Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người giàu Hy Lạp cũng chùn tay vì khủng hoảng

Cuộc khủng hoảng nợ công chưa từng có tiền lệ trong lịch sử tại Hy Lạp khiến ngay cả tầng lớp người giàu trong xã hội cũng tỏ ra dè dặt trong hoạt động chi tiêu.

Một người đàn ông bán xổ số dạo nghỉ ngơi tại thành phố Athens, Hy Lạp hôm 22/7.
Một người đàn ông bán xổ số dạo nghỉ ngơi tại thành phố Athens, Hy Lạp hôm 22/7. Ảnh: AP

Các phố thuộc khu Kifissia ở phía bắc thành phố Athens rợp bóng cây với những cửa hàng thời trang thời thượng. Thương nhân ở đây bán giày của hãng Valentino, nhẫn kim cương và thiết bị dành cho du thuyền. Họ đều có nhiều tiền, nhưng tại thời điểm này, họ sẽ không rút ví cho những món đồ xa xỉ.

Nikki, 34 tuổi, đang ngồi cùng cùng cô bạn Maria ở ngoài cửa hàng bán giày trẻ em của cô. Cô vừa nói  chuyện qua điện thoại, vừa nhìn về phía cửa hàng, nhưng tuyệt nhiên không khách hàng nào tới. 

“Chúng tôi chờ đợi để xem chuyện gì sẽ xảy ra với các ngân hàng. Đó là việc duy nhất chúng tôi có thể làm”, cô nói.

Thanh lịch và sang trọng, Kifissia là một trong những khu vực giàu ở Athens. Đây cũng là trong những khu phố ít ỏi ở thủ đô mà đa số người dân nói “Có” với cuộc trưng cầu dân ý vừa diễn ra vào ngày 5/7.

61,3 % người dân Hy Lạp nói “Không” với những gói cứu trợ quốc tế từ các chủ nợ của Hy Lạp, nhưng người dân ở Kifissia không tin cam kết của chính phủ về khả năng một cuộc đàm phán hiệu quả hơn sẽ diễn ra sau cuộc trưng cầu dân ý. 63,9% người dân ở Kifissa muốn chính phủ chấp nhận gói cứu trợ và thực hiện những biện pháp thắt lưng buộc bụng.

Một nhân viên bán hàng nói: “Chỉ giới nhà giàu mới đủ khả năng ủng hộ những yêu cầu của các chủ nợ”.

Nhưng giờ đây, tương lai của đất nước vẫn nằm trong tay chính phủ của đảng cánh tả Syriza. Những người cầm quyền đang thực hiện các cuộc đàm phán sâu hơn với các bộ trưởng tài chính của khu vực đồng Euro.

Trông chờ du khách nước ngoài

Vận may của một số người bán hàng phụ thuộc vào sức chi tiêu từ người nước ngoài. Chủ của một cửa hàng trang sức cao cấp mừng ra mặt khi một khách hàng mua tận hai vòng cổ lấp lánh.

Bà Nicole Kharma, 48 tuổi, là người Singapore. Bà đến Hy Lạp với một tập tiền 50 Euro. Chủ cửa hàng trang sức, ông Stavros Metaxas, cho biết Nicole mang hàng trăm tờ.

“Những vị khách nước ngoài rất quan trọng. Người dân Hy Lạp đang chờ đợi những diễn biến tiếp theo của cuộc khủng hoảng nên không muốn tiêu tiền”, Metaxas nói.

Trong thời gian qua, mỗi ngày người dân Hy Lạp chỉ được phép rút 50-60 Euro do chính sách kiểm soát tiền mặt của chính phủ. Nhưng quy định này không áp dụng với người nước ngoài. Và những cửa hàng cần tiền để thanh toán với nhà cung cấp, nên họ không muốn khách thanh toán bằng thẻ tín dụng.

“Nếu không nhận được tiền mặt, họ sẽ lấy lại hàng”, Metaxas giải thích.

Bà Kharma có thể rút 500 Euro một ngày bằng cách sử dụng thẻ ngân hàng quốc tế và chi tiêu ở Hy Lạp. Nhưng bà cảm thấy “đau lòng” khi chứng kiến tình hình ở đây.

“Tôi rời khỏi máy rút tiền với một xấp tiền gồm những tờ 50 Euro có tổng trị giá 500 Euro, trong khi người dân nơi đây phải xếp hàng dài và chỉ có thể rút 50 Euro. Thật buồn”.

“Mọi người đều chịu ảnh hưởng”.

Đối với những người Hy Lạp, thứ duy nhất tiếp thêm sức để họ chờ đợi những món tiền nhỏ từ ngân hàng chính chính là một cốc cà phê.

Panagiotis Fotiou, một người đàn ông 60 tuổi, nhâm nhi cốc espresso để lấy sức cho việc quay lại ngân hàng xếp hàng và rút tiền. Ông đã bỏ phiếu “Có” vì, giống như nhiều người ở đây, ông tin chính phủ của Thủ tướng Alexis Tsipras muốn bỏ đồng Euro.

“Tôi tin rằng chính phủ muốn đưa Hy Lạp ra khỏi Liên minh Châu Âu, và chúng tôi sẽ sử dụng lại đồng drachma. Tôi nghĩ họ thực hiện kế hoạch theo từng bước, không đưa ra bất kỳ thông báo nào, bởi họ không muốn người dân thấy ý định của họ”.

Fotiou đã sống ở Anh vào những năm 80. Cách đây 3 năm, ông chuyển đến Kifissia. Kỹ sư cơ khí vừa nghỉ hưu cách đây 1 tháng.

“Khu vực này là một trong những nơi giàu nhất Hy Lạp. Vì vậy, chúng tôi không muốn thấy các cửa hàng đóng cửa hoặc cảnh người ăn mày xuất hiện trên đường phố. Nhưng mọi người đều chịu ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng theo nhiều cách khác nhau”, ông cho biết.

Hiện tại người dân ở Kifissia chỉ có thể chờ đợi. Cuộc sống của họ đang tạm dừng, bởi vì tương lai của họ nằm trong tay những người khác.

Hy Lạp quyết đối đầu với các chủ nợ

Hơn 60% cử tri tham gia cuộc trưng cầu dân ý tại Hy Lạp hôm 5/7 không chấp nhận những điều kiện mà các nước châu Âu đưa ra để tiếp tục hỗ trợ tài chính cho Athens.

Bách Hợp

Bạn có thể quan tâm