Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Người giàu Việt Nam ở đâu trong giới tỷ phú thế giới?

Đầu năm 2020, Forbes ghi nhận Việt Nam có 4 tỷ phú USD. Đến nay, con số này là 6 người, trong đó ông Phạm Nhật Vượng lọt top 500 người giàu nhất thế giới.

sieu giau the gioi 2020 anh 1

Năm 2020 là một năm đầy khó khăn đối với nền kinh tế toàn cầu do tác động của đại dịch Covid-19. Chính phủ các nước phải áp dụng lệnh phong tỏa, hạn chế đi lại. Do đó, nhiều doanh nghiệp lớn nhỏ điêu đứng, hàng triệu người lao động mất việc, giảm thu nhập.

Bất chấp tình hình đó, tổng tài sản của những cá nhân giàu nhất hành tinh vẫn liên tục tăng lên nhanh chóng. Việt Nam đóng góp 6 cái tên trong danh sách các tỷ phú USD trên thế giới.

Cuộc đua vị trí người giàu nhất hành tinh

Từ ngày 7/1 vừa qua, khi tỷ phú Elon Musk lần đầu tiên vượt qua Jeff Bezos để trở thành người giàu nhất thế giới. Vị trí này đến nay vài lần thay đổi qua lại giữa nhà sáng lập hãng xe điện Tesla và ông chủ Amazon.

Tính từ tháng 3/2020, giá cổ phiếu của Tesla gia tăng chóng mặt tới 720%, nâng tổng tài sản của CEO Elon Musk từ 24,6 tỷ USD lên 189,7 tỷ USD vào ngày 8/1.

Đầu tháng 11/2020, Musk vượt qua Mark Zuckerberg (CEO Facebook) để trở thành người giàu thứ 4 thế giới, sau đó vượt người đồng sáng lập Microsoft Bill Gates để tiến lên vị trí thứ 3. Một tháng sau đó, lượng tài sản của Musk tiếp tục vượt đại gia Pháp Bernard Arnault để tiến gần hơn đến vị trí thứ nhất.

sieu giau the gioi 2020 anh 2

Tính đến ngày 21/1, danh hiệu người giàu nhất thế giới quay trở lại với tỷ phú Jeff Bezos với tổng tài sản 190 tỷ USD theo bảng xếp hạng của Forbes. Elon Musk ở vị trí thứ hai khi sở hữu 184 tỷ USD. Hiện tổng tài sản của Musk đang giữ khoảng cách khá xa với ông chủ hãng thời trang xa xỉ LVMH -người sở hữu 148,7 tỷ USD.

Tuy nhiên, rất khó để xác định chính xác trong số hai doanh nhân này ai là người giàu nhất thế giới bởi biến động cổ phiếu của Amazon và Tesla còn rất khó lường.

Họ đều là những người đã cùng nhau phá kỷ lục người giàu nhất thế giới trong năm 2020. Đồng thời, với cách tính của Bloomberg Billionaires Index, Musk là người giàu nhất thế giới với 201 tỷ USD, trong khi Bezos đứng thứ hai với 192 tỷ USD.

Tài sản của giới công nghệ, dược phẩm tăng chóng mặt

Cách đây hơn một năm, khi "kỳ lân" WeWork, Uber cùng hàng loạt startup công nghệ nổi tiếng của thế giới lâm cảnh thua lỗ, thậm chí đối mặt với nguy cơ phá sản, các nhà phân tích trên khắp Wall Street tỏ ra rất lo ngại trước mức định giá "khủng" của cổ phiếu công nghệ. Thế nhưng dịch Covid-19 bùng nổ và lan rộng khắp thế giới từ tháng 3 đến nay đã cuốn trôi tất cả những nghi ngờ đó.

Theo một báo cáo của Viện Nghiên cứu Chính sách Mỹ, giá trị tài sản ròng của Jeff Bezos đã tăng 73 tỷ USD từ giữa tháng 3 đến giữa tháng 9 nhờ vào cổ phần ông nắm giữ tại Amazon. Trong cùng thời gian đó, Mark Zuckerberg và Elon Musk đều có giá trị ròng tăng hơn 45 tỷ USD.

Tại Trung Quốc, vườn ươm phát triển nhanh nhất thế giới dành cho giới siêu giàu, 257 người đã trở thành tỷ phú trong năm nay. Jack Ma, người sáng lập nền tảng thương mại Alibaba, chứng kiến giá trị tài sản ròng tăng lên 45% trong 10 tháng đầu năm 2020.

sieu giau the gioi 2020 anh 3

Nguồn: Financial Times. Việt hóa: Như Ý.

Theo top 500 người giàu nhất thế giới của Bloomberg, tính đến ngày 21/1, có 79 tỷ phủ trong lĩnh vực công nghệ, tương đương 15,8%. Đây là ngành có số lượng tỷ phú đông nhất trong top 500, vượt qua các lĩnh vực truyền thống như công nghiệp (12,2%), tiêu dùng (8,4), tài chính (7,6%), F&B (7%)...

Cùng với công nghệ, tài sản của các tỷ phú trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cũng có tốc độ tăng trưởng đáng kinh ngạc.

Trong năm 2020, khi các bác sĩ và nhân viên y tế đang ở tuyến đầu chiến đấu với sự bùng phát Covid-19, những doanh nghiệp thúc đẩy lĩnh vực dược phẩm và chăm sóc sức khỏe được các nhà đầu tư và thị trường quan tâm cao.

Ấn Độ có 17 tỷ phú hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và dược phẩm, tăng 10 tỷ phú so với năm 2019. Tổng tài sản của 17 tỷ phú này đã tăng 61%, tương đương 23 tỷ USD nhờ giá cổ phiếu dược phẩm tăng nhanh.

Thời của giới nhà giàu châu Á

Một trong những xu hướng nổi bật nhất của giới siêu giàu trong năm qua là sự vươn lên nhanh chóng của khu vực châu Á.

Theo UBS and PwC's Billionaires Insights 2020, tính đến tháng 7/2020, châu Á - Thái Bình Dương là khu vực chiếm số lượng cá nhân có giá trị ròng cực cao cao nhất với 831 người siêu giàu, tương đương 38%. Tài sản của các tỷ phú tại châu Á -Thái Bình Dương lên đến 3.300 tỷ USD. Tỷ lệ này vượt qua châu Mỹ với 762 cá nhân (35%), châu Âu với 596 (27%).

Báo cáo này cũng cho thấy khu vực châu Á - Thái Bình Dương là nơi có tỷ lệ tỷ phú trong lĩnh vực công nghệ và chăm sóc sức khỏe cao nhất thế giới với 181 cá nhân, chiếm hơn 8%. Việc chú trọng đầu tư để tạo nhiều đột phá mới vào 2 lĩnh vực quan trọng này đã giúp giới siêu giàu của khu vực vượt lên dẫn trước so với các cá nhân siêu giàu kinh doanh các ngành truyền thống.

sieu giau the gioi 2020 anh 4

Ông Anuj Kagalwala, lãnh đạo bộ phận quản lý vốn và tài sản của PwC Singapore, nhận định đây việc tài sản trong lĩnh vực công nghệ và chăm sóc sức khỏe tăng nhanh hơn các lĩnh vực khác là một xu hướng thú vị nhưng không quá bất ngờ. Trong thập kỷ qua, tài sản của các tỷ phú trong lĩnh vực công nghệ đã tăng 5,7 lần trong khi tài sản của các tỷ phú trong lĩnh vực dịch vụ tài chính tăng 2,3 lần.

Đặc biệt, khoảng một nửa tài sản của các tỷ phú trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và 17% trên toàn cầu thuộc về các tỷ phú Trung Quốc. Trong đó, chăm sóc sức khỏe, vật liệu, giải trí và truyền thông là những lĩnh vực hàng đầu thúc đẩy sự gia tăng tài sản của các tỷ phú trong nước. Trung Quốc hiện có 415 tỷ phú với tổng tài sản trị giá 1,7 nghìn tỷ USD và 98% trong số họ là các tỷ phú tự thân.

Việt Nam có thêm 6 tỷ phú USD

Trong năm 2020, danh sách các tỷ phú đến từ Việt Nam của Forbes tăng từ 4 lên 6 cá nhân. Bảng xếp hạng này do tỷ phú Phạm Nhật Vượng dẫn đầu với tổng tài sản lên là 6,6 tỷ USD.

Lần đầu tiên ông Vượng được Forbes đưa vào hàng ngũ tỷ phú thế giới vào năm 2013 với tổng tài sản 1,5 tỷ USD, hiện khối tài sản đã tăng 4,4 lần.

Tuy nhiên, bảng xếp hạng Bloomberg lại ước tính tổng tài sản tỷ phú Vượng đang nắm giữ đạt 8,22 tỷ USD, giảm 864 triệu USD lũy kế từ đầu năm đến nay. Năm 2019, Bloomberg từng tính toán ông Vượng nắm kỷ lục 9,81 tỷ USD, giàu thứ 157 thế giới.

Xếp hạng thế giới Tỷ phú Tài sản (22/1) Lĩnh vực
382 Phạm Nhật Vượng 6,6 tỷ USD Đa ngành
1153 Nguyễn Thị Phương Thảo 2,7 tỷ USD Hàng không
1421 Trần Đình Long 2,1 tỷ USD Thép
1568 Hồ Hùng Anh 1,9 tỷ USD Ngân hàng, hàng tiêu dùng
1783 Nguyễn Đăng Quang 1,6 tỷ USD Ngân hàng, hàng tiêu dùng
1914Trần Bá Dương và gia đình1,5 tỷ USDÔtô

Theo bảng xếp hạng này, ông Vượng hiện đứng hạng 305 và cũng là tỷ phú Việt duy nhất vào top 500 người giàu nhất thế giới do Bloomberg tính theo thời gian thực (22/1).

Đầu năm 2020, Forbes chốt danh sách 4 tỷ phú Việt góp mặt vào dàn tỷ phú USD thế giới lần lượt gồm: ông Phạm Nhật Vượng (Chủ tịch Tập đoàn Vingroup), bà Nguyễn Thị Phương Thảo (CEO VietJet Air), ông Trần Bá Dương (Chủ tịch Thaco) cùng gia đình và ông Hồ Hùng Anh (Chủ tịch Techcombank).

Hiện tại danh sách tỷ phú USD đón nhận sự quay trở lại của ông Nguyễn Đăng Quang (Chủ tịch Tập đoàn Masan) và ông Trần Đình Long (Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát).

Những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam sau 10 năm

Ông Phạm Nhật Vượng tiếp tục là người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam sau 10 năm. Số tài sản trên sàn chứng khoán của người đứng đầu 10 năm trước chỉ đủ xếp thứ 7 vào năm 2020.

Elon Musk giàu nhất thế giới nhờ 'bong bóng Tesla' khổng lồ

Giá cổ phiếu Tesla tăng nóng đưa Elon Musk thành tỷ phú giàu nhất hành tinh. Nhưng nhiều nhà đầu tư Phố Wall cảnh báo đó chỉ là bong bóng bị thổi phồng phi lý và sẽ sớm vỡ vụn.

'Cơn bão Tesla' đưa Elon Musk thành tỷ phú giàu nhất hành tinh

Elon Musk giàu lên nhờ sự ổn định của hãng xe điện Tesla. Tuy nhiên, giá cổ phiếu Tesla đang tăng chóng mặt, nhanh hơn nhiều so với tốc độ kiếm lời và mở rộng của hãng.

Hà Bùi

Bạn có thể quan tâm