Người dân Athens bức xúc vì không thể rút tiền từ ngân hàng. Ảnh: Reuters. |
Theo báo Wall Street Journal, hôm 29/6, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras ra lệnh đóng cửa các ngân hàng và thị trường chứng khoán đến ngày 6/7.
Thị trường chứng khoán Athens cũng ngừng hoạt động đến ngày 7/7. Chính phủ chỉ cho phép người dân rút tiền từ máy ATM ở mức tối đa 60 euro mỗi ngày.
Mục tiêu là ngăn chặn nguy cơ hoảng loạn lan rộng. Ông Tsipras kêu gọi người dân bình tĩnh đối phó với tình hình hiện tại.
Căng thẳng bùng lên vào cuối tuần khi ông Tsipras tuyên bố tổ chức trưng cầu ý dân ngày 5/7 về việc Hy Lạp phải thực hiện các cải tổ tài chính ngặt nghèo để được nhận cứu trợ từ Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).
Phản ứng lại, bộ trưởng tài chính các nước khối đồng euro bác bỏ đề xuất gia hạn trả nợ cho Hy Lạp. ECB quyết định không tăng viện trợ khẩn cấp cho Athens.
Chứng khoán chao đảo
Như vậy, trong hôm nay Hy Lạp sẽ phải trả nợ hơn 1,5 tỷ euro (1,7 tỷ USD) cho IMF. Hầu như chắc chắn Athens sẽ vỡ nợ do hoàn toàn không đủ khả năng chi trả. Theo AFP, trước tình hình biến động, người dân Hy Lạp ồ ạt đi rút tiền từ các máy ATM.
Một nguồn tin từ Athens tiết lộ hiện chỉ 40% số máy ATM trên cả nước còn tiền. Trong 3 ngày cuối tuần qua, người Hy Lạp đã rút tới 1,3 tỷ euro (1,45 tỷ USD) ra khỏi hệ thống ngân hàng.
Biện pháp đóng cửa ngân hàng, hạn chế rút tiền ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân Hy Lạp vốn thích tiêu tiền mặt chứ ít khi dùng thẻ tín dụng. Nhiều người dân Hy Lạp tỏ ra rất bức xúc với việc không thể rút được tiền mặt để chi tiêu.
Hàng loạt doanh nghiệp bày tỏ lo ngại doanh thu sẽ sụt giảm 30-50% do người tiêu dùng sẽ tiết kiệm tiền cho các mặt hàng thật sự thiết yếu như thực phẩm hay xăng xe.
“Không tiền, không hi vọng. Hôm nay là ngày thứ hai đen tối”, AFP dẫn lời anh Chris Bakas, 28 tuổi, một công dân thủ đô Athens, than thở.
Nguy cơ Hy Lạp vỡ nợ khiến các thị trường chứng khoán toàn cầu chao đảo. Theo Reuters, giá cổ phiếu tại hàng loạt sàn giao dịch châu Âu như Đức, Pháp, Anh, Tây Ban Nha... giảm 4-5%.
Lãi suất trái phiếu chính phủ của các nền kinh tế đang lao đao như Italy, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha tăng vọt. Áp lực chi trả nợ nần của Rome, Madrid và Lisbon trở nên nặng nề hơn. Như vậy, có nguy cơ khủng hoảng nợ sẽ lan từ Hy Lạp sang các quốc gia này.
Tại châu Á, các thị trường Tokyo (Nhật), Sydney (Australia), Seoul (Hàn Quốc), Hong Kong, Thượng Hải (Trung Quốc) cũng giảm 3-4%. Giá đồng euro giảm mạnh xuống còn một euro đổi được 1,1070 USD và 136,09 yen.
Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ cho biết đã có biện pháp can thiệp để ngăn chặn tình trạng giá đồng franc Thụy Sĩ không tăng quá cao so với đồng euro. Giá dầu thô trên thị trường Mỹ cũng giảm nhẹ gần một USD xuống còn 58,73 USD một thùng.
Còn cơ hội?
Hôm 29/6, Cao ủy Kinh tế EU Pierre Moscovici khẳng định Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker sẽ sớm đưa ra các đề xuất mới với Thủ tướng Hy Lạp Tsipras để ngăn chặn nguy cơ Athens vỡ nợ.
“Chúng ta cần phải tiếp tục đối thoại. Cánh cửa đàm phán luôn rộng mở”, ông Moscovici nhấn mạnh. Bộ trưởng Tài chính Pháp Michel Sapin cũng trấn an rằng đàm phán có thể được nối lại bất kỳ lúc nào. Người phát ngôn của Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết bà Merkel sẵn sàng đối thoại với ông Tsipras.
Mới đây, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng tuyên bố điều quan trọng nhất là phải mở con đường để Hy Lạp tìm lại tăng trưởng trong khuôn khổ khối đồng euro. Tuy nhiên, kết cuộc của “bi kịch Hy Lạp” tùy thuộc vào kết quả cuộc trưng cầu ý dân ngày 5/7.
Nếu người dân Hy Lạp nói “đồng ý”, nước này sẽ phải tiếp tục oằn mình thực hiện các biện pháp thắt lưng buộc bụng cùng khổ, khiến tăng trưởng kiệt quệ, nợ nần tiếp tục chồng chất.
Và câu trả lời không sẽ đồng nghĩa với việc ECB chấm dứt viện trợ khẩn cấp cho Hy Lạp. Có nghĩa là Hy Lạp sẽ vỡ nợ và rời khỏi khối đồng euro.
Thủ tướng Anh David Cameron cho rằng sẽ rất khó để Hy Lạp ở lại khối đồng euro nếu không chấp nhận cứu trợ. Chính phủ Athens sẽ sử dụng lại đồng drachma.
Theo các chuyên gia kinh tế, trước mắt nền kinh tế Hy Lạp rơi vào hỗn loạn, tiền tiết kiệm của người dân sụt giá chóng mặt.
EU cũng sẽ phải vật lộn để ngăn chặn nguy cơ khủng hoảng nợ lan sang Italya, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Cho dù EU có thành công, uy tín của đồng euro cũng sẽ bị hủy hoại nghiêm trọng.
“Mục tiêu của đồng euro là tăng cường kết nối kinh tế giữa các nước thành viên, xây dựng một bản sắc châu Âu chung. Việc Hy Lạp rời khối đồng euro sẽ hủy hoại mục tiêu đó”, LA Times dẫn lời chuyên gia Simon Tilford của Trung tâm Cải cách châu Âu (Anh) cảnh báo.
“Nếu đồng euro sụp đổ”
Theo AFP, hôm qua Thủ tướng Đức Angela Merkel cảnh báo: “Nếu đồng euro sụp đổ, châu Âu cũng sụp đổ”.
Bà Merkel, người từng rất cứng rắn với Hy Lạp, kêu gọi tất cả các bên cùng nhượng bộ để đạt một thỏa thuận cứu trợ Athens.
Tổng thống Pháp François Hollande mô tả cuộc trưng cầu ý dân ngày 5/7 là sự lựa chọn của người dân Hy Lạp về việc đi hay ở lại khối đồng euro.