Lượng phát thải CO2 tăng 60% trong giai đoạn 25 năm nói trên. Nhưng phần tăng phát thải từ 1% người giàu nhất trên thế giới cao gấp ba lần lượng tăng phát thải từ 50% người nghèo nhất, theo báo cáo từ Oxfam và Viện Môi trường Stockholm.
Phát thải CO2 tích tụ trong khí quyển gây nóng lên toàn cầu. Đến khi nhiệt độ vượt quá 1,5 độ C (so với thời tiền công nghiệp), sẽ có tác hại rộng khắp cho các hệ thiên nhiên. Như vậy, thế giới có một “ngân sách carbon” hữu hạn, tức lượng CO2 được phép thải ra mà chưa khiến nhiệt độ ngưỡng không thể quay đầu, theo Guardian.
Giới khoa học cảnh báo “ngân sách carbon” này sẽ bị dùng hết trong vòng một thập kỷ với đà hiện tại. Báo cáo này cho rằng chính những người giàu đang lạm dụng “ngân sách carbon” của Trái Đất.
Theo đó, 10% người giàu nhất thế giới (tức 630 triệu người) phát thải bằng 52% lượng CO2 toàn cầu trong 25 năm qua, tức ngang ngửa với 90% còn lại của thế giới.
Với đà hiện tại, trong thập kỷ tới, lượng phát thải của 10% người giàu nhất sẽ đủ khiến nhiệt độ tăng 1,5 độ C (so với tiền công nghiệp), ngay cả khi toàn bộ dân số còn lại trên thế giới cắt phát thải xuống còn 0 ngay lập tức.
Vòi phun giúp giải nhiệt đường phố ở thủ đô Baghdad, Iraq, nơi nhiệt độ lên tới 51 độ C vào tháng 7. Ảnh: AFP. |
Báo cáo định nghĩa 10% người giàu nhất là có thu nhập 35.000 USD một năm trở lên, còn 1% người giàu nhất là có thu nhập từ 100.000 USD một năm.
Các lãnh đạo thế giới sẽ họp Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc lần thứ 75 vào tuần này, và khủng hoảng khí hậu là chủ đề nổi bật trong nghị trình. Thủ tướng Anh Boris Johnson dự kiến đưa ra tầm nhìn cho hội nghị thượng đỉnh khí hậu tiếp theo của Liên Hợp Quốc, có tên COP 26, sẽ tổ chức ở Glasgow tháng 11/2021. Dịch Covid-19 đã buộc COP 26 phải hoãn một năm.