Những người ủng hộ lựa chọn từ chối điều khoản của các chủ nợ tập trung tại quảng trường Syntagma ở thủ đô Athens của Hy Lạp vào tối 5/7. Ảnh: AP |
Bộ Nội vụ Hy Lạp thông báo trên trang web của họ rằng khoảng 10 triệu cử tri tham gia cuộc trưng cầu dân ý về việc đồng ý hay từ chối những yêu cầu của các chủ nợ nhằm gia hạn các khoản vay và hỗ trợ thêm tài chính cho hệ thống ngân hàng. Kết quả kiểm phiếu cho thấy 61% cử tri không chấp nhận các điều khoản của những chủ nợ, trong khi chỉ 39% đồng ý, BBC đưa tin.
Việc đa số cử tri Hy Lạp nói "Không" với các chủ nợ khiến giá đồng Euro mất giá mạnh. Trên thị trường tài chính quốc tế, giá trị đồng Euro giảm tới 1,4% so với đồng USD và 2,1% so với đồng Yen.
Lẽ ra Hy Lạp, đất nước chìm trong khủng hoảng từ năm 2009, phải trả 1,6 tỷ Euro cho IMF vào ngày 30/6, nhưng họ không thể thanh toán khoản nợ. Athens cũng phải trả khoản nợ 3,5 tỷ Euro cho Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vào ngày 20/7. Trước tình thế bi đát của Hy Lạp, các nước chủ nợ yêu cầu Athens chấp nhận những điều khoản khắc nghiệt để gia hạn nợ và nhận những khoản vay mới. Chính phủ Hy Lạp quyết định trưng cầu dân ý để cử tri định đoạt số phận của các điều khoản.
Syriza, đảng cầm quyền ở Hy Lạp, vận động người dân phản đối các điều khoản vì họ cho rằng chúng là "điều sỉ nhục". Phe đối lập cảnh báo việc Hy Lạp nói "Không" sẽ khiến Athens phải rời khỏi khu vực đồng Euro.
Vào tối 5/7, Thủ tướng Alexis Tsipras của Hy Lạp tuyên bố người dân đã chọn "một châu Âu đoàn kết và dân chủ".
"Các bạn đã đưa ra quyết định dũng cảm trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Từ ngày mai, Hy Lạp sẽ trở lại bàn đàm phán và ưu tiên hàng đầu của chúng ta là khôi phục sự ổn định tài chính của đất nước. Lần này chúng ta sẽ thảo luận về khoản nợ", ông phát biểu trên đài truyền hình. Tsipras dẫn một báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế để nhấn mạnh rằng, tái cơ cấu nợ là biện pháp cần thiết đối với Hy Lạp.
Euclid Tsakalotos, trưởng đoàn đàm phán với các chủ nợ của Hy Lạp, tin rằng với kết quả rõ ràng của cuộc trưng cầu, Athens sẽ có thể đạt một thỏa thuận với các chủ nợ trong Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) một cách nhanh chóng.
Nhưng một số quan chức EU từng khẳng định việc nói "Không" là thông điệp cho thấy Hy Lạp không muốn tiếp tục đàm phán với các nước cho họ vay tiền.
Ông Jeroen Dijsselbloem, người đứng đầu nhóm Bộ trưởng Tài chính khu vực đồng euro, nói rằng kết quả cuộc trưng cầu dân ý là điều vô cùng đáng tiếc đối với tương lai của Hy Lạp. Bộ trưởng Kinh tế Đức, ông Sigmar Gabriel, nhận định rằng tái thương lượng với Athens là việc mà ông không thể tưởng tượng.
"Kết quả trưng cầu dân ý đã phá tan những chiếc cầu cuối cùng mà Hy Lạp và EU có thể sử dụng để tiến tới một sự thỏa hiệp", ông bình luận.
Theo Gabriel, Thủ tướng Tsipras và chính phủ của ông đang đưa đất nước tới một con đường của "sự chối bỏ và tuyệt vọng".
Giới chức EU từng cảnh báo có thể Hy Lạp sẽ phải rời khỏi khu vực đồng Euro nếu họ không thể đạt một thỏa thuận với các nước chủ nợ. Khả năng này đang trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết. Nếu một thỏa thuận không ra đời, Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ ngừng cung cấp tiền mặt cho hệ thống ngân hàng của Hy Lạp. Hệ thống tài chính của Hy Lạp sẽ sụp đổ nếu tiền mặt cạn kiệt. Bất ổn xã hội sẽ tăng nếu người dân không thể rút tiền tiết kiệm. Trong tình huống ấy, giải pháp duy nhất của Hy Lạp là quay trở lại với đồng tiền cũ và rời khỏi khu vực đồng Euro.
Tuy nhiên, ông Paolo Gentiloni, Ngoại trưởng Italy, kêu gọi EU và IMF nhân nhượng với chính phủ Hy Lạp để các bên có thể ký kết một thỏa thuận.
"Đây là thời điểm phù hợp để chúng ta tái khởi động quá trình thương lượng cho một thỏa thuận với Hy Lạp. Chúng ta không thể thoát khỏi mê cung Hy Lạp với một EU suy yếu", Gentiloni nói.
Văn phòng Tổng thống Pháp thông báo Tổng thống Francois Hollande sẽ họp khẩn với Thủ tướng Đức Angela Merkel để bàn về tương lai của Hy Lạp sau cuộc trưng cầu dân ý hôm 5/7.