Trong vài năm qua, các nhà thiết kế Trung Quốc đưa nhiều thương hiệu nội địa đến những tuần lễ thời trang lớn và cửa hàng đa thương hiệu trên khắp thế giới.
Đây là kết quả, từ cả người tiêu dùng và chính phủ, của sự ủng hộ “làn sóng quốc gia” và sản phẩm “cây nhà lá vườn” so với hàng hóa phương Tây, theo Jing Daily.
Các thương hiệu thời trang Trung Quốc tiếp tục xâm nhập thị trường xa xỉ toàn cầu. Tuy nhiên, câu hỏi vẫn còn đó là “Liệu người tiêu dùng trong nước có mua sản phẩm cao cấp nếu chúng được gắn mác ‘made in China’?”.
Các nhà thiết kế Trung Quốc đang thúc đẩy giới hạn của sự sáng tạo và thu hút người tiêu dùng thông qua chiến lược tiếp thị bản địa hóa. Điều này dẫn đến việc hình thành thị trường xa xỉ “made in China”. Ảnh: Icicle. |
Thay đổi đáng kể
Một số chuyên gia trong ngành đồng ý rằng có sự thay đổi đáng kể của người tiêu dùng Trung Quốc đang diễn ra.
Khi các nguồn lực địa chính trị thúc đẩy người tiêu dùng hướng tới doanh nghiệp trong nước và sáng kiến do chính phủ định hướng như “Made in China 2025” khuyến khích nền kinh tế sáng tạo, các nhà thiết kế đang tận dụng những điều kiện thị trường thuận lợi này để tăng giá trị cảm xúc cho thương hiệu của họ.
Abhay Gupta, Giám đốc điều hành của cơ quan tư vấn kinh doanh Luxury Connect, cho biết: “Gần đây, có sự bùng nổ về các thương hiệu thời trang xa xỉ do Trung Quốc sản xuất, dành cho người Trung Quốc và ở Trung Quốc. Logic đơn giản của việc họ biết về kích thước và thị hiếu của người châu Á tốt hơn thương hiệu châu Âu cộng với việc các thương hiệu phương Tây liên tục lạm dụng văn hóa đã dẫn đến thái độ dần dần chấp nhận các sản phẩm ‘cây nhà lá vườn’”.
Nhà thiết kế Feng Chen Wang đã giới thiệu bộ sưu tập xuân hè 2023 của mình tại Tuần lễ thời trang Paris (Pháp). Ảnh: Feng Chen Wang Studio. |
Timothy J. Druzbik, Giám đốc cấp cao về chiến lược và phát triển kinh doanh của Walmart, cho biết mặt khác, người tiêu dùng đã quen với một số thương hiệu nội địa bán sản phẩm cao cấp.
“Người tiêu dùng ngày càng ủng hộ các thương hiệu ‘made in China’, thậm chí còn cảm thấy đồ nội địa mang lại giá trị ngang bằng hoặc vượt trội so với quốc tế. Có sự đổi mới sản phẩm mạnh mẽ, các chiến dịch tiếp thị sáng tạo và niềm tự hào về thương hiệu nội địa”, ông nói.
Tuy nhiên, bất chấp những bước tiến quan trọng, một số câu hỏi vẫn tồn tại. Nhiều người tiêu dùng Trung Quốc có thể không bối rối hoặc ngạc nhiên nếu phát hiện chiếc túi hiệu của họ được sản xuất tại Tuyền Châu hoặc Ôn Châu, nhưng điều này không có nghĩa là họ không phải lo lắng về chất lượng sản phẩm và giá trị bán lại.
Chưa sẵn sàng từ bỏ
Jerry Clode, người sáng lập The Solution, thường xuyên khảo sát người tiêu dùng địa phương về sở thích mua sắm của họ. Ông tin rằng nhận định người tiêu dùng Trung Quốc đang chuyển sang các thương hiệu nội địa thực sự là lời nói quá.
Clode chỉ ra một số công ty khởi nghiệp Trung Quốc sử dụng giải pháp thương mại kỹ thuật số nhằm tận dụng cơ hội mới, nhưng các thương hiệu quốc tế vẫn có giá cao hơn.
“Thực tế đơn giản là trong 3-4 năm qua, nhiều thương hiệu Trung Quốc được thúc đẩy bởi mức độ tiếp thị cao. Điều này đương nhiên có nghĩa là họ có mức độ nhận biết và lòng trung thành từ người tiêu dùng mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, những người trung lưu sẽ tiếp tục chọn thương hiệu quốc tế vì họ khao khát trở thành ‘công dân toàn cầu’”, ông nói.
Trong số người tiêu dùng thuộc tầng lớp trung lưu mà Clode từng phỏng vấn, ông nhận thấy sự hiện diện rõ ràng của các thương hiệu nước ngoài trong nhà của họ. Đây là một phần của sở thích tạo ra “môi trường quốc tế” - điều mà các thương hiệu nội địa đơn giản là không làm được.
Tuy nhiên, bất chấp lòng tự hào dân tộc ngày càng dâng cao, người tiêu dùng thế hệ Z vẫn chưa sẵn sàng từ bỏ sự xa xỉ. Việc mua hàng hiệu “made in China” có thể là sự nhượng bộ mà họ sẵn sàng thực hiện.
Không phải người Trung Quốc nào cũng đã sẵn sàng từ bỏ hàng hiệu phương Tây để chuyển sang ủng hộ thương hiệu nội địa. Ảnh: Bobby Yip/Reuters. |
Đánh giá này đúng một phần. Trên thực tế, các thương hiệu toàn cầu vẫn duy trì vị thế quyền lực ở Trung Quốc. Tuy nhiên, do một số biến cố, uy tín của các công ty quốc tế đã suy giảm.
Tương tự, guồng lao động khắc nghiệt ở các xưởng sản xuất đồ xa xỉ ở Italy và tin tức về việc ngược đãi công nhân nhập cư, nhiều trong số đó là người Trung Quốc, chắc chắn cũng tạo điều kiện cho sự chuyển dịch sang thương hiệu nội địa. Thế hệ Z (sinh năm 1997-2012) có thể ủng hộ mạnh mẽ xu hướng này.
“Thế hệ trẻ lớn lên mà không phải chứng kiến một Trung Quốc nghèo khó nên không liên kết các sản phẩm nội địa với hàng nhái kém chất lượng. Họ coi thương hiệu trong nước là đối thủ cạnh tranh xứng tầm với thương hiệu toàn cầu”, Gupta giải thích.
Mảng kinh doanh thương hiệu nội địa cũng được hỗ trợ và đảm bảo việc làm cho người lao động. Không ai dám chắc một trong số công nhân sản xuất Prada, Burberry, Armani hoặc Marc Jacobs tại nhà máy Trung Quốc sẽ không nắm được bí quyết chế tác da từ các nghệ nhân hàng đầu châu Âu.
Sự gia tăng của các dòng thời trang cao cấp là bằng chứng cho thấy mối quan hệ của Trung Quốc với hàng xa xỉ đã vượt qua quá khứ bắt chước và sản xuất hàng loạt. Điều này báo hiệu quốc gia tỷ dân được trang bị để có vai trò tích cực hơn trong ngành thời trang trong tương lai.
“Tôi thấy tiềm năng cho các thương hiệu thời trang Trung Quốc vươn mình ra thế giới. Giống như hiện tại, mọi người chắc chắn biết đến Trung Quốc như nhà cung cấp trà chất lượng cao, đồ trang sức đẹp, công nghệ tiên tiến và thức ăn ngon”, Druzbik khẳng định.