne - Trưởng bộ phận chuyển đổi vốn và tư vấn nợ tại ngân hàng đầu tư Solomon Partners - trong nhiều trường hợp, các vụ vỡ nợ có thể mất hàng tháng, thậm chí nhiều quý để xử lý.
"Tỷ lệ vỡ nợ là một chỉ báo muộn về tình trạng căng thẳng của nền kinh tế", ông cho biết.
Tình hình sẽ còn xấu đi
Moody’s dự báo tỷ lệ vỡ nợ trên toàn cầu sẽ tăng lên 4,6% vào cuối năm nay, cao hơn mức trung bình những năm qua là 4,1%. Đến tháng 4 năm sau, tỷ lệ này có thể đạt 5% trước khi quay đầu giảm.
"Từ trước đến nay, chúng ta đã ở trong một môi trường tín dụng cực kỳ lỏng lẻo. Thẳng thắn mà nói, ngay cả những doanh nghiệp đáng lẽ không nên khai thác thị trường nợ, vẫn có thể thoải mái huy động vốn mà không bị hạn chế", ông Mark Hootnick tại Solomon Partners nhận định.
Vì thế, tình trạng vỡ nợ đã xảy ra tại nhiều lĩnh vực khác nhau. Ông cho rằng ở thời điểm này, nên đặt cược vào sự gia tăng của làn sóng vỡ nợ.
"Làn sóng vỡ nợ không tập trung ở bất cứ lĩnh vực cụ thể nào. Thay vào đó, có khá nhiều vụ vỡ nợ trong các ngành khác nhau. Nó phụ thuộc vào đòn bẩy và tính thanh khoản", Phó chủ tịch Sharon Ou tại Moody's nhận định.
Dĩ nhiên, vẫn còn một số lý do riêng đằng sau các vụ vỡ nợ. Chẳng hạn, ngoài gánh nặng nợ nần, Envision còn rơi vào tình trạng phá sản bởi các vấn đề chăm sóc sức khỏe bắt nguồn từ đại dịch. Bed Bath & Beyond chao đảo vì chi phí vận hành số lượng cửa hàng lớn, dù khách hàng đã chuyển sang mua sắm trực tuyến.
"Nhưng tất cả chúng ta đều hiểu rõ những rủi ro mà các công ty đang phải đối mặt hiện nay. Đó là tăng trưởng kinh tế suy yếu, lãi suất tăng cao và lạm phát dai dẳng", bà Ou nhận định.
"Các lĩnh vực mang tính chu kỳ sẽ bị ảnh hưởng, chẳng hạn hàng tiêu dùng lâu bền, nếu người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu", vị chuyên gia cảnh báo.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.
Fed: Sẽ còn nhiều đợt tăng lãi suất nữa
Trái ngược với kỳ vọng của thị trường, Chủ tịch Fed cho biết ngân hàng trung ương sẽ tăng lãi suất thêm nhiều lần nữa cho đến khi đạt được bước tiến trong cuộc chiến với lạm phát.
Nghịch lý trong tham vọng giảm phụ thuộc vào USD của Trung Quốc
Ngân hàng do Trung Quốc và các nước BRICS thành lập từng được cho là sẽ định hình lại hệ thống tài chính toàn cầu. Nhưng giờ, nhà băng này đang có thể trở thành ngân hàng xác sống.
Nền kinh tế toàn cầu sẽ ra sao trong nhiệm kỳ mới của ông Trump?
Ngày 20/1 (giờ Mỹ), ông Donald Trump sẽ chính thức trở lại Nhà Trắng, dự báo mở ra kỷ nguyên mới đầy biến động trong chính sách kinh tế toàn cầu.