Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc về tình trạng nghèo đói cùng cực, ông Philip Alston cho biết ngay cả khi các mục tiêu hiện tại được đáp ứng, hàng triệu người vẫn sẽ bị bần cùng hóa. Ông cũng chỉ trích các cơ quan của Liên Hợp Quốc đã có những bước đi "không đầy đủ".
"Những chương trình lừa dối sẽ không cứu nhân loại hoặc hành tinh khỏi thảm họa đang đến gần", ông Alston cảnh báo.
Ông Alston là người Australia và là thành viên của hội đồng chuyên gia độc lập của Liên Hợp Quốc. Ông đã đệ trình báo cáo lên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc vào ngày 24/6. Báo cáo dựa trên kết quả nghiên cứu hiện thời.
Người nghèo chịu ảnh hưởng nhiều nhất
Mấu chốt của cảnh báo này cho rằng người nghèo có nguy cơ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi nhiệt độ tăng, tình trạng thiếu lương thực và xung đột, những yếu tố song hành cùng biến đổi khí hậu.
Các quốc gia đang phát triển dự kiến sẽ gánh ít nhất 75% chi phí cho biến đổi khí hậu. Mặc dù trên thực tế, một nửa số người nghèo hơn trên thế giới chỉ tạo ra 10% lượng khí thải.
Những người "đóng góp ít nhất vào khí thải" sẽ chịu "tổn hại nhiều nhất", theo ông Alston. Đồng thời, ông cảnh báo những tác động của biến đổi khí hậu có thể làm thụt lùi tiến bộ của thế giới trong 50 năm qua trong việc xóa đói giảm nghèo.
Một cậu bé bơi qua khu ổ chuột Makoko ở Lagos, Nigeria. Ảnh: Getty. |
Báo cáo cũng chỉ ra các ví dụ về cách người giàu ở các quốc gia phương Tây sẵn sàng đối phó với điều kiện thời tiết khắc nghiệt như thế nào.
Khi cơn bão Sandy càn quét New York năm 2012, hầu hết người dân đều không có điện, nhưng trụ sở chính của ngân hàng Goldman Sachs vẫn được bảo vệ bởi hàng chục ngàn bao cát và có điện từ máy phát điện. Tương tự, đội lính cứu hỏa tư nhân "găng tay trắng" được phái đi để giải cứu các biệt thự của những người giàu có.
Sự phụ thuộc quá mức vào khu vực tư nhân trong nền kinh tế có thể tạo ra tình trạng "phân biệt khí hậu". Tại đó, người giàu có thể thoát khỏi tình trạng quá nóng, thiếu lương thực và xung đột, trong khi phần còn lại của thế giới phải chịu đựng.
Từ năm 2007 đến nay, Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu đã cảnh báo rằng "người nghèo nhất trong số những người nghèo trên thế giới sẽ bị thiệt hại nặng nhất".
Báo cáo của ông Alston chỉ trích nặng nề việc thiếu hành động của các tổ chức thuốc Liên Hợp Quốc, bất chấp những cảnh báo như vậy trong nhiều thập kỷ qua.
Thất bại trong hành động
"Các bài phát biểu tối tăm của quan chức chính phủ tại các hội nghị thường kỳ không đưa đến các hành động thiết thực", ông Alston chỉ trích các chính sách hiện hành. "30 năm kể từ khi công ước (Công ước khung Liên Hiệp Quốc về Biến đổi Khí hậu) ra đời, có rất ít hành động được thực hiện".
Liên Hợp Quốc đã cảnh báo con người "trên đường đến thảm họa" do biến đổi khí hậu. Ảnh: RNZ. |
Trong số những cái tên bị chuyên gia Alston chỉ trích có Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro, vì dưới thời cầm quyền của ông, tỷ lệ phá rừng nhiệt đới để khai thác gia tăng và các biện pháp bảo vệ môi trường bị suy yếu.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng lọt vào danh sách đen vì "đặt những người vận động hành lang trước đây vào vai trò giám sát", "im lặng và làm xáo trộn các chương trình khoa học khí hậu", đồng thời "đẩy lùi các biện pháp bảo vệ môi trường".
Ông Alston không những chỉ trích các chính trị gia mà còn cả Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nơi ông đệ trình báo cáo.
"Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc không còn đủ khả năng nếu chỉ dựa vào chuyên môn lâu đời. Họ kêu gọi các báo cáo không đi đến đâu, thúc giục người khác làm nhiều hơn trong khi bản thân thì làm rất ít và thông qua các nghị quyết được áp dụng rộng rãi nhưng không thuyết phục", ông Alston viết trong báo cáo.
Thay vào đó, theo ông cần có một ủy ban nghiên cứu chuyên môn khẩn cấp về các phương án khả thi để ngăn chặn thảm họa khí hậu và có đề xuất giám sát các hành động cụ thể.
Đe dọa nền dân chủ
Tổ chức Di cư Quốc tế đã cảnh báo trong một báo cáo năm 2014 rằng số người di cư do biến đổi khí hậu có thể lên tới từ khoảng 25 triệu đến một tỷ người vào năm 2050.
Báo cáo của ông Alston ước tính 140 triệu người sẽ rời khỏi vùng Hạ Sahara, Nam Á và Mỹ Latin.
Một ngư dân bắt cua trong rừng ngập mặn trên sông Caratingui ở Bahia, Brazil. Sản lượng đánh bắt trung bình hàng ngày đã giảm một nửa so với 10 năm trước. Nước đã tiến sâu vào đất liền 3 m so với trước đây. Ảnh: Reuters. |
Ông Alston cũng cảnh báo nền dân chủ của các quốc gia có thể gặp rủi ro khi các chính phủ đấu tranh để thực hiện những thay đổi lớn.
"Cộng đồng nhân quyền, với một vài ngoại lệ đáng chú ý, đã tự mãn như hầu hết chính phủ trước thách từ biến đổi khí hậu đối với nhân loại", trích báo cáo.
Ông Alston nói rằng toàn bộ cộng đồng nhân quyền đã thất bại với thực tế là nhân quyền có thể không tồn tại trong biến động sắp tới.